CHƠI VÀ VUI ĐÙA. PHẦN 1. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA CHƠI.

Cập nhật lần cuối vào 17/08/2023

Bài viết nằm trong loạt bài Chơi và Vui đùa trong Hoạt động trị liệu

Trẻ em học các kỹ năng vận động, cảm xúc – xã hội, ngôn ngữ và nhận thức thông qua chơi.

Lấy ví dụ, hãy xem xét một bé gái 1 tuổi đang chơi trong vòi phun nước. Bé phải giải quyết vấn đề làm thế nào để mở vòi với lượng nước phù hợp. Bé cúi người xuống để cảm nhận làn nước mát lạnh trong hai bàn tay. Bé đang tập lập kế hoạch vận động, ngồi xổm và giữ thăng bằng trong khi tiếp nhận cảm giác xúc giác của nước trên bàn tay. Khi đặt tay lên vòi phun nước, bé phải phối hợp các ngón tay nhỏ xíu của mình để nắm lấy vòi phun. Về nhận thức, bé chú ý đến nước và cố gắng tìm hiểu điều gì sẽ xảy ra khi thay đổi vị trí bàn tay. Bé đang học về sự khác nhau của chất lỏng với mặt đất rắn mà cháu đang đứng. Bé giải quyết vấn đề để giữ nước trong bàn tay và cố gắng hiểu lý do tại sao nước lại rỉ xuống. Với miệng, bé cảm giác nước trên lưỡi và nuốt những giọt nước đó. Bé thè lưỡi ra và gom nước vào trong miệng, sau đó đưa đến họng để nuốt. Người anh trai 4 tuổi của bé tham gia chơi, và bây giờ bé phải chia sẻ vòi phun nước. Điều này đòi hỏi sự linh hoạt và đàm phán, thậm chí có thể xử lý xung đột. Anh ấy cười và nhảy lên. Bé quan sát và mỉm cười và cố gắng bắt chước các kỹ năng của anh ấy. Bé đang phát triển các kỹ năng xã hội. Trẻ em lặp lại các hoạt động chơi. Quan sát chúng, một điều rất rõ ràng là chơi đòi hỏi nhiều kỹ năng.

Hình: Một bé gái chơi với vòi nước

Trẻ em học và hoàn thiện các kỹ năng trong khi chơi. Điều này được thể hiện khi trẻ thể hiện sức mạnh và sự nhanh nhẹn, khả năng giải quyết vấn đề khi chơi một trò chơi hoặc thực hiện một kỹ năng vận động và giải quyết các vấn đề xuất hiện. Chúng giao tiếp để thỏa mãn nhu cầu của mình và quyết định các quy luật của các hoạt động bằng cách thương lượng với các thành viên trong nhóm. Thông thường, trẻ em dành toàn bộ thời gian chơi để quyết định luật chơi hoặc cách câu chuyện sẽ diễn ra. Chúng sử dụng các kỹ năng ngôn ngữ của mình và cũng chú ý quan sát về các giao tiếp không lời.

Các KTV HĐTL quan tâm đến gia tăng khả năng chơi của trẻ vì đây là hoạt động chính của thời niên thiếu và rất quan trọng với sự phát triển các kỹ năng trên tất cả các lĩnh vực thực hiện hoạt động. Phát triển kỹ năng chơi của trẻ ảnh hưởng toàn diện đến cả trẻ và gia đình trẻ. Trẻ sẽ có khả năng tương tác tốt hơn với bạn bè, các thành viên trong gia đình và môi trường. Phát triển kỹ năng chơi và tương tác xã hội có mối liên hệ với thành công chung trong cuộc sống.

Mục lục

CHƠI (PLAY)

Chơi thường được định nghĩa là một hoạt động thú vị, tự khởi xướng mà trẻ có thể kiểm soát. Động lực nội tại là sự tự khởi xướng hoặc thúc đẩy hành động mà phần thưởng là chính hoạt động đó chứ không phải là một phần thưởng bên ngoài nào đó. Động lực nội tại được thể hiện khi trẻ lặp lại các hoạt động. Kiểm soát bên trong là mức độ mà trẻ kiểm soát các hành động và ở một mức độ nào đó là kết quả của một hoạt động. Kiểm soát bên trong được quan sát thấy khi trẻ tự thay đổi trò chơi (ví dụ: khi trẻ 6- cậu bé 1 tuổi tuyên bố giữa trò chơi giả vờ, “Bây giờ con sẽ trở thành người tốt”). Động lực nội tại và kiểm soát bên trong rất quan trọng đối với sự phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề, học tập và quan hệ xã hội.

