Cập nhật lần cuối vào 14/10/2023
MỤC TIÊU HỌC TẬP
Người đọc sẽ có thể:
1. Xác định lý do tại sao một bệnh nhân có thể bị đau vùng trước đùi sau khi phẫu thuật thay khớp háng toàn phần.
2. Thảo luận về trình tự thăm khám để giúp xác định nguồn gốc gây đau ở bệnh nhân đã được thay khớp háng toàn phần.
3. Lập đề xuất cho tình trạng bệnh nhân sau phẫu thuật thay khớp háng toàn phần bị chênh lệch chiều dài chân.
Mục lục
Đánh giá
BỆNH SỬ
Bệnh nhân nam, 67 tuổi yêu cầu được khám vật lý trị liệu 6 tháng sau phẫu thuật thay khớp háng toàn phần bên phải. Ông cho biết rằng ông tiếp tục bị đau chân, chủ yếu ở vùng trước giữa đùi. Theo lời bệnh nhân, ông đã được tập vật lý trị liệu tích cực sau phẫu thuật tại một trung tâm phục hồi chức năng trong 1 tháng. Trung tâm đó đã cung cấp ông một chương trình tại nhà rất tốt, và ông tiếp tục thực hiện mà không gặp khó khăn gì. Với sự chấp thuận của bác sĩ, bệnh nhân tăng tiến sang tập thể dục ba lần một tuần tại một trung tâm thể hình ở địa phương.
Trong lúc thăm khám, bệnh nhân đi lại mà không cần dụng cụ trợ giúp nhưng có biểu hiện khập khiễng nhẹ ở chân phải. Bệnh nhân cho biết rằng đau tăng lên khi đi lại nhiều và càng đi lại thì khập khiễng càng nặng hơn. Tầm vận động chủ động và thụ động khớp háng tốt. Cơ lực chân phải không bằng ở chân trái, nhưng không có dấu hiệu Trendelenburg để tạo dáng đi khập khiễng ở bệnh nhân. Bệnh nhân chỉ bị đau nhẹ khi sờ vào háng và đùi bên phải. Bệnh nhân không bị đau thắt lưng, khớp gối và cổ chân có tầm vận động bình thường không đau. Khi kết thúc thăm khám, bệnh nhân tỏ vẻ thất vọng và hỏi, “Tôi sắp khám lại với bác sĩ vào tuần tới. Có điều gì hữu ích cho tôi trình bày với bác sĩ để giải quyết vấn đề này hay không? “
Bệnh nhân tích cực tham gia một số hoạt động giải trí ngoài trời, và thích cắm trại, đi bộ đường dài và bơi lội. Năm năm trước, ông được mổ kết hợp xương cột sống thắt lưng L5-S1. Ông đã hoàn thành 6 tuần vật lý trị liệu sau ca phẫu thuật cột sống thắt lưng. Ông khai rằng ông có uống một ít bia rượu mỗi ngày, thường là vào bữa tối. Ông không bị phẫu thuật quan trọng nào khác, và lần khám sức khỏe cuối cùng, trước khi phẫu thuật, ông được “chứng nhận sức khỏe tốt”.
ĐÁNH GIÁ CÁC HỆ THỐNG
Bệnh nhân không có vấn đề về tim mạch hoặc hô hấp. Huyết áp của ông đã được kiểm soát bằng thuốc và trong giới hạn bình thường. Cảm giác toàn thân bình thường.
CÁC TEST VÀ ĐO LƯỜNG
Xét nghiệm máu sau phẫu thuật được thực hiện gần đây do bác sĩ chỉ định cho thấy tất cả các giá trị đều trong giới hạn bình thường. Phiếu đọc chụp X quang sau phẫu thuật cho thấy khớp giả ở vị trí tốt. Bệnh nhân không có bệnh sử bị trật khớp háng.
Một lĩnh vực khám khác được kỹ thuật viên xem xét là gì?
Đau vẫn tiếp tục ở chân bệnh và không có khả năng là do gãy xương; do đó kỹ thuật viên đã khám bệnh nhân để xem có thể có sự chênh lệch về chiều dài chân hay không. Trong trường hợp này, bệnh nhân có sự chênh lệch khoảng 1⁄2 inch (12,7 mm), với chân bên phải ngắn hơn chân bên trái. Khi được hỏi, bệnh nhân trả lời rằng ông không biết rằng có sự khác biệt về chiều dài như vậy. Người kỹ thuật viên đã thực hiện can thiệp trước đây dường như đã không thông báo cho bệnh nhân về sự khác biệt chiều dài chân này.
