Cập nhật lần cuối vào 20/06/2023
Khám cột sống cổ đặc biệt quan trọng ở những bệnh nhân bị đau cổ, đau đầu, đau cánh tay, rối loạn chức năng thần kinh ở chi trên hoặc dưới, hoặc rối loạn chức năng ruột và / hoặc bàng quang. Bởi vì tất cả các triệu chứng này có thể xuất phát từ các bệnh lý liên quan đến cột sống cổ, mạch máu cổ, tủy sống hoặc rễ thần kinh, vì thế cần hỏi những câu hỏi liên quan đến các loại triệu chứng này trong khi khai thác bệnh sử. Cần thận trọng loại trừ bệnh lý tủy (dấu hiệu / triệu chứng chèn ép tủy sống). Nếu bệnh nhân than phiền các triệu chứng rễ (đau, thay đổi cảm giác hoặc yếu cơ thuộc phân bố rễ thần kinh), cần cố gắng xác định rễ nào bị ảnh hưởng trong quá trình hỏi và khám bệnh. Cuối cùng, luôn đặt câu hỏi thích hợp (dấu cờ đỏ) để loại trừ khối u hoặc nhiễm trùng (đau ban đêm, sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi hoặc giảm cân không giải thích được).
Các bước khám cơ xương khớp cơ bản bao gồm Nhìn – Sờ – Vận động (Look – Feel and Move)
Xem thêm: Đại cương Thăm khám. Phần 1 Hỏi bệnh
Xem lại:
GIẢI PHẪU CHỨC NĂNG THÂN MÌNH. PHẦN 1: XƯƠNG VÀ KHỚP
GIẢI PHẪU CHỨC NĂNG THÂN MÌNH. PHẦN 2: CƠ VÀ HOẠT ĐỘNG CƠ
Mục lục
NHÌN
Nhìn bệnh nhân ngồi đợi, tư thế đầu, cổ và chi trên. Bệnh nhân cúi đầu ra trước hay nghiêng sang bên? Bệnh nhân dùng tay đỡ đầu hay là đang mang một nẹp cổ? Cánh tay thư giãn cạnh thân hay là được ôm giữ để bảo vệ? Bệnh nhân có thể sử dụng tay hay không? Bệnh nhân có đưa tay ra trước để bắt tay. Quan sát vẻ mặt bệnh nhân để xem mức độ đau.
Quan sát bệnh nhân đứng dậy và ghi chú tư thế. Chú ý tư thế đầu, cột sống cổ và gù ở cột sống ngực. Tư thế của hai vai và đánh tay khi đi.
Nhìn khi đã bộc lộ: tư thế đầu, cổ và lưng trên (sự canh thẳng). Quan sát sự đối xứng của xương (xương đòn, xương ức, xương bả vai), cơ, nếp gấp. Đánh giá sự teo cơ ở vùng vai-tay, các bất thường như sưng, thay đổi màu sắc, các vết mổ, sẹo, …
SỜ
Bắt đầu sờ ở tư thế đứng. Nếu bệnh nhân khó khăn khi đứng, có thể để bệnh nhân ngồi trên ghế quay lưng về phía người khám. Để sờ dễ dàng hơn, có thể đặt ở bệnh nhân ở tư thế thư giãn (nằm sấp nằm nghiêng hoặc nằm ngửa).
Sờ phía sau
Sờ phát hiện sự thay đổi nhiệt độ ở da, sự di lệch, đau, sưng, căng cơ …
Sờ các cấu trúc xương:
Ụ chẩm ngoài (inion), xương chẩm, các mỏm gai, khớp diện nhỏ …
Sờ các cấu trúc Mô mềm:
Sờ các mô mềm dọc cột sống (dây chằng), các cơ cạnh sống và bả vai…
Cơ thang, các cơ dưới chẩm, cơ bán gai cổ và bán gai đầu, dây thần kinh chẩm lớn, dây chằng gáy, cơ nâng vai.
Lưu ý về cơ nâng (bả) vai/levator scapulae: Cơ nâng vai được gắn vào các mỏm ngang của C1 – C4 và bờ trên trong của xương bả vai. Cơ này có thể hoạt động như một cơ nâng bả vai hoặc nghiêng cổ sang bên. Có thể phát hiện căng đau ở chỗ bám của cơ lên bờ trên trong của xương bả vai. Có thể tạo thuận lợi sờ cơ nâng vai bằng cách yêu cầu bệnh nhân xoay sang bên đối diện (làm căng cơ này hơn và chùng cơ thang).
Sờ phía trước
Các cấu trúc xương:
Xương móng/hyoid (ngang mức thân C3-C4), sụn giáp (ngang mức C4-C5), xương ức, xương đòn, khớp ức-đòn, xương sườn…
Các cấu trúc mô mềm:
Cơ ức đòn chũm: Để dễ sờ cơ ức đòn chũm, yêu cầu bệnh nhân nghiêng đầu về phía đang sờ đồng thời xoay mặt sang bên kia. Có thể dùng tay tạo kháng trở ở đầu để cơ co sẽ sờ rõ hơn. Sờ từ dưới bám tận (ức-đòn) dần lên nguyên uỷ.
