ĐẠI CƯƠNG BỆNH KHỚP
Một số đặc điểm dịch tễ học:
Bệnh khớp là một trong những bệnh lý thường gặp nhất ở mọi nơi trên thế giới. Nó là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế ở người mắc bệnh.
Các nghiên cứu độc lập đã cho thấy, vào một thời điểm, có 30-40% dân số có các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cơ xương, như là đau, sưng nề hoặc giới hạn vận động. Hầu hết những người lớn trên 70 tuổi có các triệu chứng bệnh khớp mạn tính hoặc tái phát.
Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh cơ xương khớp ảnh hưởng đến khoảng 1,71 tỷ người trên toàn cầu, trong đó thoái hóa khớp chiếm tỷ lệ cao nhất. Riêng viêm khớp dạng thấp, ước tính có khoảng 1% dân số thế giới mắc bệnh. Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của Bộ Y tế, khoảng 30% người trên 35 tuổi và 60% người trên 65 tuổi có dấu hiệu bệnh khớp.
Bệnh khớp tác động lên mọi lứa tuổi. Phụ nữ ước tính chiếm khoảng 2/3 bệnh nhân bệnh khớp.
Nguyên nhân và Phân loại bệnh khớp:
Nguyên nhân của bệnh khớp hầu hết không rõ. Người ta đưa ra những nguyên nhân hoặc yếu tố gây bệnh như chấn thương, ít vận động, béo phì, dị tật (như chân vòng kiềng), tuổi tác, di truyền, môi trường, nhiễm trùng, mất cân bằng men…
Có trên 100 dạng bệnh khớp khác nhau (bảng 1). Có dạng do quá trình bào mòn tự nhiên ở khớp, có dạng lại xuất hiện đột ngột rồi lại biến mất, tái phát sau đó nếu không điều trị. Nhiều dạng có biểu hiện mãn tính và có thể tiến triển.
Có nhiều cách phân loại bệnh khớp khác nhau, tùy thuộc vào mục đích sử dụng.
Phân loại đơn giản
Một phân loại đơn giản, dễ nhớ và thường được sử dụng trong lâm sàng dựa trên các đặc điểm về xét nghiệm và nguyên nhân bao gồm:
Bệnh khớp huyết thanh dương tính
- Các bệnh mô liên kết: viêm đa khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, viêm da cơ…
- Các bệnh viêm mạch: viêm động mạch tế bào khổng lồ, viêm nút đa động mạch, bệnh u hạt Wegener, viêm mạch quá mẫn
Bệnh khớp huyết thanh âm tính: Viêm cột sống dính khớp, viêm khớp phản ứng, viêm khớp vảy nến, bệnh khớp viêm ruột (crohn…)
Bệnh khớp do tinh thể: gout (monosodium urate), giả gout (CPPD)…
Bệnh khớp nhiễm khuẩn
Thoái hóa
Bệnh thấp không ảnh hưởng khớp
Bạn đọc có thể tìm thấy nhiều phân loại khác phức tạp hơn tại các tài liệu bệnh khớp.


Phân loại bệnh khớp theo ICD-10
Bệnh khớp được phân loại trong ICD-10 theo nhóm M00-M99 – “Bệnh hệ cơ xương và mô liên kết”. Một số mã ICD-10 quan trọng bao gồm:
- M05-M14: Viêm khớp viêm
- M05: Viêm khớp dạng thấp
- M06: Viêm khớp dạng thấp không đặc hiệu
- M07: Viêm khớp vảy nến
- M08: Viêm khớp thiếu niên
- M15-M19: Thoái hóa khớp
- M15: Thoái hóa đa khớp
- M16: Thoái hóa khớp háng
- M17: Thoái hóa khớp gối
- M18: Thoái hóa khớp bàn tay
- M19: Thoái hóa khớp khác và không đặc hiệu
- M20-M25: Các rối loạn khác của khớp
- M20: Biến dạng ngón tay, ngón chân
- M21: Rối loạn mắc phải của xương và sụn
- M22: Bệnh lý xương bánh chè
- M23: Tổn thương nội khớp gối
- M30-M36: Bệnh mô liên kết hệ thống
- M32: Lupus ban đỏ hệ thống
- M33: Viêm da cơ, viêm bì cơ
- M34: Xơ cứng bì hệ thống
Các đặc điểm lâm sàng và hậu quả chung
Mặc dù các dạng bệnh khớp khác nhau có những đặc trưng riêng nhưng chúng vẫn có những triệu chứng chung. Mức độ biểu hiện của các triệu chứng này phụ thuộc vào loại bệnh, giai đoạn bệnh và vào mức độ tổn thương các khớp. Các triệu chứng này là:
Đau:
Đau là triệu chứng chính và thường là nguyên nhân gây giảm hoặc mất chức năng ở những người bị viêm khớp mãn. Đau có thể ở ngay trong khớp hay gần khớp, đôi khi lan rộng nên khó xác định được tại một khớp nào. Đau có thể khi nghỉ ngơi hoặc xuất hiện và tăng lên khi cử động.
