Cập nhật lần cuối vào 07/12/2021
Mục lục
SỰ PHÁT TRIỂN VỀ THỂ CHẤT
Tuổi thiếu nhi (6-12 tuổi) được gọi là là “thời kỳ vàng” của trẻ em. Nói chung, trẻ tương đối khoẻ mạnh trong giai đoạn này. Trẻ tăng trưởng đều đặn và các kỹ năng vận động tiếp tục phát triển. Một trẻ ở lứa tuổi này có cơ lực tương đối mạnh và gia tăng dung tích phổi để có thể tham gia vào các trò chơi, hoạt động thể thao có thời gian dài.
Sự tăng trưởng (Growth)
Tăng trưởng thể chất trong những năm tiểu học tiếp tục với tốc độ ổn định như ở trong những năm mầm non. Nhiều bậc phụ huynh nhận thấy rằng trẻ ở độ tuổi tiểu học của họ nhanh chật giày dép và quần dài hơn là áo sơ mi hoặc áo len; điều này là do phần lớn sự gia tăng chiều cao đến từ chân chứ không phải thân mình.
Trẻ em trai và trẻ em gái có kích thước tương đương nhau trong hầu hết những năm này, nhưng trẻ em gái thường bước vào tuổi dậy thì vào cuối những năm cấp 1, đầu những năm cấp 2 (sớm hơn nam). Khi đó, các bé gái sẽ phát triển nhanh và trở nên to cao hơn nhiều so với các bé trai cùng tuổi. Như vậy, ở độ tuổi 11 và 12, trung bình một bé gái cao hơn bé trai bình thường khoảng nửa inch.
Để hỗ trợ sự phát triển này và cung cấp năng lượng cho hoạt động học tập vui chơi, trẻ em ở độ tuổi đi học cần ăn nhiều hơn. Mặc dù trẻ em mẫu giáo chỉ cần tiêu thụ khoảng 1.500 đến 1.700 calo mỗi ngày, nhưng trung bình trẻ từ 7 đến 10 tuổi cần khoảng 2.400 calo mỗi ngày. Lưu ý buổi ăn sáng (ảnh hưởng chú ý học tập).
Sự phát triển các Kỹ năng Vận động
Các yêu cầu về kỹ năng ở trường học
Trẻ cần phát triển kiểm soát vận động đủ để:
- Đứng thành hàng
- Đi trong lớp
- Di chuyển qua bàn, ghế, cầu thang
- Sử dụng bút chì, kéo
Trẻ cần mức đầy đủ về:
- Kiểm soát tư thế để ngồi trên ghế trong khi quay đầu hoặc cúi xuống nền
- Cơ lực và sức bền để ngồi trong lớp mà không mỏi mệt
Các hoạt động thể lực ở trường học:
Trẻ bắt đầu tham gia vào các trò chơi nhóm, do đó cần phải tuân theo luật và chơi theo lượt.
Các trò chơi bao gồm các kỹ năng như:
- Chạy
- Thăng bằng
- Nhảy xen kẽ chân
- Kiểm soát đồ vật (như bóng, gậy)
Năng lực có thể ảnh hưởng đến sự phát triển lòng tự trọng.
Sự phát triển kỹ năng vận động
Kích thước và sức mạnh lớn hơn của trẻ ở độ tuổi tiểu học góp phần cải thiện các kỹ năng vận động. Trong những năm này, trẻ em đều đặn chạy nhanh hơn và nhảy xa hơn. Khi trẻ 11 tuổi, hầu hết có thể ném bóng xa hơn ít nhất ba lần so với lúc 6 tuổi và có thể nhảy xa gần gấp đôi.
Các kỹ năng vận động tinh cũng được cải thiện khi trẻ bước qua những năm tiểu học. Sự khéo léo hơn của trẻ thể hiện rõ qua một loạt các hoạt động, từ gõ chữ, viết và vẽ, chơi đàn và chế tạo ô tô mô hình. Trẻ em kiểm soát tốt hơn các ngón tay và bàn tay, khiến chúng nhanh nhẹn hơn. Sự phối hợp vận động tốt hơn này biểu hiện rõ nét ở chữ viết của trẻ.
