GIẢI PHẪU CHỨC NĂNG PHỨC HỢP VAI. XƯƠNG VÀ KHỚP

Cập nhật lần cuối vào 28/03/2023

  • Chức năng chính của vai là đặt cánh tay và đặc biệt là bàn tay trong một tư thế chức năng để có thể hoạt động xử lý đồ vật.

Một số đặc điểm lưu ý của phức hợp vai (shoulder complex):

  • Tầm vận động khớp vai lớn
  • Khớp được làm vững bởi các dây chằng và hoạt động cơ
  • Vận động của tay đi kèm với vận động của xương bả vai và của xương đòn
  • Nhịp bả vai-cánh tay : Mối liên hệ vận động giữa xương cánh tay và xương bả vai trong động tác đưa tay lên trên

Mục lục

XƯƠNG

  • Đai vai: Một vòng xương không hoàn toàn ở chi trên được tạo thành bởi hai xương bả vai và  hai xương đòn, xương ức
  • Xương đòn: Hình chữ S khớp với Xương bả vai và xương ức
  • Xương bả vai: Là xương dẹt, hình tam giác ở phần ngực sau trên
  • Đầu trên xương cánh tay: nối với xương bả vai

CÁC KHỚP CỦA PHỨC HỢP VAI

Hình: Các khớp của Phức hợp vai

Khớp ức-đòn:

  • Khớp giữa xương ức và xương đòn;
  • Là một khớp trượt hoạt dịch có đĩa sụn-xơ.
  • Di chuyển 3 mặt phẳng ( 3 độ tự do): Lên trên (nâng)- xuống dưới (hạ) , tầm vận động từ  30° đến 40°; Ra trước (protraction)- ra sau (retraction) ở mặt phẳng ngang, tầm vận động  khoảng 30° đến 35° trong mỗi hướng. Xương đòn có thể xoay ra trước và ra sau dọc theo trục dọc của nó xấp xỉ 40° đến 50°

Khớp cùng vai-đòn:

  • Khớp giữa mỏm cùng vai của xương bả vai và đầu ngoài của xương đòn;
  • Là một khớp trượt hoạt dịch nhỏ, thường có đĩa sụn –xơ
  • Chịu lực ép vì là nơi xảy ra vận động giữa xương bả vai lên xương đòn
  • Yếu tố làm vững: Bao khớp, Các dây chằng cùng vai – đòn, dây chằng quạ-đòn
Hình: Các dây chằng của khớp cùng vai-đòn (AC joint)

Khớp bả vai-lồng ngực:

  • Là một khớp sinh lý giữa bả vai và lồng ngực sau: xương bả vai nằm trên hai cơ: răng trước  (serratus anterior) và cơ dưới vai (subscapularis), bên dưới hai cơ này là thành ngực
  • Hai chức năng chính của xương bả vai:
    • Khớp bả vai -lồng ngực làm tăng vận động của xương cánh tay so với lồng ngực (nhịp bả vai-cánh tay) trong các động tác đưa tay lên trên; tạo thuận vận động quanh khớp ức đòn và cùng vai đòn.
    • Là điểm bám của các cơ, tạo vận động ở khớp vai
  • Vận động xương bả vai phụ thuộc vào vận động ở khớp ức đòn và khớp cùng vai đòn. Vận động xương bả vai có thể xảy ra ở ba hướng
    • Lên trên (nâng)- xuống dưới (hạ). TVĐ khoảng 30°.
    • Ra trước và ra sau 30°- 50°.
    • Xoay ra ngoài (xoay lên) và xoay vào trong (xoay xuống dưới). TVĐ khoảng 60°.
Hình: Tư thế nghỉ của xương bả vai lên thành ngực (từ đốt sốn sống ngực T2-T7)
Hình: Các vận động của xương bả vai trên thành ngực (Nâng/Hạ; Ra trước/Ra sau; Xoay lên trên/Xoay xuống dưới và nghiêng bả vai)

