WILLIAM OSLER- CHA ĐẺ CỦA Y HỌC HIỆN ĐẠI

Hãy nghe bài viết
Getting your Trinity Audio player ready...

Cập nhật lần cuối vào 30/07/2023

William Osler (1949-1919), người được xem là “Cha đẻ của Y học Hiện đại” (“Father of Modern Medicine”), đã có công xây dựng một hệ thống giảng dạy y học kết hợp các hiểu biết từ nghiên cứu bệnh lý học và sinh lý bệnh với thực hành khám và chữa trị bệnh nhân tại giường bệnh. 

Mục lục

Vài dòng tiểu sử:

Osler được sinh ra vào năm 1849 trong một gia đình có 9 người con mà bố mẹ đã di cư từ Anh đến vùng thượng Ontario, Canada trước đó hơn 10 năm. Khi còn nhỏ ông là một đứa trẻ ham chơi và không được thầy cô coi trọng vì thường xuyên có những hành vi nghịch ngợm. Nhập học Trường Cao đẳng Trinity ở Dundas, Ontario vào năm 1864 với ý định trở thành một mục sư, ông lại gặp và chịu ảnh hưởng của Cha Johnson, một giáo sư và một bác sĩ địa phương là James Bovell. Cha Johnson và bác sĩ Bovell thường gặp nhau vào mỗi cuối tuần để theo đuổi mối quan tâm chung của họ về tự nhiên và kính hiển vi, và chàng trai trẻ tuổi Osler đã tham gia cùng họ lùng sục khắp vùng quê ở Canada tìm kiếm các mẫu vật để nhuộm màu và quan sát trên kính hiển vi.

Đây là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của Osler. Ông đã dành phần lớn thời gian rảnh rỗi của mình để tìm hiểu về các sinh vật bậc thấp và những bí ẩn của sinh học. Chính điều này là cơ sở cho mong muốn trở thành một thầy thuốc thay vì một mục sư cũng như những đóng góp to lớn cho y học của ông trong những năm về sau.

Tốt nghiệp trường Trinity College năm 1868 và lấy bằng y khoa bốn năm sau tại Đại học McGill, nơi ông nổi bật nhờ sở thích về bệnh học, cả khi khám nghiệm tử thi và dưới kính hiển vi. Sau khi tốt nghiệp, ông du hành đến châu Âu, tham quan London, Berlin và Vienna, nơi ông đã tham dự các bài giảng của một số giáo sư y khoa hàng đầu thế giới. Ông đã dành phần lớn thời gian ở London trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu máu người, và vào tháng 5 năm 1873 sau khi đọc một bài viết trước khi Hiệp hội Kính hiển vi Hoàng gia, ông được bầu làm thành viên của Hội. Cũng vào mùa hè năm đó, ông là người đầu tiên mô tả các tiểu cầu là thành phần bình thường của máu.

Trở về Canada năm 1874, ở tuổi 25, ông được bổ nhiệm làm giảng viên môn sinh lý, mô học và bệnh học tại trường cũ của mình, trường y Đại học McGill. Trong mười năm tiếp theo, ông là nhà nghiên cứu bệnh học tại Bệnh viện Đa khoa Montreal, Giáo sư của Viện Y khoa, và bắt đầu từ năm 1878, ông là bác sĩ toàn thời gian tại Bệnh viện Đa khoa Montreal. Vào thời điểm đó, việc khám nghiệm tử thi thường được thực hiện bởi bác sĩ chăm sóc bệnh nhân lúc tử vong, sự nhiệt tình của Osler trong việc nghiên cứu căn bệnh trong giai đoạn cuối lớn đến mức bệnh viện đã tạo ra vị trí “bác sĩ giải phẫu bệnh” đặc biệt cho ông. Ông đã tự mình thực hiện hơn một nghìn ca khám nghiệm tử thi khi ở Montreal, lưu giữ hồ sơ về những quan sát của mình về mối tương quan bệnh học với bệnh của bệnh nhân, và công bố những phát hiện của mình trên rất nhiều tạp chí và trở nên nổi tiếng từ đó.

Osler năm 1881

Năm 1884, ông được mời làm Trưởng khoa Y học Lâm sàng tại Đại học Pennsylvania, Mỹ. Tại đây, ông cho ra đời một loạt các tài liệu trình bày chi tiết các trường hợp bệnh đặc biệt, các nghiên cứu của mình trong khoa học cơ bản, cũng như bệnh học và cơ chế bệnh sinh.

