Cập nhật lần cuối vào 10/04/2023
- Tên tiếng Anh: Plantar fasciitis
- Từ đồng nghĩa: Gai xương gót
- Mã ICD 10: M72.2
Mục lục
Đại cương
Viêm cân gan chân là một nguyên nhân gây đau bàn chân phổ biến ở cả người hoạt động và ít vận động.
Người ta ước tính rằng một triệu lượt bệnh nhân mỗi năm là do viêm cân gan chân. Trong số này, 62% đến khám bác sĩ chăm sóc ban đầu và 31% khám bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình.
Tuổi thường gặp tình trạng này là từ 40 đến 60 tuổi. Các yếu tố nguy cơ bao gồm béo phì, công việc liên quan cân nặng chịu lực, giảm gấp mu bàn chân và bàn chân bẹt. Tình trạng này cũng thường gặp ở các vận động viên chạy và vận động viên nhảy. Cân gan chân (plantar fascia) gồm dải cân ở lòng bàn chân đi từ mấu trong của xương gót ra trước bám vào các gân gấp ngón chân, dày ở giữa và yếu hơn ở bên ngoài và bên trong. Nó có vai trò bảo vệ mặt lòng bàn chân, nâng đỡ cung gan chân theo chiều dọc, và giúp giảm sốc khi đi lại.
Về mặt mô học, viêm cân gan chân có sự thoái hóa dạng nhầy và hoại tử collagen tương tự như bệnh lý gân cơ. Vì lý do này, một số tác giả thích sử dụng từ bệnh lý cân gan chân (plantar fasciopathy) hơn.
Bệnh nhân viêm cân gan chân thường khai khởi phát đau từ từ ở gót chân phía trong lòng bàn chân, tăng về sáng (lúc đặt chân xuống đất). Ban đầu họ nhận thấy giảm đau khi hoạt động và khi bệnh tiến triển đau có tăng với các hoạt động chịu trọng lượng kéo dài.
Thăm khám lâm sàng gồm quan sát loại bàn chân (ví dụ, bàn chân bẹt), sờ, tầm vận động (ROM), và khám thần kinh mạch máu. Bệnh nhân thường có cảm giác đau khi sờ tại củ trong của xương gót và có thể dọc theo mặt trong của cân gan chân. Đau thường gia tăng với duỗi các ngón chân hoặc khi bệnh nhân gấp lòng bàn chân chủ động khi đứng.
Chụp X quang hiếm khi ảnh hưởng đến chẩn đoán nhưng nên thực hiện ở những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị bảo tồn ban đầu. Gai xương gót xảy ra trong 15% đối tượng không có triệu chứng và 65% đối tượng có triệu chứng, và liên quan lâm sàng của chúng vẫn còn tranh luận. Siêu âm cân gan chân phát hiện một vùng dày lên, giảm âm. Chụp cộng hưởng từ không cần thiết, trừ lúc cần loại trừ các nguyên nhân đau gót chân khác nếu bệnh sử, khám lâm sàng không điển hình, cũng như loại trừ rách cân gan chân.
Chương trình phục hồi
Tiến triển viêm cân gan chân thường khả quan, khoảng 80% bệnh nhân thuyên giảm triệu chứng trong vòng 12 tháng. Điều trị ban đầu bao gồm chườm lạnh, kháng viêm không steroid và thay đổi hoạt động. Sau đây trình bày các phương pháp điều trị vật lý- phục hồi chức năng
1. Vật lý trị liệu
Các phương thức điều trị vật lý truyền thống như siêu âm, laser, và kích thích điện đã được nghiên cứu. Các nghiên cứu nhỏ cho thấy laser và siêu âm không tốt hơn nhóm chứng ở các bệnh nhân viêm cân gan chân. Điện phân với dexamethasone 4% được chứng tỏ cải thiện triệu chứng vào tuần thứ 2, nhưng không khác biệt so với nhóm chứng ở tuần thứ 4. Vì thế, biện pháp này có thể có ích với những vận động viên cần nhanh chóng trở lại hoạt động. Lạnh trị liệu, như chườm túi đá, ngâm nước lạnh, xoa bóp lạnh vẫn là một chọn để điều trị triệu chứng dù ít có nghiên cứu đánh giá hiệu quả của chúng trong điều trị viêm cân gan chân.
Một phương thức ít phổ biến, sóng kích sốc ngoài cơ thể (ECSW) đã được đề xuất nhằm ức chế thụ thể đau và kích thích chữa lành mô mềm, tuy nhiên nhiều nghiên cứu chưa thấy sự khác biệt giảm đau rõ của ECSW so với nhóm chứng.
2. Vận động trị liệu
Kéo dãn là một phần rất quan trọng trong PHCN viêm cân gan chân. Khi so sánh với nhóm chứng, bệnh nhân viêm cân gan chân có tầm vận động cổ chân bị hạn chế đáng kể. Nghiên cứu trên tử thi chứng tỏ rằng kéo dãn tối đa đạt được bằng cách kết hợp gập mu cổ chân và khớp bàn đốt (MTP). Các nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên đã khẳng định hiệu quả của kéo dãn so với các phương pháp điều trị khác. Kéo dãn nên được thực hiện trong tư thế ngồi với chân đau bắt chéo qua chân kia. Một tay nắm các ngón chân và kéo gập mu trong khi tay kia sờ cân gan chân để xác định sự kéo căng, hoặc cũng có thể tăng mức kéo căng bằng kéo ngược ở gót chân (hình vẽ). Người bệnh cần giữ kéo căng 10 giây, lặp lại 10 lần, và thực hiện bài tập này ba lần mỗi ngày.
Các bài tập phổ biến khác bao gồm tự xoa bóp với một quả bóng tennis (Hình) và kéo dãn gân gót với bức tường hoặc cầu thang.
Hình: kéo dãn gân gót với bậc thang và bức tường
Các bài tập cũng nên bao gồm các bài tập mạnh cơ, đặc biệt là các cơ nội tại bàn chân. Người bệnh đứng trên một tấm khăn, dùng các cơ mặt lòng bàn chân kéo tấm khăn gần nhau mà không gập ngón chân quá nhiều (Hình).
3. Các kỹ thuật chuyên biệt
- Dụng cụ chỉnh hình bàn chân thường được sử dụng để điều trị viêm cân gan chân. Chúng có thể nâng đỡ hoặc nâng cao cung gan chân và đệm gót chân. Các dụng cụ chỉnh hình sản xuất sẵn cũng hiệu quả như các miếng đệm sản xuất cá nhân trong điều trị triệu chứng viêm cân gan chân.
- Nẹp bàn chân ban đêm có thể sử dụng với mục đích làm giảm gập lòng bàn chân thụ động trong lúc ngủ và để phòng ngừa rút ngắn mạc gan chân và gân Achilles.
- Băng dán kiểu Low-Dye là một lựa chọn để điều trị viêm cân gan chân và giúp giảm đau nhanh hơn. Băng dán được cho là tạo một lực xoay ngửa giúp giảm sấp khớp dưới sên trong khi đi.
- Châm cứu là một một điều trị hỗ trợ khác thỉnh thoảng được sử dụng cho viêm cân gan chân. Bệnh nhân hiếm khi cần phải phẫu thuật.
Điều trị viêm cân gan chân thường đòi hỏi một thời gian khá dài, có khi đến 8-12 tuần. Do đó cần động viên bệnh nhân kiên trì tập luyện các bài tập kéo dãn và làm mạnh cơ bên cạnh thay đổi hoạt động, mang giày dép phù hợp và chỉnh sửa những bất thường sinh cơ học hoặc cấu trúc ở chân.