Yếu và teo cơ:
Yếu và teo cơ là các biểu hiện thường gặp trong viêm khớp. Tình trạng này thường xảy ra do nguyên nhân “không dùng đến” (do đau, do bất động, do hoạt động co cơ bị ức chế vì đau hoặc do rối loại chức năng khớp).
Rối loạn chức năng khớp:
Là tình trạng hạn chế tầm hoạt động của khớp, cử động khớp khó khăn và/hoặc khớp không vững chắc. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn chức năng khớp: đau, tràn dịch khớp, co rút các mô mềm quanh khớp (bao khớp, dây chằng, gân), tiêu hủy sụn khớp dẫn đến ảnh hưởng khớp – xương, tổn thương các dây chằng nâng đỡ gây bán trật hay trật khớp (hay thấy ở các khớp ngón tay, khớp gối). Hậu quả cuối cùng của rối loạn chức năng khớp là biến dạng, cứng và trật khớp.

Giới hạn hoạt động và Hạn chế tham gia:
Người bị bệnh khớp thường khó thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, như mặc áo quần, đánh răng, rửa mặt, chuẩn bị thức ăn và ăn uống. Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ gặp khó khăn trong công việc, quan hệ xã hội, tình dục, tâm lý. Đánh giá đầy đủ tình trạng chức năng của người bệnh có vai trò quan trọng trong việc thiết lập một chương trình điều trị hữu hiệu.
Rất nhiều người bệnh bị tàn phế trầm trọng, mất hết khả năng lao động và tự chăm sóc, sống hoàn toàn dựa vào người khác. Hậu quả về kinh tế, xã hội do các bệnh khớp gây ra hàng năm rất lớn.
NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ VÀ MỤC ĐÍCH PHỤC HỒI CHỨC NĂNG BỆNH KHỚP
Các nguyên tắc điều trị bệnh khớp
Cho đến nay, tuy chưa có những biện pháp thật sự hiệu quả để chữa khỏi nhiều dạng bệnh khớp, nhưng với phương pháp chăm sóc và phục hồi hiện đại kết hợp với điều trị bằng thuốc, người ta đã có thể kiểm soát và hạn chế được phần nào những hậu quả tai hại của chứng bệnh này, giúp người bệnh sống thích ứng hơn, thoải mái hơn với bệnh và với thương tật của họ.
- Việc điều trị bệnh khớp dù là bất cứ dạng nào cũng nên được bắt đầu càng sớm càng tốt.
- Vì bệnh khớp không đồng nhất nên cần phải thiết lập một kế hoạch điều trị riêng từng người bệnh (cá nhân hóa) tùy theo dạng bệnh, biểu hiện lâm sàng, giai đoạn tiến triển, các yếu tố tiên lượng khác mà bệnh nhân có.
- Việc điều trị bệnh khớp cần phải toàn diện, bao gồm sự kết hợp giữa các phương tiện: giáo dục bệnh nhân, chăm sóc về tâm lý, điều trị bằng thuốc toàn thân và tại chỗ (y học hiện đại và y học cổ truyền), phục hồi chức năng, và phẫu thuật trong những trường hợp cần thiết. Vì vậy, nó được thực hiện bằng một nhóm (toán) điều trị kết hợp nhiều chuyên khoa có liên quan (nhóm đa chuyên ngành.
Mục đích của PHCN trong điều trị bệnh khớp:
- Về mặt cấu trúc và chức năng/khiếm khuyết:
- Giảm đau khớp, sưng nề.
- Duy trì và phục hồi tầm vận động các khớp.
- Bảo vệ các khớp khỏi bị tổn thương thêm hay biến dạng.
- Duy trì sức mạnh và sức bền các cơ quanh khớp.
