DỤNG CỤ TRỢ GIÚP DI CHUYỂN: XE LĂN

Cập nhật lần cuối vào 01/07/2022

Xe lăn là một dụng cụ trợ giúp di chuyển được sử dụng phổ biến cho người bệnh và người khuyết tật thần kinh- vận động khi người bệnh không thể sử dụng chân để đi lại một cách hiệu quả.

Hiểu được cấu tạo và sử dụng xe lăn; chỉ định được loại xe lăn phù hợp với kích thước bệnh nhân, tình trạng khuyết tật, nhu cầu và địa điểm sử dụng; cũng như những lưu ý hướng dẫn để sử dụng xe lăn đúng cách là một yêu cầu thực tế với những cán bộ y tế chuyên ngành PHCN, từ bác sĩ cho đến kỹ thuật viên, điều dưỡng…

Trước nhu cầu này, Tổ chức y tế thế giới đã đưa ra các gói dịch vụ đào tạo và hướng dẫn sử dụng xe lăn ở mức độ cơ bản và trung cấp, được phép truy cập và tải về tham khảo sử dụng cho mọi người quan tâm. Tổ chức Y tế thế giới cũng tổ chức những khoá đào tạo cho nhân viên y tế theo dàn ý của các gói dịch vụ này.

Bài viết sau không nhằm lập lại các kiến thức ở các gói trên mà đưa ra một cái nhìn tổng quan hơn với xe lăn (và một phần phản ánh cách nhìn của người viết)

Xe lăn có thể được xem là một dụng cụ di chuyển (mobility) ở tư thế ngồi (seating position). Như vậy, có thể chia xe lăn thành hai bộ phận chính:

  • Bộ phận ngồi/Hệ thống ngồi: thường có dạng ghế vuông góc với các nâng đỡ tư thế cần thiết tuỳ theo nhu cầu
  • Bộ phận di chuyển/Hệ thống di chuyển: thường dưới dạng 3-4 bánh xe (trước và sau) và các thành phần bổ sung tuỳ theo cách di chuyển, và một hệ thống an toàn
  • Các bộ phận nhằm đáp ứng nhu cầu khác: xe lăn đa năng
Các thành phần của xe lăn

Chọn lựa và sử dụng xe lăn không phù hợp có thể dẫn đến một số biến chứng, bất thường tư thế, do đó cần nắm vững các đặc điểm của xe lăn và lượng giá nhu cầu, khả năng của NKT một cách đầy đủ.

Một số sai lệch tư thế do ngồi không đúng cách

Mục lục

Bộ phận ngồi (seating system)/hệ thống ngồi

Xe lăn tiêu chuẩn của hãng Kiến Tường, Việt Nam

Các thành phần cơ bản của hệ thống ngồi là:

Chỗ ngồi/Mặt ghế:

  • Mặt ghế có thể là loại treo bạt (gấp xe không cần phải tháo) hoặc mặt ghế cố định (vững, cần tháo rời để gấp xe)
  • Độ rộng: Đo kích thước xe lăn phù hợp quan trọng đầu tiên là độ rộng chỗ ngồi (đo khoảng cách A).
    • Chật quá (hẹp) sẽ làm người bệnh không ngồi được, hoặc nghiêng khung chậu, xoay khung chậu, nguy cơ tỳ đè khung chậu, vẹo cột sống, khép háng.
    • Rộng quá sẽ làm tư thế ngồi không vững, nghiêng khung chậu, xoay khung chậu, gập thân mình, vẹo cột sống và hay tay muốn đẩy xe phải dang rộng ra, đẩy xe mau mỏi và không hiệu quả.
    • Tốt nhất là vừa sát (đưa lọt hai bàn tay vào hai bên). Vì khó có thể điều chỉnh được độ rộng xe lăn nên đây là số đo quan trọng nhất khi chỉ định hoặc mua xe lăn.
  • Độ sâu chỗ ngồi (đo khoảng cách B).
    • Sâu quá sẽ gây chèn ép khoeo chân, khung chậu nghiêng sau, không đủ tựa lưng, nguy cơ tỳ đè lên xương cụt.
    • Ngắn quá (không đủ sâu) sẽ làm ngồi không vững, khung chậu nghiêng trước.
    • Độ sâu chỗ ngồi xe lăn nên = B-3 cm.
Chỗ ngồi treo bạt/simili và chỗ ngồi cố định