Sự phát triển vận động ở trẻ giai đoạn giữa sau (cuối cấp 1 đầu cấp 2) làm cho vận động nhuần nhuyễn hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn, tự động hơn và vận động cũng trở nên phức tạp hơn trong sự kết hợp và các chuỗi động tác.
“Kỹ năng vận động đạt được bằng cách giảm sự thay đổi khi thực hiện động tác, tăng đoán trước kết quả của vận động, và cải thiện hiệu quả của vận động”. (Palisano 1988 p. 473)
Xem thêm: Khái niệm về học vận động
Sự khác biệt về giới trong kỹ năng vận động
Ở cả kỹ năng vận động thô và vận động tinh, có sự khác biệt về giới tính ở mức độ thành tích. Các bé gái có xu hướng vượt trội về các kỹ năng vận động tinh; ví dụ như chữ viết thường đẹp hơn so với chữ viết của các bé trai. Các bé gái cũng xuất sắc trong các kỹ năng vận động thô đòi hỏi mềm dẻo và thăng bằng, chẳng hạn như nhào lộn. Với các kỹ năng vận động thô cần sức mạnh, các trẻ trai thường có ưu thế hơn.
Một số khác biệt về giới tính trong các kỹ năng vận động thô đòi hỏi sức mạnh phản ánh rằng, khi trẻ em chuẩn bị bước vào tuổi dậy thì, cơ thể của các bé gái có nhiều mỡ hơn và ít cơ hơn so với cơ thể của các bé trai. Điều này giải thích tại sao các bé trai có thể dùng tay đu người lên một thanh ngang lâu hơn các bé gái. Tuy nhiên, đối với các kỹ năng vận động thô khác, chẳng hạn như chạy, ném và bắt bóng, sự khác biệt có thể là do kinh nghiệm. Trong giờ ra chơi, các bé gái tiểu học thường được tìm thấy trên xích đu, nhảy dây, hoặc có thể nói chuyện nhẹ nhàng trong một nhóm; ngược lại, các bé trai đang chơi bóng đá hoặc ném bi. Các trẻ gái thường dành ít thời gian hơn cho các môn thể thao và các hoạt động liên quan đến thể dục so với trẻ em trai, và do đó có các kỹ năng vận động kém hơn. Điều này một phần là do các yêu cầu, mong đợi xã hội khác nhau giữa nam và nữ.
SỰ PHÁT TRIỂN VỀ NHẬN THỨC – TRÍ TUỆ
Ở tuổi học đường, trẻ cần các kỹ năng nhận thức và hành vi để:
- Lắng nghe
- Tập trung
- Theo các hướng dẫn của giáo viên
- Nhớ các thông tin đang được học
- Hợp tác
- Lên kế hoạch học tập độc lập
Sự phát triển nhận thức ở trẻ học đường theo Piaget: Giai đoạn thao tác cụ thể
Ở trẻ mầm non, tư duy tiền thao tác là các trẻ hướng bản thân, đôi lúc nhầm lẫn vẻ bên ngoài với thực tế.
Giai đoạn tư duy thao tác cụ thể (từ 7 tuổi đến 11 tuổi) liên quan đến khả năng hiểu thế giới vật chất hoặc sờ chạm được. Trẻ nhi đồng suy nghĩ kinh nghiệm hơn, hiểu rằng các sự kiện có thể được giải thích theo những cách khác nhau.
- Suy luận trở nên hợp lý hơn
- Hiểu các câu chuyện
- Có thể phân loại đồ vật
Tuy nhiên, như tên gọi của nó, tư duy thao tác cụ thể chỉ giới hạn ở những gì hữu hình và thực tế, hiện hữu. Từ tuổi 12 trở lên trẻ sẽ chuyển sang giai đoạn thao tác hình thức, có thể tư duy trừu tượng và thành lập giả thuyết.