Một yếu tố khác của trò chơi là tự do tách rời thực tại, đôi khi được coi là khả năng tham gia vào các hoạt động đóng kịch hoặc chơi giả vờ . Chơi giả vờ phát triển khi trẻ có thể tham gia vào các hoạt động nhận thức cao hơn. Các em bắt đầu bằng cách đóng vai những hành động đơn giản hàng ngày chẳng hạn như cho búp bê ăn. Trẻ có thể tham gia vào các tình huống giả vờ phức tạp khi ngôn ngữ và kỹ năng nhận thức của trẻ phát triển.

Hình: Một bé gái chơi giả vời làm vườn.

Tự do tách rời thực tại cũng bao gồm trêu chọc, đùa giỡn, nghịch ngợm và phá luật. Trẻ biến trò chơi cũ thành trò chơi mới bằng cách thay đổi trình tự thông thường, thay đổi quy tắc, tạo ra tình huống mới và sử dụng các đồ vật theo trí tưởng tượng trong khi chơi.

Chơi là hoạt động chính của trẻ em và là phương tiện để can thiệp. Chơi mang lại cho KTV HĐTL nhiều cơ hội để hướng dẫn, tinh chỉnh và cho phép hoạt động và vui chơi thành công hơn. Vui chơi cho phép kết hợp các thành phần của thực tế với trí tưởng tượng, tạo cơ hội tìm hiểu về các tín hiệu và quy tắc xã hội trong khi vui chơi.

KINH NGHIỆM LÂM SÀNG

KTV HĐTL có thể đánh giá các đặc điểm của trò chơi để thiết kế các biện pháp can thiệp. Nhấn mạnh vào việc sử dụng điểm mạnh của trẻ để cải thiện những điểm yếu. Ví dụ, một đứa trẻ rất thích chơi nhưng thiếu các kỹ năng thể chất cần thiết có thể được khuyến khích thực hiện các hoạt động theo một cách khác. Một đứa trẻ tập trung vào sản phẩm cuối cùng (nghĩa là giành chiến thắng trong trò chơi) thay vì quá trình chơi có thể được được khuyến khích tham gia vào các hoạt động vui chơi không có sản phẩm cuối cùng, chẳng hạn như trò chơi tưởng tượng. Biến những nhiệm vụ đầy thách thức thành trò chơi sẽ thành công hơn là chỉ tập trung vào một thành phần khó khăn đối với trẻ.

TÍNH VUI CHƠI (Playfulness)

Tính vui chơi được định nghĩa là khuynh hướng vui chơi của một cá nhân. Đó là phong cách mà các cá nhân sử dụng để tiếp cận vấn đề một cách linh hoạt và có thể được xem là một khía cạnh trong tính cách của một đứa trẻ. Tính vui chơi, giống như chơi, bao gồm động lực nội tại, khả năng kiểm soát bên trong và tự do tách rời thực tại, tất cả đều xảy ra trên một dải liên tục.

Những trẻ tham gia vào quá trình chơi có động lực từ bên trong. Các cháu tỏ dấu hiệu thích thú và dường như đang vui vẻ. Kiểm soát bên trong được thể hiện trong việc chia sẻ, chơi với người khác, tham gia các tình huống chơi mới, bắt đầu chơi, quyết định, điều chỉnh các hoạt động và thử thách bản thân. Những đứa trẻ sử dụng đồ vật một cách sáng tạo hoặc theo những cách độc đáo, trêu chọc và giả vờ thể hiện yếu tố tự do để tạm tách xa thực tại.

Hình. Trẻ em phải thương lượng và giải quyết vấn đề trong khi chơi. A, Một bé gái và một bé trai đang tìm hiểu xem phải làm gì với quả bóng lớn, cây gậy kéo xe và toa xe . Chúng phải thương lượng xem ai sẽ kéo toa xe. B, Cháu trai kéo xe trong khi bé gái giữ chặt. Chúng đang thử thách các kỹ năng vận động của mình (ví dụ: giữ thăng bằng trên quả bóng lớn). Sử dụng các đồ vật theo những cách độc đáo (ví dụ: nằm trên quả bóng trong toa xe) là một phần của vui chơi.