Khớp ổ chảo-cánh tay:

  • Khớp giữa đầu trên xương cánh tay và hố ổ chảo của xương bả vai.
  • Là một khớp ổ-cầu có tầm vận động lớn nhất trong cơ thể.
  • Các yếu tố làm vững:
    • Tĩnh (static): ổ chảo, sụn viền ổ chảo, bao khớp (lỏng lẻo), dây chằng,
    • Động (dynamic): các cơ, đặc biệt là cơ chụp xoay (rotator cuff). Các thành phần của chụp xoay bao gồm cơ dưới vai, cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ tròn bé giúp giữ vững khớp ổ chảo-cánh tay
Hình: Sụn viền ổ chảo (labrum) nhìn từ phía bên. Dây chằng quạ-mỏm cùng vai tạo một mái trên khớp ổ chảo-cánh tay. Lưu ý đầu dài gân cơ nhị đầu nguyên uỷ ở củ trên ổ chảo
Hình: Bao khớp vai và các dây chằng.

Do các cơ co theo một mẫu kết hợp tạo lên lực ép đầu xương cánh tay vào khoang ổ chảo.

  • Các cơ sau chụp xoay (dưới gai, tròn bé) làm vững phía sau
  • Cơ dưới vai làm vững phía trước
  • Đầu dài gân nhị đầu ngăn chỏm xương cánh tay di lệch lên trên và ra trước
  • Cơ trên gai giữ cho xương cánh tay khỏi đi xuống
  • Cơ delta và các cơ bả vai-lồng ngực khác giữ xương bả vai để giữ vững khớp ổ chảo-cánh tay.

Khoảng dưới mỏm cùng vai:

  • có bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai
image14
Hình: Túi thanh dịch dưới mỏm cùng vai, cơ trên gai và đầu dài gân cơ nhị đầu nằm trong khoảng dưới mỏm cùng vai

XEM VIDEO ÔN GIẢI PHẪU XƯƠNG KHỚP VÙNG VAI:

ĐẶC ĐIỂM VẬN ĐỘNG CỦA PHỨC HỢP VAI

Gấp – duỗi

Gấp 165°-180°, duỗi 30° -60°. Tầm vận động gấp có thể bị hạn chế khi xoay ngoài (nếu xoay ngoài tối đa tay chỉ gập được 30°).

Dạng – Khép

Dạng: 150° đến 180°. Tầm vận động dạng bị hạn chế nếu đồng thời xoay trong (nếu xoay trong tối đa, dạng chỉ khoảng 60°).

Khép 75° qua bên kia thân. (Động tác dạng lớn hơn khi xoay ngoài> trung tính> xoay trong).

Xoay trong- Xoay ngoài

từ 60° đến 90° mỗi động tác (tổng cộng từ 120° đến 180°). Xoay bị hạn chế khi dạng tay (tư thế giải phẫu, tay xoay 180°, nhưng khi dạng 90° thì tay chỉ xoay được 90°).

Khép ngang – Dạng ngang

Gấp (khép) ngang 135° và duỗi (dạng) ngang 45°.

Scaption:

Dạng ở mặt phẳng xương bả vai. (Nếu ngón cái hướng lên trên gọi là full can: cốc đầy, nếu ngón cái hướng xuống dưới (xoay trong) gọi là empty can: cốc rỗng).