Các đặc điểm của tư duy thao tác cụ thể
- Phân loại (Classification): Có hai mức để phân loại. Một là sắp xếp mọi thứ thành các danh mục. Như phân nhóm loại hoa và động vật thành hai nhóm riêng biệt. Ở giai đoạn này, trẻ có thể tiến thêm một bước nữa. Chúng hiểu rằng có các lớp phụ trong một nhóm, như hoa màu vàng và đỏ hoặc động vật biết bay và động vật biết bơi.
- Bảo tồn (Conservation): Là hiểu rằng một cái gì đó có thể giữ nguyên số lượng mặc dù nó trông có vẻ khác. Viên bột nặn có cùng một lượng dù bị cán dẹp hay nặn thành một quả bóng.
- Phân tán chú ý (Decentration): Trẻ cần phải tìm ra cách chú ý nhiều thuộc tính cùng một lúc để chúng có thể bảo tồn một cách chính xác. Tất cả là tập trung vào một số yếu tố cùng một lúc. Ví dụ một hàng năm chiếc kẹp giấy là một hàng năm chiếc kẹp giấy, bất kể bạn đặt chúng cách xa nhau như thế nào. Ở giai đoạn này, trẻ nhận biết điều này vì chúng có thể thao tác số lượng và độ dài cùng một lúc.
- Tính có thể đảo ngược (Reversibility): Điều này liên quan đến sự hiểu biết rằng các hành động có thể được đảo ngược. Ví dụ như trẻ có thể nhận ra rằng xe máy của bạn là một chiếc Honda, chiếc Honda đó là một xe máy và một chiếc xe máy là một phương tiện giao thông.
- Xếp thứ tự (Seriation): Nghĩa là sắp xếp trong đầu một nhóm các sự vật hiện thường theo một thứ tự nào đó. Trẻ ở giai đoạn này có thể sắp xếp từ cao nhất đến thấp nhất, hoặc mỏng nhất đến dày nhất.
- Hướng xã hội (Sociocentricity): Trẻ không còn sống ích kỷ và hoàn toàn tập trung vào bản thân. Chúng có thể hiểu rằng bố mẹ có những suy nghĩ, cảm xúc và thời gian biểu của riêng mình.
Phát triển năng lực trí tuệ
Các thuyết về trí thông minh
Hơn 100 năm trước, Spearman (1904) đã tuyên bố rằng một yếu tố chung cho trí thông minh, hoặc g, chịu trách nhiệm về hiệu suất trong tất cả các bài kiểm tra tâm thần. Sau đó, Thurstone và Thurstone (1941) thừa nhận rằng có một yếu tố chung này, nhưng lại nhấn mạnh các yếu tố cụ thể hơn, chẳng hạn như sự trôi chảy của từ, thành thạo về số và khả năng lý luận. Những quan điểm này đã được dung hòa trong các thuyết thứ bậc về trí thông minh bao gồm cả thành phần chung và thành phần cụ thể. Ví dụ, Carroll (1993, 1996) đã đề xuất lý thuyết thứ bậc với ba cấp độ. Đứng đầu hệ thống phân cấp là g, trí thông minh chung. Ở cấp độ bên dưới g là tám loại kỹ năng trí tuệ đa dạng, từ trí thông minh (nói năng) trôi chảy đến tốc độ xử lý. Mỗi khả năng trong cấp độ thứ hai được chia thành các kỹ năng được liệt kê trong cấp độ thứ ba và cụ thể nhất.
Một số nhà phê bình cho rằng lý thuyết thứ bậc là không thỏa đáng vì bỏ qua nghiên cứu và lý thuyết về sự phát triển nhận thức. Một thuyết giải quyết sự phê phán này là thuyết nhiều trí thông minh (theory of multiple intelligences) của Gardner (1983, 2002, 2006). Dựa trên nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em, nghiên cứu về những người bị tổn thương não và nghiên cứu về những người đặc biệt tài năng, Gardner đã xác định được 9 trí thông minh riêng biệt. Ba trí thông minh đầu tiên ngôn ngữ, logic toán học và không gian được bao gồm trong các thuyết về trí thông minh truyền thống. Sáu trí thông minh sau cùng không thuộc truyền thống và duy nhất đối với lý thuyết của Gardner là: trí thông minh âm nhạc, cơ thể vận động, giữa các cá nhân, bên trong cá nhân, tự nhiên và hiện sinh.
