TẠI SAO VẮC-XIN COVID-19 MRNA KHÔNG ĐOẠT GIẢI NOBEL NĂM NAY?

Cập nhật lần cuối vào 15/10/2023

Theo nguyên tắc của giải Nobel, chúng ta phải đợi tới năm 2071 mới có thể biết liệu vắc-xin mRNA có được đề cử cho giải thưởng năm 2021 hay không.

Vậy là mùa giải Nobel năm 2021 đã kết thúc với không một chiến thắng nào dành cho vắc-xin COVID-19. Trước đó, nhiều người đã hi vọng Katalin Karikó và Drew Weissman, hai nhà khoa học phát triển công nghệ mRNA sẽ giành được giải Nobel Y học năm 2021, hoặc chí ít cũng là giải Nobel hoá học vì họ đã có công tìm ra cách ổn định những phân tử mRNA ngoại lai nổi tiếng là khó bền vững trước hệ miễn dịch cơ thể người.

Ngay tại thời điểm này, công nghệ mRNA không chỉ chứng minh được đóng góp to lớn của nó vào việc kết thúc đại dịch COVID-19. Trong tương lai, nó còn có thể được sử dụng để tạo ra những thế hệ thuốc và vắc-xin hoàn toàn mới, giúp chúng ta chống lại không chỉ các căn bệnh truyền nhiễm như cúm, Ebola, HIV mà còn cả các bệnh không truyền nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư và các căn bệnh di truyền hiếm gặp.

Vậy điều gì đã ngăn cản vắc-xin mRNA tới với một giải Nobel ngay năm nay?

Theo nguyên tắc, các đề cử của giải Nobel sẽ chỉ được tiết lộ sau 50 năm tính từ ngày được đề cử.

“Những người đứng sau giải Nobel đã có cơ hội làm được điều gì đó với các giải thưởng năm nay để trực tiếp hỗ trợ cho các nỗ lực y tế trên toàn cầu trong một trận đại dịch 100 năm mới có một lần. Nhưng họ đã chọn không làm gì cả“, nhà sinh học tế bào Alexey Merz tại Đại học Washington cho biết. “Đây rõ ràng là một thiếu sót mà ai cũng có thể nhận thấy. Và quyết định đó có thể phải đánh đổi bằng rất nhiều mạng sống”.

Mục lục

Được đề cử quá muộn?

Đó là những gì mà các nhà khoa học có thể đoán được qua lời giải thích của Göran Hansson, tổng thư ký Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển ở Stockholm, nơi chọn ra những người đoạt giải Nobel.

“Sự phát triển của vắc-xin mRNA là một câu chuyện thành công tuyệt vời đã mang lại những tác động tích cực và to lớn đối với nhân loại. Tất cả chúng tôi đều rất biết ơn các nhà khoa học đứng đằng sau phát minh đó“, Göran Hansson nói. “Đây là một trong những khám phá sẽ nhận được đề cử. Nhưng chúng ta cần phải có thời gian”.

Theo nguyên tắc, các đề cử của giải Nobel sẽ chỉ được tiết lộ sau 50 năm tính từ ngày được đề cử. Điều đó nghĩa là chúng ta phải đợi tới năm 2071 mới có thể biết liệu vắc-xin mRNA có thực sự được đề cử trong mùa Nobel 2021 hay không?

Nhưng theo phỏng đoán của nhiều nhà khoa học, có thể Katalin Karikó và Drew Weissman đã được đề cử khá muộn. Thông thường, các đề cử người đoạt giải Nobel phải được gửi về ủy ban ở Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trước ngày 1 tháng Hai hàng năm.

Hansson lưu ý rằng đó là thời điểm chỉ hơn 2 tháng sau khi vắc-xin mRNA đầu tiên và một số vắc-xin COVID-19 khác chứng tỏ được sức mạnh của chúng qua các thử nghiệm lâm sàng. Thậm chí, chưa ai có thể đánh giá được liệu chúng có tác động tích cực đối với đại dịch hay không.

Ngay tại thời điểm này, chúng tôi thậm chí vẫn còn đang phải theo dõi thêm”, Hansson nói.

Trung bình phải mất tới 30 năm kể từ ngày một khám phá được thực hiện cho tới khi tác giả của nó nhận được giải Nobel.

Lịch sử dường như cũng không ủng hộ một giải Nobel được trao quá sớm. Nhà vật lý học Santo Fortunato, giám đốc của Viện Nghiên cứu Mạng lưới Khoa học thuộc Đại học Indiana cho biết: Thông thường, khoảng thời gian trung bình mà một khám phá chờ đến ngày nó đoạt giải Nobel là 30 năm.

Vắc-xin mRNA là một ý tưởng ra đời từ những năm 1990. Tuy nhiên, những khám phá quan trọng nhất của Katalin Karikó và Drew Weissman giúp hiện thực hóa ý tưởng đó mới chỉ được thực hiện vào đầu những năm 2000. Nghĩa là nếu tính trung bình, chúng ta phải đợi 10 năm nữa thì khám phá về mRNA mới nhận được giải Nobel.