Nghiên cứu trường hợp

Trẻ em ít tính vui chơi thể hiện có các vấn đề trong việc hoàn thành vai trò là người chơi.

Ví dụ, Nam là một bé trai 6 tuổi bị rối loạn chức năng tích hợp cảm giác. Cháu gặp khó khăn với các nhiệm vụ vận động và không chơi tốt với những đứa trẻ khác. Nam không tự phát trong các hoạt động. Em cần thời gian để lập kế hoạch để hoàn thành nhiệm vụ vận động. Nam trở nên khó chịu khi em không được chơi theo cách của mình. Cháu không thích các quy tắc bị thay đổi và gặp khó khăn khi thay đổi tốc độ khi tham gia vào một hoạt động. Hơn nữa, cháu không đọc được tín hiệu của những đứa trẻ khác và thường chơi quá thô bạo. Cháu biểu thị nhận thức cơ thể kém khi đến quá gần những đứa trẻ khác. Nam không bắt đầu trò chơi với các bạn cùng trang lứa. Cháu vận động chậm chạp và vụng về, làm cho cháu bị tụt lại phía sau. Trong quá trình đánh giá của KTV HĐTL, Nam nói rằng cháu không có bạn bè và không ai thích cháu cả. Cha mẹ của Nam lo lắng rằng cháu không có bạn bè. Mục tiêu của các buổi HĐTL của cháu là cải thiện khả năng vui chơi để cháu có thể tương tác với bạn bè ở nhà, trường học và cộng đồng.

KTV HĐTL phát triển mối quan hệ với Nam và lên kế hoạch cho các hoạt động vui chơi vui vẻ. Nam không bắt đầu các hoạt động chơi nhưng hợp tác và cố gắng thực hiện tất cả các hoạt động đó. KTV HĐTL cố gắng giúp trẻ vui vẻ và tự nhiên trong các buổi trị liệu, hy vọng rằng hành vi này cũng áp dụng cho môi trường gia đình và trường học.

Trong một buổi tập, KTV và Nam tham gia trò chơi đuổi bắt. Nam đuổi theo KTV và KTV rất mừng vì em đã bắt đầu chơi. Tuy nhiên, ngay sau đó Nam ngừng chơi, nhìn KTV và nói: “Đã đến lúc nghỉ chơi chưa?”

Nam thể hiện mức độ vui chơi thấp. Cháu không tham gia vui chơi tích cực và kéo dài. Cháu tập trung vào sản phẩm cuối cùng (hoàn thành buổi trị liệu) hơn là có động lực nội tại để chơi và tận hưởng giờ chơi. Khả năng kiểm soát bên trong kém đặc trưng bởi không thể tham gia vào các tình huống chơi mới, khởi đầu chơi với bạn bè, chia sẻ, quyết định phải làm gì và thử thách bản thân. Nam có thể tham gia vào trò chơi giả vờ khi đóng vai với KTV nhưng gặp khó khăn trong việc đọc tín hiệu của người khác, điều này thể hiện rõ khi trẻ chơi quá thô bạo và quá gần với các bạn của mình trong khi tương tác.

Xem xét những hạn chế của Nam và mục tiêu dài hạn là làm cho trẻ vui chơi với các bạn cùng trang lứa, các mục tiêu trong KTV HĐTL của trẻ bao gồm:

1. Tự ý bắt đầu thay đổi hoạt động, ít nhất ba lần, trong tình huống chơi có giám sát 45 phút. 

2. Phản ứng tích cực (mỉm cười, tiếp tục tham gia, hợp tác với KTV) khi trẻ không làm đúng hướng, ít nhất ba lần trong một tình huống chơi có giám sát.

3. Tham gia vào một nhóm bạn đã chơi trên sân chơi và tham gia vào hoạt động không làm gián đoạn cuộc chơi, ít nhất ba lần một tuần.

4. Tham gia một thử thách vận động trong khi chơi, ít nhất ba lần, trong một tình huống chơi có giám sát.

Việc sắp xếp (Framing) các tình huống khi chơi cho phép trẻ em biết trò chơi là gì để chúng có thể tương tác một cách phù hợp. Chúng có thể tự do giả vờ, thử thách lẫn nhau và trêu chọc nhau mà không có ác ý. Tất cả những hành động này đòi hỏi trẻ đọc các tín hiệu phi ngôn ngữ cũng như bằng lời nói. Đọc các tín hiệu phi ngôn ngữ cho phép trẻ nhận ra khi nào chúng đã chơi quá ranh giới.