Được khích lệ bởi thuyết của Gardner, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các khía cạnh phi truyền thống khác của trí thông minh. Một là trí thông minh cảm xúc, là khả năng sử dụng cảm xúc của chính mình và của người khác một cách hiệu quả để giải quyết vấn đề và sống hạnh phúc. Một mô hình của trí tuệ cảm xúc (Mayer, Salovey, & Caruso, 2008; Salovey & Grewal, 2005) bao gồm tri giác chính xác cảm xúc (ví dụ: nhận ra khuôn mặt hạnh phúc), hiểu các cảm xúc (ví dụ: phân biệt hạnh phúc với ngây ngất) và điều chỉnh cảm xúc (ví dụ: che giấu sự thất vọng). Những người thông minh về mặt cảm xúc có xu hướng có mối quan hệ giữa các cá nhân thỏa mãn hơn, có lòng tự trọng cao hơn và hiệu quả hơn ở nơi làm việc.
Một lý thuyết hiện đại khác, lý thuyết về trí thông minh thành công của Sternberg (1999, 2008), định nghĩa trí thông minh là sử dụng các khả năng một cách khéo léo để đạt được các mục tiêu cá nhân. Các mục tiêu có thể là ngắn hạn (ví dụ: đạt điểm A trong một bài kiểm tra) hoặc dài hạn hơn (ví dụ: có một sự nghiệp thành công). Để đạt được mục tiêu cá nhân, mọi người sử dụng ba loại khả năng:
- Khả năng phân tích liên quan đến việc phân tích các vấn đề và đưa ra các giải pháp khác nhau.
- Khả năng sáng tạo liên quan đến việc đối phó một cách thích ứng với các tình huống và vấn đề mới.
- Khả năng thực tế liên quan đến việc biết giải pháp hoặc kế hoạch nào sẽ hiệu quả. Các vấn đề có thể được giải quyết theo nhiều cách khác nhau, nhưng thường chỉ có giải pháp là thực tế.
Sternberg nhấn mạnh rằng trí thông minh thành công được bộc lộ khi mọi người theo đuổi mục tiêu. Tất nhiên, những mục tiêu này thay đổi từ người này sang người khác và cũng thường khác nhau ở các nhóm văn hóa hoặc dân tộc khác nhau. Có nghĩa là, trí thông minh luôn được xác định một phần bởi những đòi hỏi của môi trường hoặc bối cảnh văn hóa.
Đánh giá trí thông minh
Vào năm 1904, Alfred Binet và Theophile Simon đã thiết kế một cách thức nhận ra trẻ khó khăn về học bằng cách chọn các nhiệm vụ đơn giản mà các trẻ ở các lứa tuổi khác nhau có thể thực hiện được.
- Tuổi tâm thần (mental age, MA) nói đến độ khó của vấn đề mà trẻ có thể giải quyết đúng.
- Tuổi thời gian (chronological age): tuổi thật của trẻ.
Binet và Simon đã sử dụng MA để phân biệt những đứa trẻ “sáng sủa” với những đứa trẻ “đần độn”. Một đứa trẻ sáng sủa sẽ có MA của một đứa trẻ lớn hơn — ví dụ, một đứa trẻ 6 tuổi sáng sủa có thể có MA là 9. Một đứa trẻ đần độn sẽ có MA của một đứa trẻ hơn — ví dụ, một đứa trẻ 6 tuổi già có thể có MA là 4.
Lewis Terman, thuộc Đại học Stanford, đã sửa đổi đáng kể bài kiểm tra của Binet và Simon và xuất bản một phiên bản được gọi là bài kiểm tra StanfordBinet vào năm 1916. Terman mô tả hiệu suất thực hiện như một tỷ số thông minh (intelligence quotient, IQ), là tỷ lệ giữa MA so với CA, nhân với 100 : IQ = MA / CA × 100
Ở mọi lứa tuổi, những đứa trẻ trung bình tuyệt đối có chỉ số IQ là 100, bởi vì MA của chúng bằng CA của chúng. IQ cũng có thể được sử dụng để so sánh trí thông minh ở trẻ em ở các độ tuổi khác nhau.