- Cải thiện sức khỏe, sức bền (sự dẻo dai) và
- Về mặt hoạt động/tham gia:
- Duy trì và cải thiện chức năng hoạt động và tham gia của người bệnh, đảm bảo chất lượng cuộc sống
CÁC PHƯƠNG PHÁP PHỤC HỒI CHỨC NĂNG BỆNH KHỚP
Giữ tư thế tốt (đúng):
Giữ tư thế tốt rất quan trọng đối với mọi dạng bệnh khớp nhằm hạn chế co rút khớp và mô mềm, các lực xấu tác động làm tổn thương khớp.
- Khi nằm: Nên nằm giường cứng, nệm mỏng, gối thấp để giữ tư thế thẳng cổ, thẳng lưng. Không dùng gối chêm dưới hai gối để tránh biến dạng gấp và cứng khớp gối, khớp háng.
- Khi ngồi: Ngồi trên ghế cao vừa tầm, mặt ghế cứng có lưng tựa thẳng, 2 bàn chân đặt sát mặt nền, vai và hông tựa ra sau thành ghế, giữ đầu cổ và lưng thẳng. Tránh ngồi ghế thấp, ngồi xổm.
- Khi đứng, đi: Dáng đi nhẹ nhàng và để 2 tay đu đưa thoải mái bên thân mình. Giữ thân mình thẳng khi đi. Không đi với khớp háng và khớp gối gập.

Các phương pháp điều trị vật lý
Được sử dụng chủ yếu với mục đích làm giảm đau cấp hoặc mạn tính. Nhiều phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả, có thể sử dụng tại nhà đã trợ giúp bệnh nhân rất nhiều.
Xem thêm Thư mục Vật lý trị liệu
Lạnh trị liệu:
-Chườm đá hoặc xoa bóp bằng đá cục có thể giúp làm giảm những cơn đau cấp (trong 2-3 ngày đầu).
Nhiệt trị liệu:
Thường được sử dụng trong giai đoạn bán cấp và mãn tính, có tác dụng giảm đau, giãn cơ, giảm co cứng khớp. Một số phương pháp thường dùng như chườm nóng, đắp sáp, tắm nước nóng, dùng đèn hồng ngoại, laser nhiệt, sóng ngắn, siêu âm…
Điện trị liệu:
Có thể sử dụng các kỹ thuật điện phân (điện dẫn thuốc) hoặc điện kích thích để giảm đau cấp và mãn tính. Nhiều máy điện kích thích cá nhân trên thị trường giúp người bệnh có thể tự kiểm soát cơn đau của mình.
Thủy trị liệu:
- Thủy trị liệu qua các bồn nước nóng có thể cung cấp nhiệt nông đến nhiều khớp và có thể giúp làm giảm đau, giảm cứng khớp buổi sáng…
- Trị liệu spa, bao gồm tắm, ngâm nước suối khoáng, bùn nóng… có thể hỗ trợ triệu chứng cho nhiều loại bệnh khớp.
Tập luyện
Xem thêm: Đại cương vận động trị liệu
Mục đích của các bài tập:
- Duy trì và cải thiện tầm vận động của các khớp.
- Làm mạnh các cơ quanh khớp viêm giúp chúng nâng đỡ tốt hơn.
- Tăng cường sức chịu đựng của khớp và của cơ thể người bệnh.
- Cải thiện các hoạt động chức năng của người bệnh.
- Giảm mệt mỏi, nâng cao thể trạng, giảm cân, giúp người bệnh ngủ ngon hơn
Nguyên tắc thực hiện các bài tập:
- Các bài tập được sử dụng đúng với giai đoạn của bệnh.
- Tránh gây tổn hại thêm cho các khớp đã bị tổn thương.
Phương pháp tập:
- Để tránh giảm tầm vận động khớp và các biến dạng khớp, cứng khớp, người bệnh cần tập các động tác theo tầm vận động khớp hàng ngày, tốt nhất là tập chủ động, mỗi khớp ít nhất 5-10 lần, ngày 2 lần.
- Để duy trì và tăng cường cơ lực quanh khớp, giúp bảo vệ khớp và làm khớp mạnh hơn, cần tập các bài tập cơ lực, tốt nhất là tập gồng cơ tĩnh.
- Để tăng sức bền của hệ tim mạch và sức chịu đựng toàn thân, chống mệt mỏi, cần tập các bài tập ở các cơ lớn như tập đi bộ, bơi lội, đạp xe. Tránh các bài tập mạnh như chạy, nhảy…
- Tập dưới nước là một phương pháp tập rất tốt cho những bệnh nhân bệnh khớp, đặc biệt là người lớn tuổi.
