Cập nhật lần cuối vào 26/03/2023
Mục lục
NHẬN BIẾT MỘT GÃY XƯƠNG MỚI
Định nghĩa
- Gãy xương là sự gián đoạn tính liên tục của toàn bộ hoặc một phần của vỏ một xương.
- Nếu vỏ xương bị gãy xuyên qua, gãy xương được gọi là hoàn toàn.
- Nếu chỉ một phần của vỏ xương bị gãy thì được gọi là không hoàn toàn. Gãy xương không hoàn toàn có xu hướng xảy ra ở những xương “mềm” hơn bình thường, chẳng hạn như xương ở trẻ em, hoặc ở người lớn mắc các bệnh làm mềm xương như bệnh Paget.
- Ví dụ về gãy xương không hoàn toàn ở trẻ em là gãy cành tươi (greenstick), chỉ ảnh hưởng đến một phần của vỏ xương, và gãy bánh bơ (torus fracture, buckle fracture), biểu hiện sự đè ép của vỏ xương (Hình 1).
Đặc điểm X quang của gãy xương cấp tính
- Các đường gãy khi nhìn theo đúng mặt phẳng có xu hướng “đen hơn” (sáng hơn) so với các đường khác thường thấy trong xương, chẳng hạn như các đường ống dinh dưỡng (xem Hình 2, A).
- Có thể có sự mất liên tục đột ngột của vỏ xương, đôi khi kết hợp với sự gập góc của đường viền bình thường trơn tru của xương (xem Hình 2, B).
- Các đường gãy có xu hướng thẳng hơn trong đường đi của chúng nhưng khi thay đổi đường đi thì có xu hướng tạo góc sắc nhọn. (góc rõ hơn so với các đường xuất hiện tự nhiên như là bản sụn tiếp hợp/tăng trưởng, epiphyseal plate) (Hình 3).
- Các cạnh của xương gãy có xu hướng lởm chởm và thô ráp.
Chú ý phân biệt biệt với xương vừng, xương phụ và gãy xương chưa lành
- Xương vừng (Sesamoid) là xương tạo trong một gân cơ khi nó đi qua khớp. Xương bánh chè là xương vừng lớn nhất.
- Các xương nhỏ phụ (Accessory Ossicles) là các trung tâm cốt hóa phụ đầu xương hoặc mỏm xương không dính với xương mẹ.
- Những mảnh gãy cũ, chưa lành đôi khi có thể giống với gãy xương cấp tính (xem Hình 4, A).
- Không giống như gãy xương, những xương nhỏ này có vỏ bọc (tức là có một đường màu trắng bao quanh hoàn toàn mảnh xương) và các cạnh của chúng thường trơn nhẵn.
- Trong trường hợp xương vừng và xương nhỏ phụ, chúng thường đối xứng hai bên nên khi quan sát hình ảnh của chi đối diện thường sẽ thấy cùng một xương ở cùng một vị trí. Chúng cũng xảy ra tại các vị trí có thể đoán trước được về mặt giải phẫu.
- Hầu như luôn có xương vừng ở ngón cái, mặt sau ngoài của gối (fabella), và ngón chân cái (xem Hình 4, B).
- Các xương nhỏ phụ thường gặp nhất ở bàn chân (xem Hình 4, C).
MÔ TẢ GÃY XƯƠNG
- Có một nhóm từ vựng chung được sử dụng để mô tả gãy xương sao cho mô tả có thể hiểu và tái sử dụng, đảm bảo thông tin liên lạc được chính xác và đáng tin cậy.
- Gãy xương thường được mô tả bằng 4 thông số chính:
- Số mảnh vỡ: đơn giản hay phức tạp
- Hướng của đường gãy: ngang, chéo, xoắn
- Mối liên hệ của các mảnh với nhau: di lệch, gập góc,
- Xương gãy có liên thông với môi trường bên ngoài hay không: kín, hở
Mô tả gãy xương theo số đoạn gãy
- Nếu gãy xương tạo ra hai mảnh, nó được gọi là gãy xương đơn giản.