Gần 100 năm sau, StanfordBinet vẫn là một bài kiểm tra phổ biến về trí thông minh.
Giá trị của đánh giá trí thông minh
Trên thực tế, điểm IQ tiên lượng điểm học tập, số năm học tập với mối liên quan từ 0,5 đến 0,7 (Brody, 1992; Geary, 2005).
Không những thế, các điểm IQ còn tiên liệu thành công nghề nghiệp (IQ cao thường được trả lương cao hơn, làm nghề danh giá hơn với cấp bậc cao như nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư, luật sư…
SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ- XÃ HỘI
Giống như tất cả mọi người, kể từ khi sinh ra, trẻ đã học cách trở thành một thành viên của nền văn hóa. Dạy cho trẻ các giá trị, vai trò và hành vi của nền văn hóa gọi là sự xã hội hóa là mục tiêu quan trọng của tất cả dân tộc. Trong hầu hết các nền văn hóa, nhiệm vụ xã hội hóa ban đầu thuộc về các bậc cha mẹ. Tiếp theo là ảnh hưởng của trường học, các nhóm bạn cùng trang lứa và phương tiện thông tin đại chúng. Khi trẻ hòa nhập với xã hội, trẻ bắt đầu hiểu nhiều hơn về những người khác.
Vai trò của gia đình
Các yếu tố quan trọng của việc nuôi dạy con cái:
Các yếu tố quan trọng trong mối quan hệ cha mẹ con cái là mức độ ấm áp và mức kiểm soát mà cha mẹ thể hiện.
Có bốn phong cách làm cha mẹ:
- cha mẹ độc tài (authoritarian) thì kiểm soát nhưng không quan tâm;
- các bậc cha mẹ quyết đoán (authoritative) thường hơi kiểm soát nhưng cũng đáp ứng nhanh với con cái của họ;
- cha mẹ dễ dãi (permissive) yêu thương nhưng ít kiểm soát;
- cha mẹ không quan tâm (uninvolved) thì vừa không ấm áp vừa không kiểm soát.
Cha mẹ quyết đoán có lẽ là tốt nhất cho trẻ về cả sự phát triển nhận thức và xã hội, nhưng có những ngoại lệ quan trọng liên quan đến văn hóa và tình trạng kinh tế xã hội.
Cha mẹ ảnh hưởng đến sự phát triển của con cái bằng cách hướng dẫn và huấn luyện trực tiếp. Ngoài ra, cha mẹ đóng vai trò là hình mẫu cho con cái của họ, trẻ thường bắt chước trực tiếp hành vi của cha mẹ. Cha mẹ cũng sử dụng phản hồi để tác động đến hành vi của trẻ. Các mâu thuẫn, bất đồng trong nuôi dạy con trẻ giữa bố mẹ kéo dài có ảnh hưởng xấu đến trẻ, nhưng trẻ có thể có lợi khi cha mẹ chúng giải quyết vấn đề một cách xây dựng. Nuôi dạy con cái hiệu quả cần sự đồng tâm hiệp lực của cả cha lẫn mẹ.
Hình phạt có hiệu lực khi nó nhanh chóng, nhất quán, kèm theo lời giải thích và được thực hiện bởi một người mà trẻ có mối quan hệ thân tình. Hình phạt có giá trị hạn chế vì nó ngăn chặn các hành vi nhưng không loại bỏ chúng, và nó thường có tác dụng phụ.
Các yếu tố gia đình khác ảnh hưởng đến phát triển tâm lý-xã hội của trẻ :
- Anh chị em: Việc sinh một anh/chị em có thể gây căng thẳng cho trẻ, đặc biệt là khi chúng còn nhỏ và khi cha mẹ phớt lờ nhu cầu của chúng. Anh chị em thân thiết với nhau hơn khi cùng giới tính, tin rằng cha mẹ đối xử với họ như nhau.