- Trình tự tập luyện có thể được biểu diễn theo một hình bậc thang như sau:
Những hướng dẫn chung cho người bệnh khi tự tập luyện bao gồm:
- Các bài tập phải được chỉ định phù hợp với tính trạng bệnh, sau khi đã được thăm khám và lượng giá cẩn thận.
- Bài tập phải được hướng dẫn cụ thể và chính xác, tốt nhất bởi một chuyên gia có kinh nghiệm về tập luyện và có các tranh ảnh, video minh họa.
- Thực hiện các bài tập đều đặn như là một phần của công việc hàng ngày.
- Lựa chọn thời gian tập luyện thích hợp, không nên tập ngay sau khi ăn.
- Trang bị tập luyện phù hợp.
- Trước khi tập:
- Có thể dùng một số thuốc giảm đau theo đơn của bác sĩ điều trị hoặc dùng nhiệt (nước nóng, túi nóng, đèn hồng ngoại….) để làm tăng tính giãn của các mô mềm quanh khớp, tăng thư giãn và giảm đau.
- Khởi động nhẹ nhàng
- Trong khi tập:
- Thở đều, không được nín thở khi thực hiện các bài tập.
- Đối với những khớp bị đau hoặc bị yếu cần sự trợ giúp để thực hiện động tác tập: sự trợ giúp phải nhẹ nhàng, tránh dùng sức gượng ép, nhất là đối với người bệnh có tuổi hoặc những người bệnh đã nằm một thời gian quá lâu trên giường.
- Các bài tập phải được thực hiện nhẹ nhàng. Tập phải xen lẫn với nghỉ ngơi để tránh làm mệt người bệnh. Nên tập hai lần mỗi ngày. Mỗi lần 15-30 phút. Lúc đầu mỗi động tác được lặp đi lặp lại 2-3 lần, sau đó tăng dần tới 5-6 lần.
- Sau khi tập:
- Thư giãn, thở đều, có thể tắm nước nóng hoặc tắm hơi.
- Theo dõi cơn đau theo chỉ dẫn của người điều trị. Sau tập luyện, cơn đau sau tập không được kéo dài quá một giờ. Nếu đau kéo dài trên một giờ là đã tập quá mức.
- Cần thay đổi chương trình tập luyện khi thấy các triệu chứng của bệnh nặng thêm, và phải báo cáo cho bác sĩ điều trị biết để có hướng xử lý.




Bảo vệ khớp (Hoạt động trị liệu- Dụng cụ trợ giúp).
Bảo vệ khớp là hạn chế tối đa sự sang chấn lên các khớp bị tổn thương bằng cách thực hiện đúng các hoạt động và sử dụng các loại dụng cụ chỉnh hình, dụng cụ trợ giúp thích hợp.
Mục đích của bảo vệ khớp:
- Duy trì sự nguyên vẹn của khớp.
- Phòng ngừa và giảm đau, giảm viêm tại khớp.
- Duy trì chức năng vận động của khớp và cơ thể
Nguyên tắc bảo vệ khớp:
- Tránh các tư thế gây biến dạng khớp.
- Thực hiện các động tác đúng tư thế, đúng cách.
- Tránh các hoạt động gây tổn thương khớp do đè ép lên mặt khớp
- Tiết kiệm năng lượng tiêu hao khi thực hiện các hoạt động và nghỉ ngơi hợp lý.
- Sử dụng các loại dụng cụ chỉnh hình, dụng cụ trợ giúp thích hợp
- Giảm cân, giảm tải
Kỹ thuật:
- Hướng dẫn bệnh nhân các tư thế tốt (xem phần tư thế) và các động tác đúng cách. Tránh các tư thế gây biến dạng và tránh giữ một tư thế tĩnh quá lâu, thay đổi tư thế trong ngày mỗi 20-30 phút.
- Hướng dẫn động tác đúng (ví dụ khi nâng vật nặng, nên giữ lưng thẳng và sử dụng sức mạnh của chân). Nói cho bệnh nhân biết các hoạt động nào có thể gây đau và tổn thương khớp và hạn chế hoặc ngưng thực hiện các hoạt động đó (như nắm tay quá chặt, căng cổ tay về phía mu bàn tay, ngồi xổm…).