Hình: Các vận động của phức hợp vai

Xem tiếp phần 2: Giải phẫu chức năng phức hợp vai: cơ và hoạt động cơ

Liên hệ X quang:

Vai góc nhìn xoay trong
Vai góc nhìn xoay ngoài
  • A = Acromion: Mỏm cùng vai
  • C = Clavicle: Xương đòn
  • Co = Coracoid process: Mỏm quạ
  • D = Acromioclavicular joint: Khớp cùng vai-đòn
  • G = Glenoid: Ổ chảo
  • Gr = Greater tubercle of the humerus: Củ lớn
  • H = Humerus: Xương cánh tay
  • S = Scapula: Xương bả vai
Hình ảnh MRI. * = cơ chụp xoay

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

10 bình luận về “GIẢI PHẪU CHỨC NĂNG PHỨC HỢP VAI. XƯƠNG VÀ KHỚP”

  1. Chào thầy, em là cựu sinh viên Y Dược Huế. Hồi năm 5 xem thầy khám 1 ca chấn thương tủy sống mà em yêu thích và theo PHCN đến giờ. Hiện cũng gần được 3 năm trong nghề rồi ạ. Vậy mà giờ em mới biết trang này là của thầy. Các bài viết đều rất hay và cụ thể, được dịch và tổng hợp từ nhiều nguồn sách. Cám ơn thầy vì đã nỗ lực xây dựng được 1 trang web hay như vậy.
    Em xin góp ý chút là để thêm mục tài liệu tham khảo dưới mỗi bài ạ, em thấy bài có bài không. Xin cảm ơn thầy.

    Trả lời
    • Chào em,
      Em mới ra trưởng 3 năm mà giờ mới biết trang của thầy, thì có lẽ trang này ít được biết đến, đặc biệt là sv y Huế.
      Còn về tham khảo thì thầy ko thích đưa vào, vì ko muốn formal. Ai thích thì đọc , ko thích thì thôi.
      Có nhiều trang copy nguyên văn bài thầy, mà lại chẳng ghi tham khảo phcn online!

      Trả lời
  2. Mình đang quan tâm tới tương tác của vận động từ khớp lưng – vai qua cánh tay tới bàn tay. Rất mong một ngày được đọc phần giải phẫu vận động tổng hợp đó. Chân thành cảm ơn

    Trả lời
  3. Em đang tìm hiểu về vùng tay, những bài viết của anh đã giúp em rất nhiều. Nếu có thể em mong muốn những bài viết sau này đầu tư thêm về phần hình ảnh giúp cho việc tiếp cận dễ dàng hơn. Cảm ơn anh rất nhiều

    Trả lời
    • Cám ơn bạn đã quan tâm đến trang blog minhdatrehab. Hy vọng có thời gian mình sẽ bổ sung thêm nhiều chủ đề mới!
      Về câu hỏi của ban, thang điểm DASH được thiết kế để giúp mô tả tình trạng khuyết tật của các bệnh nhân có bệnh lý ở chi trên và theo dõi sự thay đổi về triệu chứng và chức năng theo thời gian. Thang điểm DASH không thể nói được là tổng điểm này đại diện cho một mức khuyết tật nhẹ, vừa hoặc nặng hoặc khẳng định một cách chủ quan là một bệnh nhân có thể làm việc được hay không, nhưng nghiên cứu gần đây trên những người trả lời thấy rằng một thang điểm DASH từ 0-29 được người trả lời xem là “không xem bệnh lý ở chi trên là một vấn đề nữa”.

      https://academic.oup.com/occmed/article/64/1/67/1413534
      Một điều nữa là thang điểm QuickDASH được cho là hơn DASH và có thể ưa dùng hơn vì ngắn hơn. Thay đổi tối thiểu có thể phát hiện được Minimal Detectable Change (MDC) của DASH là 12.75% – 17.23% và của QuichDASH là 11.2%. sự khác biệt tối tiểu có ý nghĩa về lâm sàng Minimal Clinical Important Difference (MCID) của QuickDASH là 8%.

      Trả lời
      • Anh có thể viết tiếp 1 bài về các Test khám, cơ chế sinh cơ học của từng tét cho Khớp vai được không ạ. Rất mong đợi sẽ được đọc bài viết đó gần đây nhất. Em cảm ơn những chia sẻ kiến thức trên trang của Anh rất nhiều ^^

        Trả lời

Leave a Reply to MinhdatRehabCancel reply

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này