Nền giáo dục y học ở nước Mỹ vào thời điểm đó thật lộn xộn và chương trình còn nhiều thiếu sót. Do nhu cầu lớn về số lượng bác sĩ để phục vụ cho việc mở rộng qua bờ Tây, các trường y khoa đã mọc lên như nấm và không liên kết với các đại học. Chương trình giảng dạy thường chỉ kéo dài một hoặc hai năm, và đôi khi giáo sư được sinh viên trả tiền trực tiếp cho bài giảng của mình.

Điều kiện giáo dục y khoa và bản thân y học ở Mỹ có dịp thay đổi ngoạn mục nhờ ý muốn của một thương nhân ở thành phố Baltimore, Maryland tên là Johns Hopkins. Khi qua đời vào năm 1873, Johns Hopkins đã di chúc để lại 7.000.000 đô la được chia đều cho một trường đại học và bệnh viện dự kiến, cả hai đều mang tên ông. Theo di nguyện của ông, bệnh viện phải được liên kết với đại học, và trường y khoa cần trở thành một viện sánh ngang với các viện nghiên cứu lớn của châu Âu trong việc đào tạo ra những bác sĩ giỏi nhất trên thế giới. Vào năm 1889, một loạt nhân tài y học đã hướng về Baltimore để trở thành trưởng các khoa của bệnh viện và giảng dạy các sinh viên y khoa tương lai. Osler được mời đảm nhận vị trí bác sĩ trưởng (Physician in Chief) của bệnh viện (có lương) và Giáo sư Lý thuyết và Thực hành Y học của trường y (không có lương).

Osler bên giường bệnh hân

Tại đây, trong khi chờ đợi những sinh viên đầu tiên trúng tuyển trường y gần 4 năm sau, Osler đã dành thời gian và công sức, cùng với sự hỗ trợ của đồng nghiệp, cho ra đời một cuốn sách trở thành kinh điển vào thời đó về y học, “Nguyên tắc và Thực hành Y học”, xuất bản năm 1892. Cuốn sách giáo khoa này cực kỳ thành công và đạt đến ấn bản lần thứ 16 (Osler mất khi ấn bản thứ bảy, và cuốn sách đã đem lại phần lớn thu nhập cho ông những năm sau này). Tại Hopkins, ông đã triển khai chương trình giảng dạy tiên tiến nhất thời đó, kết hợp tiền lâm sàng và thực hành tại bệnh viện. Ông tiếp tục nghiên cứu các vấn đề lâm sàng nổi bật thời đó như bệnh tuyến giáp, đau thắt ngực, thương hàn, bệnh lao,.. Khi trở thành bác sĩ chẩn đoán giỏi nhất nước Mỹ, ông trở nên cực kỳ bận rộn với những lời mời tư vấn khám chữa bệnh từ khắp nơi. Cùng với công việc thực hành khám chữa bệnh, giảng dạy, nghiên cứu, … những điều này khiến ông kiệt sức.

William Osler tại Johns Hopkins

Sau mười sáu năm ở Johns Hopkins, Osler đã nhận lời làm Chủ tịch Giáo sư Hoàng gia Y khoa tại Oxford ở Anh với ý định tìm kiếm một bầu không khí yên tĩnh hơn. Tuy nhiên, tại đây ông lại bị cuốn vào các hoạt động nghề nghiệp lẫn xã hội ở Oxford: giảng dạy, khám bệnh, tư vấn y khoa, viết sách báo… Vô số danh hiệu đã được trao cho Osler trong suốt sự nghiệp của ông. Ông được bầu vào Hiệp hội Hoàng gia năm 1898, nhận bằng danh dự từ các trường đại học, và được phong tòng Nam Tước năm 1911.

William Osler tại Oxford University, 1907.

Gia đình Osler sống yên bình ở Anh được vài năm thì Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra. Ông cùng vợ đã tích cực tham gia phục vụ cho cuộc chiến, tổ chức và điều hành Cục Quân y. Năm 1917, Revere Osler, người con duy nhất của ông (một người con khác đã mất từ nhỏ) đã bị thương và hy sinh trong khi tham gia nghĩa vụ quân sự. Người ta nói rằng Osler không bao giờ hồi phục sau cái chết đau lòng của con trai mình tuy vậy ông vẫn tiếp tục công việc với Cục Quân y cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Ông mắc bệnh viêm phế quản phổi và qua đời vào ngày 29 tháng 12 năm 1919.