- Hướng dẫn người bệnh biết cách giữ cân bằng giữa hoạt động và nghỉ ngơi để tránh quá mệt mỏi hoặc đau khớp (nghỉ ngơi trước khi quá mệt). Sử dụng các cơ lớn và khớp khỏe để thực hiện hoạt động nếu được. Tăng cường nghỉ ngơi khi bệnh trở nặng (đợt cấp, hồi viêm).
- Tư vấn bệnh nhân chế độ ăn, vận động để giảm cân, giảm tải nếu có.
- Sử dụng dụng cụ trợ giúp, chỉnh hình hoặc cải tiến các dụng cụ sinh hoạt, làm việc sao cho phù hợp với vị trí tổn thương và tình trạng bệnh:
- Với hoạt động sinh hoạt hàng ngày như (ăn uống, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân như tắm rửa, cạo râu/ trang điểm, đại tiểu tiện)…
- Sắp xếp, lắp đặt, cải biến các đồ dùng thường ngày trong gia đình sao cho phù hợp với khả năng và mức độ khiếm khuyết của họ (bàn ghế, nhà vệ sinh, nhà bếp, thìa, cốc chén, dụng cụ trợ giúp đặc hiệu …).
- Sử dụng dụng cụ có tay cầm lớn …
- Có thể sử dụng các dụng cụ chỉnh hình (máng cổ tay, nẹp ngón tay) nếu cần thiết.
- Với hoạt động di chuyển/đi lại.
- Các loại dụng cụ chỉnh hình (máng cổ chân, nẹp khớp gối, giày chỉnh hình…) để bảo vệ khớp khi đi lại.
- Các loại dụng cụ trợ giúp di chuyển: gậy chống, nạng, khung đi để giảm bớt tải trọng lên khớp tổn thương khi đi, đứng.
- Giày dép bệnh nhân bị viêm khớp cổ chân, các khớp bàn, ngón chân cũng cần được quan tâm. Giày dép phải vừa chân, không bó ép các ngón chân. Đôi khi người bệnh cần miếng lót đặc biệt vào bên trong giày dép.
- Với hoạt động sinh hoạt hàng ngày như (ăn uống, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân như tắm rửa, cạo râu/ trang điểm, đại tiểu tiện)…


Xem thêm thư mục: Công nghệ trợ giúp
Bổ sung: Một số Can thiệp mới
Hiện nay, ngoài các phương pháp điều trị truyền thống như dùng thuốc, vật lý trị liệu và phẫu thuật, nhiều phương pháp điều trị tiên tiến đã được áp dụng để cải thiện triệu chứng và chức năng vận động cho bệnh nhân mắc bệnh khớp.
Liệu pháp sinh học (Biological Therapy)
Các thuốc sinh học, đặc biệt là các kháng thể đơn dòng (monoclonal antibodies), đã được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh khớp viêm, như:
- Kháng TNF-α (Infliximab, Etanercept, Adalimumab): Hiệu quả với viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp.
- Kháng IL-6 (Tocilizumab): Giảm viêm và đau trong viêm khớp dạng thấp.
- Ức chế tế bào B (Rituximab): Giảm hoạt động miễn dịch bất thường ở bệnh nhân viêm khớp.
Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP – Platelet-Rich Plasma)
PRP là phương pháp tiêm huyết tương có nồng độ tiểu cầu cao vào khớp bị tổn thương để kích thích tái tạo mô sụn và giảm viêm.
- Thường áp dụng trong thoái hóa khớp gối, tổn thương sụn khớp.
- Giảm đau hiệu quả, cải thiện vận động mà không cần phẫu thuật.
Liệu pháp tế bào gốc
- Tế bào gốc trung mô (MSC – Mesenchymal Stem Cells) có khả năng tái tạo sụn khớp, giúp điều trị thoái hóa khớp.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy MSC từ mô mỡ hoặc tủy xương có hiệu quả trong giảm đau và phục hồi mô sụn.
KẾT LUẬN
Phục hồi chức năng là một can thiệp y học không thể thiếu trong chăm sÓc bệnh nhân bệnh khớp. Đó là một quá trình lâu dài, liên tục và phải bắt đầu sớm song song với quá trình điều trị. Trong quá trình phục hồi không nên chỉ chú trọng tới các khớp bị tổn thương mà còn phải quan tâm đến chức năng toàn thể của người bệnh để có kế hoạch phục hồi một cách toàn diện.