Đó là khoảng thời gian đủ để công nghệ này chứng minh được hiệu quả và những tác động tích cực của nó với nhân loại. Kỳ vọng Nobel của vắc-xin mRNA hiện nay chủ yếu chỉ đến từ đóng góp của nó vào đại dịch COVID-19 nói riêng.

Hội đồng Nobel thường muốn trao giải cho những người thực hiện các nghiên cứu cơ bản có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề khác nhau, chứ không phải chỉ một vấn đề“, một nhà khoa học tính toán Brian Uzzi tại Đại học Northwestern cho biết.

“Ủy ban vì vậy có thể đang chờ đợi để đánh giá các tác động của công nghệ vắc-xin mRNA với cả các bệnh nhiễm trùng khác- chẳng hạn như những căn bệnh do các chủng virus corona khác gây ra”.

Mặc dù vậy, Fortunato nói rằng không phải chưa từng có ngoại lệ về một giải Nobel được trao rất sớm cho những khám phá mang tính đột phá. Chẳng hạn như giải Nobel Vật lý năm 2017 được trao cho các nhà khoa học phát hiện ra sự tồn tại thực sự của sóng hấp dẫn.

Nghiên cứu của họ được công bố vào tháng 2 năm 2016, hơn một năm trước khi nhận giải Nobel. Nhưng đó là lời xác nhận cho một phỏng đoán đã tồn tại hơn 100 năm trước của Albert Einstein. Phải mất hơn một thế kỷ, các nhà khoa học mới phát triển được những cỗ máy đo được sóng hấp dẫn một cách trực tiếp.

Hi vọng vào mùa Nobel năm sau

Đối với vắc-xin COVID-19, Fortunato cho biết ông không ngạc nhiên khi các nhà khoa học phát triển chúng chưa nhận được giải Nobel trong năm 2021. Nhưng ông chắc chắn, khám phá về mRNA của Katalin Karikó và Drew Weissman sẽ nhận được một giải Nobel bởi đó là một công trình thực sự xứng đáng.

Ngay trước khi mùa Nobel năm 2021 bắt đầu, những người phát triển vắc-xin COVID-19 mRNA đã nhận được Giải thưởng Đột phá (Breakthrough Prize) trị giá hơn 3 triệu USD. Và cũng chính bộ đôi Katalin Karikó và Drew Weissman đã được xướng tên trong giải thưởng hàng năm của Quỹ Lasker, một giải được nhiều nhà khoa học coi là nơi dự đoán những người sẽ đoạt giải Nobel.

Sự chậm trễ của giải Nobel được Uzzi cho là vì ủy ban của giải thưởng này có xu hướng chú trọng đến các nghiên cứu vượt qua được thử thách về mặt thời gian, hơn là các nghiên cứu mới nhất.

Drew Weissman và Katalin Karikó, hai nhà khoa học được mong đợi sẽ nhận được giải Nobel vì đóng góp của họ vào sự phát triển của vắc-xin mRNA.

Ngoài ra, các nhà khoa học cho biết nếu vắc-xin mRNA được chọn để trao giải, ủy ban Nobel cũng sẽ cần phải đưa ra một quyết định khó khăn về việc ai sẽ xứng đáng nhận giải thưởng đó.

Katalin Karikó và Drew Weissman là những người giải được nút thắt của việc phân phối mRNA vào cơ thể người, nhưng ý tưởng biến nó thành một loại vắc-xin đã được nhiều nhà khoa học đưa ra và đặt nền móng nghiên cứu trước đó hàng chục năm.

Ngay cả vậy, chúng ta vẫn chưa rõ ràng người xứng đáng với giải Nobel này là ai”, Uzzi nói. Đồng ý với ông là Arturo Casadevall, một nhà vi sinh vật học tại Trường Y tế Công cộng John Hopkins:

“Tôi nghĩ rằng vắc-xin mRNA rõ ràng là một ứng cử viên cho giải thưởng Nobel, đồng ý rằng sự phát triển của vắc-xin này có nguồn gốc sâu xa từ một số lĩnh vực. Tôi có thể tưởng tượng ủy ban sẽ phải dành rất nhiều thời gian để tìm ra những đóng góp nào đáng được ghi nhận vì có rất nhiều nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực có công trong việc tạo ra vắc-xin mRNA”.

Về phần mình, đại diện ủy ban Nobel ở Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, Stockholm cho biết họ cần có thời gian để làm tất cả những công việc khó khăn này. “Chúng tôi muốn trao giải thưởng cho những người phù hợp nhất, với những khám phá đúng đắn nhất”, Hansson nói. “Vậy nên, chúng tôi rất mong mọi người có thể kiên nhẫn chờ đợi trong giây lát”.

THEO PHÁP LUẬT & BẠN ĐỌC

Tham khảo Nature

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này