Cập nhật lần cuối vào 06/06/2023
Yêu là tìm chính hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của kẻ khác.
– Leibnitz
Tỉnh yêu luôn luôn là đề tài của biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, triết gia, và ngay cả những nhà tâm lý. Mặc dù tình yêu vẫn luôn là một điều bí ẩn, nhưng ít ra thì chúng ta đã hiểu được một phần nào loại tình cảm hấp dẫn này.
Các nhà tâm lý đều đồng ý là tình yêu đôi lứa không đơn giản chỉ là ưa thích với cường độ cao. Tình yêu khác về lượng lẫn chất so với sự lôi cuốn hấp dẫn đơn thuần. Hơn nữa, không phải tình yêu nào cũng giống nhau, và ít nhất ta có thể phân biệt hai loại tình yêu cơ bản: tình yêu lãng mạn và tình yêu bầu bạn.
Tình yêu lãng mạn (romantic love), còn được gọi là tình yêu say đắm (passionate love), xảy ra khi ta bị một người nào đó cuốn hút mãnh liệt. Trong khi yêu say đắm, người đang yêu cảm thấy cơ thể cực kỳ hưng phấn, trong lòng nảy sinh sự thích thú và quan tâm đến các nhu cầu của người kia. Ngược lại, tình yêu bầu bạn (companionate love) là một mối thiện cảm, lòng yêu thương nồng thắm với những người mà cuộc sống của ta có những ràng buộc sâu sắc. Mặc dù tình yêu lãng mạn đôi khi có thể chuyển thành tình yêu bầu bạn (như trong những mối quan hệ tương đối lâu dài), hai loại tình yêu này có nhiều điểm hoàn toàn khác nhau.
Mục lục
TÌNH YÊU SAY ĐẮM
Không thể có tình yêu vĩnh cửu mà chỉ có những giây phút vĩnh cửu của tình yêu.
Các nhà thơ thường ví tình yêu như một loại rượu đặc biệt và men tình có thể làm mọi người say mê ngây ngất. Trên thực tế, xã hội cũng đưa ra một hình ảnh khá rõ về tình yêu lãng mạn. Chúng ta thường quan niệm rằng nếu chúng ta thực sự đang yêu, chỉ cần nhìn thấy bóng dáng người đó thì tim ta sẽ đập dồn dập, lòng ta mong muốn mãnh liệt đến với người đó, và cho dù có bị người đó đối xử phũ phàng như thế nào đi nữa, ta vẫn sẵn sàng tha thứ và vẫn tiếp tục theo đuổi tình yêu của mình.
Ít ra thì trong những giai đoạn đầu của cuộc tình lãng mạn thì điều này cũng không mấy sai lệch. Những người đang yêu không chỉ biểu lộ sự đam mê mãnh liệt với người tình trong tâm trí mà còn cả hành động bên ngoài.
Tình yêu say mê thường khởi đầu đột ngột, nhanh chóng (tình yêu như trái phá”) khi so sánh với sự ưa thích nói chung. Đôi khi sự hưng phấn và quan tâm vào người kia quá mạnh làm họ không còn chú ý gì đến thế giới xung quanh nữa. Proust có câu: “Ta không yêu ai nữa khi ta yêu”.
Nhiều người vẫn tiếp tục theo đuổi tình yêu đơn phương của mình, dù rằng với những người quanh, điều này thật khó chấp nhận. Chẳng hạn những người đang yêu bị người kia ruồng bỏ hay làm tổn thương nặng nề nhưng thay vì chia tay lại càng yêu nhiều hơn. Một số người có lẽ cảm nhận sự từ chối hay làm tổn thương đó lại là dấu hiệu của tình yêu. Một số người khác không mong muốn một tình yêu quá dễ dàng, cho rằng càng khó chinh phục người mình yêu bao nhiêu thì tình yêu đó càng xứng đáng bấy nhiêu.
Điều khá thường thấy là đôi khi sự can thiệp, cấm đoán của cha mẹ vào chuyện tình cảm của con cái có thể lại làm gia tăng ước muốn và hành động vì tình yêu. Một điển hình đã đưa vào văn học là chuyện tình giữa Romeo và Juliet trong vở kịch nổi tiếng của Shakespeare.