- Mối quan hệ tình cảm của bố mẹ và ly hôn: Trẻ thường phát triển tốt nếu có cha mẹ hòa thuận với nhau và sống hạnh phúc. Ly hôn có thể ảnh hưởng xấu đến trẻ trong một số lĩnh vực, từ thành tích học tập đến sự thích nghi. Ly hôn có hại nhất trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên, và khi trẻ dễ bị xúc động và giải thích các sự kiện một cách tiêu cực.
- Bạo hành gia đình: Trẻ em bị bạo hành thường tụt hậu so với các bạn cùng tuổi về phát triển nhận thức và xã hội. Các yếu tố góp phần gây ra lạm dụng trẻ em bao gồm nghèo đói, cô lập xã hội và quan điểm văn hoá về bạo lực. Trẻ càng nhỏ tuổi hoặc bệnh tật có nhiều khả năng trở thành mục tiêu bị lạm dụng.
Vai trò của trường học, bạn bè
Vào trường thường có nghĩa là bước vào xã hội hoặc nền văn hóa của trẻ em. Trẻ thiết lập ngôn ngữ, tập hợp các quy tắc, hành vi và vai trò của nhau. Xã hội trẻ em này có thể đóng vai trò như một phòng thí nghiệm sống để học và thực hành các kỹ năng xã hội như đàm phán, giao tiếp và giải quyết vấn đề.
Một số trẻ được nhiều người biết đến và được yêu mến. Những trẻ này rất dễ nhận thấy và dường như có sự hỗ trợ và khuyến khích của nhà trường. Một số trẻ khác cũng rất nổi tiếng, nhưng sự nổi tiếng của chúng đến từ sự xung đột với các học sinh khác và sự nổi loạn trong trường. Những đứa trẻ này có thể khó thay đổi hành vi xã hội của chúng vì nó đã trở thành một phần tính cách và sự nổi tiếng của chúng. Một số trẻ thu mình lại và bị các trẻ khác từ chối. Có thể chúng có một số đặc điểm khiến chúng trở thành mục tiêu để bắt nạt như nghèo, khiếm khuyết hoặc bản chất nhút nhát.
Tình bạn giữa trẻ mẫu giáo dựa trên sở thích chung và hòa thuận với nhau. Khi trẻ lớn lên, lòng trung thành, sự tin cậy và thân thiết trở thành những đặc điểm quan trọng hơn trong tình bạn của chúng. Bạn bè thường giống nhau trong độ tuổi, giới tính, chủng tộc, và thái độ. Các trẻ có bạn bè thì có kỹ năng xã hội tốt hơn và thích nghi hơn. Trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên thường hình thành nhóm bạn, bè phái — những nhóm nhỏ gồm những thành viên có cùng chí hướng. Áp lực của bạn bè không hoàn toàn mạnh mẽ và cũng không hoàn toàn xấu. Các nhóm ảnh hưởng chủ yếu đến các cá nhân trong các lĩnh vực có tiêu chuẩn hành vi không rõ ràng, chẳng hạn như sở thích âm nhạc hoặc cách ăn mặc hoặc các tiêu chuẩn liên quan đến uống thức uống có cồn, sử dụng ma túy và tình dục.
Ảnh hưởng của các Phương tiện thông tin đại chúng
Bên cạnh gia đình, trường học và bạn bè, tiếp xúc với môi trường văn hoá đặc biệt là thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng có ảnh hưởng rất lớn đến thái độ, hành vi và sự phát triển nhận thức của trẻ. Các chương trình truyền hình có thể khiến trẻ em trở nên hung hăng hơn, chấp nhận các định kiến về giới và hành động vì xã hội. Các chương trình được thiết kế để thúc đẩy kỹ năng nhận thức của trẻ rất hữu ích. Bên cạnh truyền hình, việc sử dụng điện thoại di động, máy tính, chơi trò chơi điện tử ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của trẻ tùy theo nội dung trẻ xem hoặc chơi.