Nghiên cứu trường hợp

Hải và Hà đang chơi trong hộp cát, đổ cát lên nhau. Hai em cười và quan sát những tín hiệu với nhau với nghĩa là, “OK. Chúng mình vẫn đang chơi.” Trò chơi tiếp tục và Hà bắt đầu đổ cát lên đầu Hải. Em nhận được một cái nhìn nghiêm nghị từ Hải. Tín hiệu phi ngôn ngữ này có nghĩa là, “Này, cát đổ hơi gần với mắt mình. Mình không thích điều đó.” Hà đáp lại bằng một nụ cười có nghĩa rằng, “Rất tiếc! Mình xin lỗi,” và thay vào đó đổ cát lên tay của Hải. Phản ứng không lời của bé nghĩa là, “Được rồi, mình sẽ cẩn thận hơn.” Việc trao đổi tín hiệu này cho phép trò chơi tiếp tục trong khi trẻ học cách chú ý đến nhau. Chúng đang học các quy tắc và ranh giới của trò chơi.

Đánh giá mức độ vui chơi của trẻ cung cấp thông tin về cách trẻ xử lý, giải quyết vấn đề và kiểm soát căng thẳng cảm xúc. Những kỹ năng này rất quan trọng đối với sự phát triển và sức khoẻ xã hội của trẻ.

Bản chất của trò chơi và tính vui chơi

KTV HĐTL phải hiểu bản chất của trò chơi và tính khôi hài để có thể sử dụng nó một cách hiệu quả như một kỹ thuật can thiệp. Khi trẻ chơi và vui đùa, tùy theo hoạt động, trẻ có thể cười lớn, cười mỉm và hoạt động; chúng cũng có thể nghiêm túc, yên lặng và hoàn toàn mải mê chơi đùa (Hình 3). Chơi có thể gây thất vọng, và nó có thể dẫn đến thất bại. Bản chất linh hoạt và tự phát của trò chơi và sự vui vẻ được thể hiện khi trẻ thay đổi chủ đề hoặc sử dụng đồ chơi theo những cách không ngờ tới.

Hình. Những đứa trẻ ham chơi có thể ngớ ngẩn hoặc nghiêm túc trong khi chơi. A, Một cậu bé thể hiện sự tinh nghịch bằng cách trêu chọc em gái của mình. B, Cô gái khá nghiêm túc và tập trung vào nhiệm vụ khi xây lâu đài cát.

Quá trình (hành động) chứ không phải sản phẩm (kết quả) đem lại phần thưởng chính trong các hoạt động vui chơi. Trẻ tham gia chơi vì chính trò chơi. Trẻ em vui chơi khám phá, sáng tạo và tìm hiểu. Do đó, không có cách chơi nào là đúng hay sai. Vui chơi là một cách an toàn để trẻ thử thách bản thân và giúp trẻ phát triển các kỹ năng.  KTV HĐTL cần phải giữ bản chất của trò chơi và tính vui chơi trong khi trị liệu. 

PHÁT TRIỂN VUI CHƠI CỦA TRẺ KHUYẾT TẬT

Trình tự phát triển vui chơi bình thường để thường bị chậm lại ở những trẻ khuyết tật. Đây có thể là kết quả của hạn chế về thể chất, nhận thức hoặc kỹ năng cảm xúc – xã hội. Ví dụ, một đứa trẻ không thể đưa tay lên miệng gặp khó khăn trong việc khám phá môi trường. Trẻ không thể trải nghiệm các cảm giác theo cách thông thường thường cần được can thiệp để tham gia vào các cơ hội vui chơi, giúp kích thích sự tăng trưởng và phát triển của chúng. Nếu trẻ không có những cơ hội này, chúng có thể thể hiện về kỹ năng chơi kém. Thay đổi hoặc điều chỉnh môi trường (chẳng hạn như điều chỉnh sân chơi để xe lăn có thể tiếp cận) giúp trẻ em có nhu cầu đặc biệt trải nghiệm trò chơi.

Trẻ khuyết tật có thể mất nhiều thời gian hơn để phản hồi, phản hồi ít rõ ràng hơn, ít bắt đầu các hoạt động hơn và ít tương tác hơn những trẻ khác. Các em thường thụ động khi chơi.