TÌNH YÊU BẦU BẠN
Yêu không phải là nhìn nhau đắm đuối mà cùng nhìn về một hướng.
Antoine de Saint-Exupéry
Đa số chúng không luôn luôn giữ được sự hưng phấn cao độ của tình yêu say đắm. Tình yêu của chúng ta thường ít say đắm và biến động hơn – loại tình yêu được gọi là tình yêu bầu bạn.
Không như sự ưa thích đơn thuần, trong tình yêu bầu bạn, người ta thường tự bộc lộ nhiều hơn, và đem lại cho người mình yêu những hỗ trợ nâng đỡ về vật chất và tình thần tình cảm nhiều hơn. Người ta cũng bày tỏ sự yêu thương của mình bằng lời nói, bằng việc làm thường xuyên hơn. Họ cảm thấy hạnh phúc hơn khi có mặt người yêu và vui lòng chịu đựng các đặc tính khó chịu của người mình yêu hơn so với những người mà họ không yêu.
Tuy nhiên, điểm khác biệt quan trọng nhất giữa tình yêu say đắm và tình yêu bầu bạn là trong tình yêu bầu bạn, những người đang yêu nhìn rõ ràng hợp lý hơn về người mình yêu và về mối quan hệ của họ. Không còn cảm nhận phi thực tế về người kia, mà thay vào đó họ nhận thức rõ hơn về những ưu và nhược điểm của người mình yêu. Hiểu và chấp nhận cái tốt lẫn cái xấu của người tình đánh dấu bước trưởng thành của một tình yêu bầu bạn.
ĐA DẠNG TÌNH YÊU
Nhiều người không đồng ý rằng tình yêu chỉ có hai loại kể trên, mà cho rằng tình yêu thật đa dạng phong phú, thật “muôn hình vạn trạng”.
Nhà tâm lý học Robert Sternberg phân biệt 8 loại tình yêu khác nhau trong Thuyết Tam giác Tình yêu của mình (Sternberg, 1987).
Theo ông, tình yêu được tạo thành bởi ba thành phần chính: sự thân mật, niềm say mê, và yếu tố quyết định/ràng buộc.
Thân mật bao gồm những cảm giác gần gũi, gắn bó. Say mê được tạo bởi những xung động thúc dục liên quan đến tình dục, sự gần gũi về thể xác và tính lãng mạn. Thành phần quyết định/ràng buộc gồm quyết định rằng bạn yêu người đó và có một sự ràng buộc để duy trì tình yêu đó.
Khi xem xét các thành phần nói trên trong một cuộc tình, ta có thể phân ra tám loại tình yêu như sau:
- Loại đầu tiên, không có thành phần nào xuất hiện, thật ra không phải là tình yêu. Đây là những quan hệ với những người mà ta gặp gỡ bình thường trong cuộc sống.
- Tình yêu loại hai là tình bạn, chỉ gồm tình thân mật.
- Loại tình yêu thứ ba gọi là tình si mê, chỉ bao gồm sự say mê mà thôi (“tình yêu búp bê”). Đây có thể là tình yêu “ngay từ phút ban đầu” (coup de foudre).
- Tình yêu loại bốn, tình trống không, thiếu hẳn tình cảm thân mật lẫn lòng say mê. Chẳng hạn như các quan hệ đã kéo dài nhiều năm và đã trở nên nguội lạnh,chai sạn, hai người không còn ham muốn say đắm nhau nữa (tình nhạt phai).
- Tình yêu lãng mạn phức tạp hơn, bao gồm sự thân mật lẫn lòng say mê. Những người yêu lãng mạn hấp dẫn nhau cả về tình cảm lẫn thể xác, dù thiếu thành phần quyết định/ràng buộc.
- Tình yêu bầu bạn, theo Sternberg, là kết quả của tình thân mật và yếu tố quyết định /ràng buộc. Trên một phương diện nào đó, đây là loại tình bạn lâu dài, ràng buộc lẫn nhau theo kiểu như thường được thấy trong hôn nhân, khi mà sự hấp dẫn về thể xác không còn nữa.