Cơ ức đòn chũm là bờ trước của tam giác cổ; cơ thang bó trên là bờ sau và xương đòn bờ dưới. Cơ này là một mốc hữu ích để sờ các hạch bạch huyết.
Các cơ bậc thang, chuỗi hạch cổ, mạch cảnh
Các điểm đau lan:
VẬN ĐỘNG
Vận động chủ động
Quan sát bệnh nhân Cúi- Ngửa, Nghiêng phải – Nghiêng trái và Xoay phải- Xoay trái về sự dễ dàng và tầm vận động.
(Nếu vận động không đau ở cuối tầm, có thể ép thêm để “loại trừ” khớp. Hoặc có thể yêu cầu bệnh nhân giữ tư thế 15 giây để xem có tái hiện triệu chứng hay không).
Cúi/Gấp cổ chủ động
Yêu cầu bệnh nhân đưa cằm đến ngực, thường khoảng cách cằm-ngực 2 ngón tay.
Ngửa/Duỗi cổ chủ động
Yêu cầu bệnh nhân nâng cằm và nhìn lên trần. Thường trán và mũi tạo thành một đường ngang.
Nghiêng bên chủ động
Yêu cầu bệnh nhân nghiêng đầu sang bên, đưa tai đến vai (không được nâng vai thay thế). Có thể đo khoảng cách góc hàm- mỏm cùng vai.
Xoay cổ chủ động
Yêu cầu bệnh nhân xoay đầu ở mặt phẳng ngang để đưa cằm đến vai (không xoay thân mình). Xoay cả hai bên. Có thể đo khoảng cách cằm -mỏm cùng vai để so sánh hai bên. .
Cột sống cổ trên
Chìa cằm và Rút cằm (chin tuck, gấp cột sống cổ trên và duỗi cột sống cổ dưới).
Cần kiểm tra thêm Vận động khớp vai và Vận động cột sống ngực
Vận động thụ động
Bài viết chỉ trình bày các vận động sinh lý, không đề cập đến các vận động phụ trợ (trò chơi khớp, joint play).
Khi thực hiện khám vận động thụ động, cần ghi chú sự khác nhau ở khả năng vận động và tầm vận động với vận động chủ động. Đánh giá mức độ đau cuối tầm, cảm giác cuối tầm như chắc, mềm hay cứng. Chú ý nhẹ nhàng với bệnh nhân có tiền sử chấn thương, không thực hiện vận động thụ động cho đến khi đã loại trừ gãy xương hoặc tổn thương dây chằng nặng.
Cúi- Ngửa cổ thụ động
Xoay phải/Xoay trái thụ động
Nghiêng phải/Nghiêng trái thụ động
Vận động có kháng trở:
Gấp cổ có kháng
Cơ ức đòn chũm (chính), cơ bậc thang, cơ nội tại của cổ (phụ).
Duỗi cổ có kháng:
Cơ duỗi chính là cơ thang (bó trên), bán gai đầu, bán gai cổ, và cơ gối cổ (splenius cervicis)
Xoay cổ có kháng:
Cơ ức đòn chũm trái xoay đầu sang phải.
Nghiêng bên có kháng:
Cơ chính là các cơ bậc thang, và các cơ nội tại của cổ hỗ trợ. Nghiêng bên không phải là một vận động đơn thuần mà xảy ra có sự phối hợp với xoay của cột sống cổ.
chào thầy ạ! Em có xem 1 số bài giảng về tầm vận động của giáo viên trường ĐH Y Huế cho SV năm 3 trên youtobe
có ghi tầm vận động cổ như sau:
cúi cổ 45 độ
ngửa 45 độ
nghiêng 45 tới 60
xoay 45 độ
các giới hạn của tầm vận động trên khác với giới hạn trong bài viết đo tầm vận động CS cổ trên đây. cho em hỏi vì sao có sự khác nhau đó vậy ạ?
Chào em.
Cám ơn em đã đọc và phản hồi. Tầm vận động cột sống cổ có thể đo bằng inclinometer (dụng cụ đo góc nghiêng), dễ có số đo chính xác hơn, hoặc goniometer (thước đo góc). Cách đo như phần cuối của bài. Trong tương lai thầy sẽ tách phần đo tầm vận động cột sống thành một bài riêng để dễ theo dõi.
Về số đo, tầm vận động thụ động sẽ cho số đo lớn hơn chủ động. Các số đo trong bài được lấy ở tài liệu chuẩn nên em có thể yên tâm. Tuy nhiên lưu ý là trẻ em lớn hơn người lớn, người già thì tầm độ giảm do thoái hoá, …
Em có thể tham khảo thêm:
– The cervical spine’s range of motion is approximately 80° to 90° of flexion, 70° of extension, 20° to 45° of lateral flexion, and up to 90° of rotation to both sides. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1250253/#:~:text=The%20cervical%20spine's%20range%20of,of%20rotation%20to%20both%20sides.
– Cách đo và số đo: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8075604/