- Nếu gãy xương tạo ra nhiều hơn hai mảnh, nó được gọi là gãy phức tạp, nhiều mảnh (comminuted). Một số gãy phức tạp có tên gọi đặc biệt:
- Gãy (nhiều) đoạn (segmental) là gãy xương phức tạp trong đó một phần của thân xương trở thành một đoạn gãy biệt lập (xem Hình 5, A).
- Gãy hình cánh bướm (butterfly) là một gãy xương phức tạp trong đó mảnh trung tâm có hình tam giác (xem Hình 5, B).
Mô tả Gãy xương theo Hướng của Đường gãy
- Trong gãy ngang (transverse), đường gãy vuông góc với trục dọc của xương. Gãy ngang gây ra bởi một lực hướng vuông góc với trục (Hình 6, A).
- Trong gãy chéo hoặc xiên (diagonal/oblique), đường gãy có hướng chéo so với trục dọc của xương. Gãy xương theo đường chéo hoặc xiên là do một lực thường tác dụng song song theo cùng hướng với trục dọc của xương gãy (xem Hình 6, B).
- Với gãy xoắn (spiral), lực hoặc mômen xoắn gây ra gãy xương tương tự như gãy do đặt chân xuống vào hố khi đang chạy. Gãy xoắn ốc thường không vững và thường kèm theo chấn thương mô mềm, như rách dây chằng hoặc gân (xem Hình 6, C).
Mô tả Gãy Xương theo Mối liên hệ của các mảnh gãy
- Theo quy ước, các bất thường về vị trí của các mảnh xương thứ phát sau gãy xương mô tả mối quan hệ của mảnh gãy xa so với mảnh gần. Những mô tả này dựa trên vị trí bình thường của mảnh xa nếu không bị gãy xương.
- Có bốn thông số chính thường được sử dụng nhất để mô tả mối quan hệ của các mảnh gãy. Một số trường hợp gãy xương có thể kết hợp nhiều hơn một bất thường về vị trí. Bốn thông số đó là:
- Di lệch bên (xê dịch)
- Di lệch Gập góc
- Di lệch ngắn chi (Rút ngắn)
- Di lệch Xoay
- Di lệch bên mô tả mức độ lượng mà đoạn xa lệch sang bên (trước-sau hoặc trong- ngoài) với đoạn gần (Hình 8). Độ di lệch sang bên thường được mô tả dưới dạng phần trăm (ví dụ: đoạn xa bị di lệch bên bằng 50% chiều rộng của thân xương) hoặc bằng phân số (ví dụ, mảnh xa bị di lệch bằng một nửa chiều rộng của thân xương). Một cách khác để phân mức di lệch là đánh giá theo các mức: 1 vỏ xương, nửa thân xương, 1 thân xương hoặc trên 1 thân xương (xem Hình 7, A).
- Di lệch Gập góc mô tả góc giữa đoạn xa và đoạn gần theo độ so với vị trí bình thường. Gập góc được mô tả theo độ và theo vị trí (ví dụ, đoạn xa gập góc 15 °ra trước) (xem Hình 7, B).
- Di lệch rút ngắn chi mô tả mức độ chồng chéo của các đầu mảnh gãy, nếu có, tức là xương bị gãy ngắn hơn bao nhiêu so với khi chưa bị gãy (xem Hình 7, C).
- Thuật ngữ ngược với rút ngắn là tách rời, dùng để chỉ khoảng cách các mảnh xương cách xa nhau (xem Hình 7, D).
- Sự rút ngắn (chồng chéo) hoặc tách rời (dài ra) thường được mô tả bằng một số cm (ví dụ, các mảnh gãy rút ngắn 2 cm).
- Di lệch Xoay ít gặp trong gãy xương và hầu như luôn liên quan đến các xương dài, chẳng hạn như xương đùi hoặc xương cánh tay. Xoay mô tả hướng của khớp ở một đầu của xương gãy so với hướng của khớp ở đầu kia của cùng một xương. Để đánh giá sự xoay, cần chụp cả khớp trên và khớp dưới của xương gãy, tốt nhất là trên cùng một phim X quang (Hình 8).