- Loại tình yêu thứ bảy là tình không mục đích, kết hợp thành phần say mê và quyết định/ràng buộc nhưng thiếu một tinh thân mật. Loại tình yêu này thường không được lâu bền,vì thiếu hẳn cầu nối cảm xúc giữa hai người.
- Loại tình yêu cuối cùng là tình yêu hoàn thiện, có mặt đầy đủ cả ba thành phần, Dù thật khó mà đạt được loại tình yêu này vẫn có nhiều cuộc tình tốt đẹp cho dù một hoặc hai thành phần kia chỉ xuất hiện ít ỏi .
Thân mật | Say mê | Ràng buộc | |
Không phải tình yêu | |||
Tình bạn/ưa thích | + | ||
Tình say mê | + | ||
Tình trống không | + | ||
Tình yêu lãng mạn | + | + | |
Tình yêu bầu bạn | + | + | |
Tình không mục đích | + | + | |
Tình yêu hoàn thiện | + | + | + |
Lý thuyết tam giác về tình yêu của Sternberg cung cấp nền tảng vững chắc cho lý thuyết về tình yêu sau này của ông, mang tên Tình yêu như một Câu chuyện (Love as a Story). Về lý thuyết này, ông giải thích rằng một số lượng lớn các câu chuyện tình yêu độc đáo và khác nhau truyền tải những cách hiểu khác nhau về tình yêu. Ông tin rằng, theo thời gian, sự tiếp xúc với các câu chuyện tình này sẽ giúp một cá nhân xác định tình yêu là gì hoặc nó nên là gì đối với họ.
Trên thực tế, ảnh hưởng của mỗi thành phần lên mối quan hệ yêu đương thay đổi theo thời gian và có những hướng đi khác nhau. Trong những cuộc tình bền vững, người ta thấy sự ràng buộc đạt đến đỉnh cao và sau đó vẫn ổn định, trong khi sự thân mật tiếp tục tăng dần. Ngược lại, lòng say mê giảm đi rõ rệt theo thời gian và đạt một đoạn bằng khá sớm trong mối quan hệ.
LỜI KHUYÊN TÂM LÝ: ĐỂ GIỮ VỮNG TÌNH YÊU
Mặc dù không có những quy tắc chắc chắn nào để giúp kéo dài một quan hệ yêu đương, bạn có thể tham khảo những lời khuyên sau để giữ vững mối tình của mình (Middlebrook, 1974).
Hãy phân biệt giữa hấp dẫn về thể xác với tình yêu.
Mặc dù rõ ràng là sự say mê phần nào dựa vào sự thích thú về tình dục, điều này không đủ để duy trì một quan hệ lâu dài.
Hãy khảo sát mối quan hệ.
Dù không cần thiết phải phân tích lặp đi lặp lại mọi mặt của mối quan hệ, bạn cũng cần phải suy nghĩ về điều gì là quan trọng hay không quan trọng với bạn. Đừng ràng buộc mình vào một mối quan hệ mới chỉ để thay thế một quan hệ cũ vừa chấm dứt, hoặc để trốn thoát một mặt không mong muốn nào đó của cuộc sống, và đừng để sự say đắm làm sai lệch các đánh giá về những mặt tốt xấu của mối quan hệ.
Hãy sẵn lòng trao đổi thông tin.
Trong một cuộc tình chân thật, người tình có thể trao đổi với nhau những điều họ đang cảm thấy. Đừng nghĩ rằng người bạn tỉnh có thể hiểu mọi ý nghĩ trong đầu bạn, bạn phải bộc lộ rõ ràng những điều bạn đang nghĩ và cảm thấy.
Đừng bao giờ tin rằng bạn có thể thay đổi, sửa chữa các điểm xấu của người bạn tình.
Nếu bạn không thích những đặc điểm quan trọng trong tính cách hiện tại của người mình yêu, thì thời gian khó có thể làm bạn thay đổi các đánh giá của mình. Tất nhiên, hành vi của con người có thể thay đổi theo thời gian, nhưng điều này cũng khó xảy ra, và bạn đừng nên ràng buộc mình trong một quan hệ với hy vọng rằng bạn có thể thay sâu sắc các tính cách của người mình yêu.