Các chỗ tựa để ngồi đúng và ngồi vững:

  • Chỗ tựa lưng:
    • Tựa lưng thấp nhằm dễ dàng cho sử dụng vai tay (dành cho người có thân mình vững và tự đẩy xe lăn),
    • Tựa lưng cao nhằm tăng cường giữ vững tư thế, trong một số trường hợp giữ đầu cổ kém có thể cao hơn để nâng giữ đầu cổ (như bại não).
    • Một số loại tựa lưng có thể điều chỉnh được độ cao.
    • Một số trường hợp ngồi không vững có thể hỗ trợ thêm với các loại đai giữ ngực hoặc đệm nâng đỡ một bên/hai bên ngực.
    • Đo khoảng cách D và E cho người tựa lưng thấp và cao
  • Chỗ tựa tay:
    • Có thể có hai thanh tựa tay hai bên (có thể tháo lắp được hoặc cố định).
    • Tựa tay cố định có thể cản trở tư thế và dịch chuyển (nên sử dụng tựa tay có thể tháo lắp được cho bệnh nhân dịch chuyển ngang như tổn thương tuỷ sống)
    • Một số loại xe lăn tựa tay có thể điều chỉnh được độ cao
    • Một số xe lăn còn cung cấp mặt bàn để tựa tay cho các hoạt động của chi trên (như ăn, viết), nhất là xe lăn dành cho trẻ em, người cao tuổi.
  • Chỗ tựa chân:
    • Kê/gác bàn chân (có thể xoay mở hoặc cố định) nhằm giữ tư thế gối và bàn chân vuông góc.
    • Có thể có chỗ tựa cẳng chân trong trường hợp giữ chân không vững (miếng chêm, băng vải).
    • Một số trường hợp để phòng biến dạng có thể cung cấp thêm miếng chêm giữa hai đùi phòng ngừa khép háng (như xe lăn cho trẻ bại não).
    • Trong đo bệnh nhân để xác định khoảng cách gác chân phù hợp, cần đo chiều dài cẳng bàn chân: C.
Các số đo cơ bản để xác định một xe lăn phù hợp về kích thước

Bộ phận di chuyển/Hệ thống di chuyển của xe lăn.

  • Bánh trước/bánh dẫn (castor):
    • Kể cả trục cổ, phô tăng, trục bánh xe, bánh xe.
    • Thường nhỏ, có thể một hoặc hai bánh, có khả năng xoay quanh trục cổ để điều hướng di chuyển. Bánh nhỏ thường dễ dàng di chuyển ở mặt bằng, nhưng có thể bị kẹt lại ở các “ổ gà”, khe hở.
    • Bánh to: phù hợp với di chuyển cộng đồng (bề mặt không bằng phẳng), tuy nhiên có thể vướng vào gác chân.
Bánh dẫn lớn và bánh dẫn nhỏ