Mô tả Gãy xương qua mối liên hệ với môi trường bên ngoài
- Gãy xương kín là loại gãy xương phổ biến hơn, trong đó không có sự liên lạc giữa các mảnh gãy và môi trường bên ngoài.
- Trong gãy xương hở, có sự liên thông giữa ổ gãy xương và môi trường bên ngoài; nghĩa là, một mảnh gãy đâm xuyên qua da (Hình 9). Gãy xương hở có ý nghĩa về điều trị vì nguy cơ nhiễm trùng, viêm tủy xương. Chẩn đoán gãy xương hở hay không tốt nhất là trên lâm sàng.
LÀNH XƯƠNG
Quá trình lành xương
- Quá trình lành xương gãy được xác định bởi nhiều yếu tố, bao gồm tuổi của bệnh nhân, vị trí gãy, vị trí của các mảnh gãy, mức độ bất động và lượng máu cung cấp cho vị trí gãy xương (Bảng 1).
Làm tăng quá trình lành xương | Làm chậm quá trình lành xương |
---|---|
Trẻ | Già |
Bất động sớm | Bất động muộn |
Thời gian bất động đủ | Thời gian cố định quá ngắn |
Cung cấp máu tốt | Cung cấp máu kém |
Hoạt động thể chất sau khi đủ thời gian bất động | Corticoid |
Khoáng hóa (canxi) đầy đủ | Loãng xương, nhuyễn xương |
- Ngay sau khi gãy xương, có chảy máu vào trong vị trí gãy xương (giai đoạn máu tụ).
- Trong vài tuần tiếp theo, tế bào hủy xương hoạt động để loại bỏ phần xương bị bệnh. Đường gãy có thể rộng ra ở thời điểm này. (Giai đoạn can liên kết)
- Sau đó trong vài tuần nữa, xương mới (can xương, callus) bắt đầu nối khoảng hở xương gãy (Hình 10). (Giai đoạn can xương nguyên phát)
- Sự lành xương ở bên trong xương biểu hiện bởi sự không rõ ràng của đường gãy, dẫn đến cuối cùng đường gãy sẽ bị xóa.
- Sự lành màng xương ở bên ngoài được biểu hiện bằng sự hình thành can xương bên ngoài, cuối cùng dẫn đến sự bắc cầu của vị trí gãy.
- Giai đoạn tái tổ chức (remodelling): xương bắt đầu vào khoảng tuần thứ 8 đến 12 sau gãy xương khi các lực cơ học bắt đầu điều chỉnh xương trở về hình dạng ban đầu.
- Ở trẻ em, quá trình này xảy ra nhanh hơn nhiều và cuối cùng thường dẫn đến xương dường như bình thường.
- Ở người lớn, quá trình này có thể mất nhiều năm và xương gãy đã lành có thể không bao giờ có hình dạng hoàn toàn bình thường.
Các biến chứng của quá trình lành xương
- Chậm liền (Delayed union): Xương không lành trong thời gian dự kiến cho một gãy xương tại vị trí cụ thể đó (ví dụ, 6 đến 8 tuần đối với gãy thân xương quay). Hầu hết các trường hợp chậm liền cuối cùng sẽ lành hoàn toàn với bất động bổ sung.
- Can lệch (Malunion): Lành xương với tư thế xấu khó chấp nhận được về mặt cơ học hoặc thẩm mỹ.
- Không liền (Nonunion). Không lành xương, đặc trưng bởi bờ xương gãy nhẵn và xơ cứng với sự tách rời của các mảnh gãy (Hình 11). Có thể hình thành khớp giả hoàn chỉnh với lớp màng hoạt dịch ở vị trí gãy xương.
- Có thể nhận thấy vận động của ổ gãy trên lâm sàng hoặc kéo nắn dưới màng tăng sáng.
MinhdatRehab lược dịch có chỉnh sửa từ: Learning Radiology: RECOGNIZING THE BASICS. William Herring, MD, FACR.3rd EDITION. Elsevier Inc 2016.