  • Trẻ chậm phát triển trí tuệ thể hiện khả năng chơi và ngôn ngữ hạn chế, giảm khả năng chú ý và ít tương tác xã hội hơn trong khi chơi. Trẻ khiếm thị ít quan tâm đến việc khám phá và tham gia vào các hoạt động trao đổi xã hội trong khi chơi. Trẻ khiếm thính thể hiện lối chơi ít mang tính tượng trưng và ít có tổ chức hơn.
  • Trẻ em bị khuyết tật về phát triển và thể chất thường gặp khó khăn khi chơi. Các em không có các kỹ năng chơi giống như các bạn đồng trang lứa đang phát triển bình thường và do đó không được tiếp xúc với các cơ hội chơi giống nhau. Những rào cản này có liên quan đến sự suy giảm trong các lĩnh vực phát triển khác của trẻ như xã hội và cảm xúc, lời nói, vận động thô, sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề.

Trẻ khuyết tật thường được can thiệp theo các khuyết tật đã được chẩn đoán và các triệu chứng biểu hiện; tuy nhiên, điều không may là hầu hết các biện pháp can thiệp ít dựa trên trò chơi.

  • Trẻ em mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) thường gặp khó khăn khi tham gia vào trò chơi hợp tác. Trẻ có xu hướng chơi trong thời gian ngắn hơn, thường xuyên thay đổi hoạt động chơi và gặp khó khăn khi quay lại hoạt động sau khi bị gián đoạn. Trong môi trường chơi được tổ chức, trẻ bị ADHD thường gặp khó khăn khi chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác và thể hiện nhiều hành vi chơi tiêu cực hơn (chẳng hạn như phá rối và vi phạm các quy tắc chơi đã thiết lập). KTV KTV HĐTL nên sử dụng tiếp cận lấy khách hàng làm trung tâm để thiết kế các biện pháp can thiệp cho trẻ ADHD, tập trung vào việc cải thiện các kỹ năng xã hội của trẻ và giảm xu hướng gây rối và thống trị.
  • Trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ thể hiện sự thiếu hụt về khả năng giao tiếp, tương tác xã hội, phạm vi các sở thích và hoạt động. Chúng có thể thể hiện hạn chế khả năng giao tiếp xã hội và trí tưởng tượng, làm cản trở việc vui chơi. Các trẻ này có xu hướng thích chơi một mình hơn và khi ở trong nhóm, chúng thường gặp khó khăn trong việc phát hiện và hiểu ý nghĩa của các tín hiệu xã hội bằng lời nói và phi ngôn ngữ mà những đứa trẻ khác thể hiện. Để thúc đẩy chơi thành công, KTV HĐTL cần cố gắng tạo ra các biện pháp can thiệp vừa hấp dẫn vừa tạo động lực cho trẻ.
  • Trẻ em mắc chứng rối loạn xử lý cảm giác (sensory processing disorder, SPD) và những trẻ mắc chứng rối loạn điều hợp phát triển (Developmental co-ordination disorder, DCD) có thể gặp khó khăn khi chơi và vui đùa. Những trẻ này có thể hưởng lợi từ các thay đổi môi trường vui chơi và tập trung về khả năng chơi của trẻ. SPD thường cản trở khả năng tương tác với mọi người và đồ vật trong môi trường của trẻ do điều hoà phản ứng kém nhiều đầu vào (hoặc các đầu vào cảm giác). Trẻ em bị DCD bị chậm vận động thô. Hơn nữa, một khi đã thành thạo các nhiệm vụ, trẻ lặp đi lặp lại các nhiệm vụ với ít thay đổi và thể hiện ít linh hoạt trong các mẫu vận động. Sự kém linh hoạt, điều hợp này khiến trẻ ít quan tâm đến chơi và tham gia vào các nhóm chơi. Sửa đổi môi trường của trẻ để kích thích sự hứng thú và gia tăng sự tự tin có thể thúc đẩy sự mở rộng về kỹ năng chơi xã hội. Cải thiện các kỹ năng xã hội và sự tự tin thông qua chơi có thể dẫn đến sự phát triển trong các lĩnh vực khác trong cuộc sống của trẻ và kinh nghiệm học tập.
  • Trẻ bại não (CP) có biểu hiện suy giảm khả năng kiểm soát tư thế và đi lại chức năng, có thể kèm với rối loạn chức năng cảm xúc và hành vi. CP ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất và nhận thức, bao gồm các kỹ năng giao tiếp. Những khiếm khuyết về chức năng này có thể tạo ra những rào cản đáng kể đối với sự phát triển khả năng vui chơi của trẻ. Thích nghi với trò chơi bằng cách điều chỉnh môi trường chơi bằng cách giảm các rào cản vật lý giúp tăng vui chơi ở trẻ CP. Cải thiện giao tiếp với cha mẹ và bạn bè cũng có thể ảnh hưởng tích cực đến tính vui chơi ở trẻ bại não.