Chẩn đoán
Mẫu Thực hành của Kỹ thuật viên Vật lý trị liệu 4H: Khiếm khuyết Vận động khớp, Chức năng vận động, Khả năng hoạt động của Cơ và Tầm vận động liên quan đến phẫu thuật thay khớp.
Can thiệp
Nếu có sự chênh lệch về chiều dài chân thực sự, kỹ thuật viên có thể đề nghị bệnh nhân sử dụng một miếng nâng hoặc lót trong giày để điều chỉnh vấn đề này. Một khi dụng cụ vừa vặn, hiếm khi cần phải điều trị bổ sung.
Kỹ thuật viên đã khuyến nghị gì với bác sĩ phẫu thuật của bệnh nhân?
Kết quả
Bất chấp những nỗ lực của các bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình để đảm bảo chiều dài chân bằng nhau, việc có được chiều dài chân bằng nhau đôi lúc gặp khó khăn. Các bác sĩ phẫu thuật thường thông báo cho bệnh nhân của mình họ sẽ cố gắng hết mức để đảm bảo chiều dài hai chân bằng nhau, tuy nhiên điều này cũng có thể thực hiện sau khi phẫu thuật nếu có sự chênh lệch. Nhiều bác sĩ phẫu thuật chỉ lượng giá sự chênh lệch chiều dài chân sau khi bệnh nhân đi lại được vài tuần. Lý do mà các bác sĩ phẫu thuật trì hoãn là một sự khác biệt nhỏ về chiều dài chân có thể không gây ra vấn đề gì cho bệnh nhân.
Trong trường hợp này, kỹ thuật viên đã gửi một ghi chú đến bác sĩ yêu cầu xem xét cung cấp một miếng đệm lót giày để xem triệu chứng đau khi đi có giảm/mất hay không. Bác sĩ phẫu thuật đồng ý với đề nghị này và bệnh nhân được cung cấp một miếng đệm lót. Trong vòng 2 tuần, bệnh nhân đã hết đau khi đi. Sau đó, bệnh nhân đã chỉnh lại tất cả các đôi giày của mình bằng các miếng đế nâng 1⁄2 inch vĩnh viễn, và không còn gặp khó khăn gì nữa.
Dịch từ:
CLINICAL CASES IN PHYSICAL THERAPY, 2ND EDITION. 2004, Elsevier Science (USA).
Ghi chú của người dịch:
Phần trình bày Đánh giá (Thăm khám và lượng giá) ở ca bệnh này theo nguyên văn không phù hợp với logic thăm khám thông thường: phần bệnh sử lại kèm theo khám bệnh (tầm vận động, cơ lực…) và tiền sử.
Logic thông thường là:
- Hỏi bệnh sử
- Hỏi tiền sử
- Đánh giá các hệ thống/systems review
- Khám bệnh: Nhìn, Sờ, Vận động, các nghiệm pháp và đo lường
- Xem xét kết quả cận lâm sàng
Tuy vậy người dịch vẫn giữ nguyên bản để bạn đọc theo dõi.
Tên bài viết và các hình ảnh là do người dịch bổ sung.
Xin xem thêm các bài viết:
Khám khớp Háng. Phần 1: Các bước cơ bản
Khám khớp Háng. Phần 2: Đo lường và các test đặc biệt
Case này được lựa chọn vì thay khớp háng hiện đã là một phẫu thuật phổ biến ở Việt Nam. Vai trò PHCN không chỉ phục hồi khả năng vận động khớp, cơ … sau phẫu thuật mà còn phát hiện các bất thường, biến chứng khác do phẫu thuật gây ra (như lệch chiều dài chi, lỏng phương tiện…) để có hướng xử trí phù hợp. Các miếng đệm lót như vậy có thể dễ dàng đặt mua ở các trang bán hàng online. Nếu muốn chỉnh chiều cao cố định ở giày dép có thể giới thiệu người bệnh đến các tiệm giày.
CLINICAL CASES IN PHYSICAL THERAPY, 2ND EDITION. 2004, Elsevier Science (USA). p165-166