  • Bánh sau:
    • Thường lớn hơn, quay quanh trục, tạo vận động di chuyển tới/lui.
    • Lốp có thể là lốp đặc hoặc lốp hơi.
  • Thành phần tạo di chuyển:
    • Vành đẩy: cạnh ngoài bánh xe sau để người bệnh tự di chuyển bằng cách đẩy hai bàn tay (hoặc một tay và một chân, ít hiệu quả hơn) (độc lập). Một số xe lăn có vành đẩy dễ bám hoặc có ụ nổi để dễ đẩy hơn (hoặc bệnh nhân đeo bao tay tăng ma sát và giảm tổn thương). Thường có hai vành đẩy hai bên, trường hợp đặc biệt có loại vành đẩy một bên, di chuyển hai bánh sau dành cho bệnh nhân liệt nửa người.
    • Tay đẩy: Sau chỗ tựa lưng để người khác đẩy cho người bệnh (Phụ thuộc) (kèm theo còn có chỗ đạp chân để nâng hở bánh trước khi đi lên xuống bậc thềm, vật cản).
    • Trường hợp cơ chế di chuyển không dùng vành đẩy hai bên mà sử dụng hoạt động của tay kéo/đẩy tròn ở trước mặt, được gọi là xe lắc (mặc dù thực tế không phải là động tác lắc!).
    • Một số trường hợp sử dụng di chuyển bằng tay quay tròn (tương tự xe đạp chân nhưng quay tay, thường thấy ở trẻ em).
    • Di chuyển bằng động cơ (Độc lập với động cơ): Có thể chạy ở bánh trước, hoặc bánh sau. Động cơ thường chạy điện (pin, ắc quy) hoặc nhiên liệu lỏng, điều hướng và tăng tốc với tay điều khiển bằng chi trên hoặc cằm, hoặc dạng công tắc bật ở đầu hoặc chi. Hướng phát triển tương lai là điều khiển bằng giọng nói.
Vành đẩy thông thường và vành đẩy với ụ nổi
Xe lăn tiêu chuẩn
Xe ba bánh động cơ
Điều khiển động cơ bằng tựa cằm
Xe lắc Kiến Tường
Xe lăn khung cứng, tựa lưng thấp, dành cho người thân vững, hoạt động
  • Hệ thống an toàn khi đứng yên và di chuyển:
    • Khoá (phanh) bánh xe sau: có thể ở dạng bấm, kéo, bóp …, nhằm cố định xe lăn.
    • Phanh của người hỗ trợ (ở tay đẩy): đảm bảo an toàn
    • Thanh chống ngã (sau, trước …).
    • Độ rộng và độ dài của khung xe cũng ảnh hưởng đến an toàn di chuyển. Xe lăn dài hơn thì vững hơn, sử dụng ở cộng đồng, trong khi xe lăn ngắn hơn thì dễ đổ ngã ở đường dốc nhưng dễ di chuyển trong nhà hơn.
Hình: Các dạng phanh/khoá bánh xe lăn

Các bộ phận và thay đổi nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau

Loại khung:

  • Để dễ dàng mang theo (khi đi tàu, máy bay…) xe lăn thường có thể gấp được (foldable)
  • Một số loại xe lăn không gấp được (khung cứng), có một thanh hàn nối hai bên khung xe.

  • Xe lăn thể thao là xe lăn khung cứng nhưng nhẹ hơn để dễ đạt tốc độ cao.

Vật liệu:

Ghế làm từ các vật liệu khác nhau:

  • Khung thép – bị gỉ và nặng nhưng bền
  • Inox
  • Nhôm – nhẹ hơn thép, vật liệu phổ biến
  • Titanium – nhẹ
  • Sợi carbon – siêu nhẹ

Nệm/đệm ngồi

  • Nệm thông thường, nệm chống loét

Nâng đỡ, cố định

  • Đai giữ thân mình, khung chậu
  • Những bệnh nhân có nhu cầu nâng đỡ nâng cao: thân mình, đầu cổ ..
  • Các thanh chặn hai bên thân mình
Đai cố định khung chậu, thân mình
Nâng đỡ thân mình
Tựa đầu
Cố định ở trẻ em

Thay đổi tư thế ngồi/nằm

  • Những bệnh nhân có nhu cầu ngửa người: xe lăn có khung nghiêng (tilt in space) (vẫn giữ góc ngồi vuông góc) hoặc khung ngửa (recline) (chuyển từ ngồi sang nằm ngửa, không thay đổi vị trí chỗ ngồi) và có thể nâng thẳng gác chân.
  • Thường dùng ở những người ngồi lâu cần chuyển sang tư thế nằm để phòng loét….
  • Xe lăn điện cũng có thể có hệ thống ngã lưng và nâng chân bằng động cơ.
Khung ngửa
Khung nghiêng sau

Nhu cầu phối hợp

  • Những bệnh nhân có nhu cầu vệ sinh tại chỗ: bô vệ sinh dưới chỗ ngồi.
  • Mặt bàn để học tập, sinh hoạt hàng ngày.
Hình: Xe lăn đa năng Phana
Một số mẫu Xe lăn thể thao

Ghi chú:

Việt Nam có hai hãng sản xuất xe lăn có tiếng là Kiến Tường và Phana.

Tài liệu xe lăn cơ bản của tổ chức y tế thế giới có thể tải về tại đây: xe lăn

Xem thêm bài viết: Thay đổi môi trường đề nghị cho người sử dụng xe lăn

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này