Trẻ em có nhu cầu đặc biệt có thể cần hỗ trợ thêm để chơi. KTV HĐTL có kiến thức về các khả năng của trẻ có nhu cầu đặc biệt và do đó có vai trò quan trọng để thúc đẩy chơi và tính vui chơi. Ví dụ, KTV HĐTL có thể tăng tính tự phát ở trẻ em bằng cách cho phép chúng khám phá các vật liệu chơi đã bị giấu hoặc đặt trong tầm với. KTV HĐTL xác định điểm mạnh và điểm yếu của trẻ cũng như của gia đình để thiết kế các biện pháp can thiệp hiệu quả. Tận dụng điểm mạnh làm tăng sự thành công của trị liệu và tạo điều kiện phát triển các kỹ năng chơi nâng cao.

KINH NGHIỆM LÂM SÀNG

Trẻ em chơi ở các tư thế khác nhau. KTV HĐTL cần đảm bảo rằng trẻ em có nhu cầu đặc biệt dành thời gian ở nhiều tư thế, chẳng hạn như tư thế nằm ngửa, bốn chân, ngồi, quỳ và đứng. Thời gian chơi không phải là thời gian để đặt tư thế. Trẻ cần được tự do sử dụng cánh tay và bàn tay của mình và cảm thấy an toàn.

ẢNH HƯỞNG CỦA MÔI TRƯỜNG LÊN CHƠI ĐÙA

Môi trường diễn ra chơi ảnh hưởng đến hoạt động chơi của trẻ. Mỗi trẻ có phong cách chơi của riêng mình, được định hình bởi độ tuổi, giới tính, kinh nghiệm, gia đình và môi trường. Tham gia chơi tùy thuộc vào cảm giác an toàn, tự tin và sở thích của trẻ. Do đó, môi trường của trẻ có thể thúc đẩy hoặc hạn chế hoạt động vui chơi. 

Hiện nay, nhiều trường học ít dành thời gian cho giờ chơi ngoài trời và không có dụng cụ ở sân chơi. Trước đây, trẻ em thường chơi ngoài trời ở những khu vực nhiều cây cối hoặc những cánh đồng trống và hầu hết không chơi với đồ chơi làm sẵn hoặc dành thời gian xem các thiết bị điện tử, vốn thúc đẩy các tương tác xã hội, trò chơi giàu trí tưởng tượng, tính sáng tạo và hoạt động thể chất. Có thể những lo ngại của cha mẹ về sự an toàn đã làm giảm cơ hội cho trẻ chơi theo những cách giàu trí tưởng tượng và sáng tạo. Trẻ thường chơi trên sân chơi — môi trường chơi với dụng cụ chơi cố định (cầu trượt, xích đu, v.v.) không cho phép chúng chơi tưởng tượng và thao tác sáng tạo. Đối với trẻ khuyết tật về thể chất, sân chơi có thể tạo ra một rào cản đối với chơi hợp tác với các bạn đồng trang lứa phát triển bình thường.

Điều quan trọng đối với KTV KTV HĐTL là phải xem xét môi trường của trẻ khi đánh giá hoạt động vui chơi. Các mô hình như Mô hình Hoạt động của Con người (MOHO) và Con người–Môi trường– Hoạt động (PEO) xem xét môi trường vật chất hoặc xã hội hỗ trợ hoặc cản trở hoạt động chơi của trẻ hay không. Các biện pháp can thiệp tập trung vào việc thay đổi hoặc điều chỉnh các yếu tố môi trường có thể hữu ích trong việc thúc đẩy các kỹ năng chơi.

XEM TIẾP: CHƠI VÀ VUI ĐÙA. PHẦN 2. Ý NGHĨA CỦA CHƠI TRONG HOẠT ĐỘNG TRỊ LIỆU
Minh Dat Rehab. Lược dịch từ: 
Pediatric Skills for Occupational Therapy Assistants. 4th edition. Elservier. 2016. 
Có sửa đổi, bổ sung.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này