Cuốn tiểu sử đầy đủ về Osler, Cuộc đời của Ngài William Osler ( hai tập) do học trò và đồng thời là người bạn của ông – Harvey Cushing (1869-1939) viết đã đoạt giải Pulitzer năm 1926. Ngày nay chúng ta còn biết tên tuổi của Cushing qua Hội chứng Cushing (thừa cortisol), tam chứng Cushing (dấu hiệu tăng áp lực nội sọ là tăng huyết áp, nhịp tim chậm, hô hấp không đều), loét Cushing (loét dạ dày ở bệnh nhân chấn thương sọ não) và Luật Cushing (tăng áp lực nội sọ gây thiếu máu não)…

Một số dấu hiệu lâm sàng được mang tên ông:

  • Dấu hiệu Osler là dấu hiệu tăng huyết áp giả tạo do xơ vữa động mạch
  • Hạt Osler trong viêm nội tâm mạc nhiễm trùng
  • Bệnh Rendu-Osler-Weber, còn gọi là bệnh giãn mạch xuất huyết di truyền (hereditary hemorrhagic telangiectasia).
  • Bệnh Osler-Vaquez, bây giờ gọi là bệnh đa hồng cầu nguyên phát (Polycythemia rubra vera)

Osler và những danh ngôn y học

Suốt cuộc đời, bên cạnh những thành tựu nghiên cứu và đóng góp cho y học, ông đã để lại rất nhiều những danh ngôn mà người biên soạn xin chỉ giới thiệu một vài câu với bạn đọc:

“The very first step towards success in any occupation is to become interested in it.”

“Bước đầu tiên để thành công trong bất kỳ nghề nghiệp nào là quan tâm đến nó.” 

“Medicine is a science of uncertainty and an art of probability.”

“Y học là một khoa học về sự không chắc chắn và một nghệ thuật của xác suất.” 

“He who studies medicine without books sails an uncharted sea, but he who studies medicine without patients does not go to sea at all.”

“Người học y mà không có sách thì sẽ như đi biển không có bản đồ, nhưng người học y mà không có bệnh nhân thì không đi biển lần nào cả.”

“Gentlemen, I have a confession to make. Half of what we have taught you is in error, and furthermore we cannot tell you which half it is”

“Hỡi các quý ông, tôi có một lời thú nhận. Một nửa những gì chúng tôi đã dạy các bạn là sai lầm, và hơn nữa chúng tôi không thể nói cho các bạn biết đó là nửa nào”

“The hardest conviction to get into the mind of a beginner is that the education upon which he is engaged is not a college course, not a medical course, but a life course, for which the work of a few years under teachers is but a preparation.”

” Điều khó thuyết phục nhất với một người mới bắt đầu học là nền giáo dục mà anh ta tham gia không phải là một khóa học đại học, không phải là một khóa học về y khoa, mà là một khóa học về cuộc sống, mà quá trình học tập một vài năm dưới sự hướng dẫn của người thầy chỉ là một sự chuẩn bị.” 

“The value of experience is not in seeing much, but in seeing wisely.”

“Giá trị của kinh nghiệm không nằm ở việc nhìn thấy nhiều, mà ở việc nhìn thấy một cách khôn ngoan.” 

“Variability is the law of life, and as no two faces are the same, so no two bodies are alike, and no two individuals react alike and behave alike under the abnormal conditions which we know as disease.”

“Tính thay đổi là quy luật của cuộc sống, và cũng như không có hai khuôn mặt nào giống nhau, vì vậy không có hai cơ thể nào giống nhau và không có hai con người nào phản ứng giống nhau và cư xử giống nhau trong những tình trạng bất thường mà chúng ta gọi là bệnh.”

“Listen to your patient, he is telling you the diagnosis.”

“Hãy lắng nghe bệnh nhân của bạn, họ đang cho bạn biết chẩn đoán.”

“Observe, record, tabulate, communicate. Use your five senses. Learn to see, learn to hear, learn to feel, learn to smell, and know that by practice alone you can become expert.”

“Hãy quan sát, ghi chép, lập bảng, trao đổi với nhau. Hãy sử dụng năm giác quan của bạn. Học cách nhìn, học cách nghe, học cách cảm nhận, học cách ngửi và biết rằng chỉ bằng cách luyện tập, bạn có thể trở thành chuyên gia.” 

MinhdatRehab, tổng hợp và biên dịch

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này