TÂM LÝ HỌC ỨNG DỤNG: CHỌN LỰA NGHỀ NGHIỆP

Hãy nghe bài viết
Getting your Trinity Audio player ready...

Cập nhật lần cuối vào 14/08/2023

Một nghề cho chín

Hơn chín mười nghề.

Tục ngữ

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đồng ý rằng công việc đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống của con người. Tuy nhiên, một điều khá nghịch lý là nhiều người lại chọn nghề nghiệp của cả đời mình theo kiểu may rủi. Một số người giao phó việc chọn nghề của họ cho bố mẹ, một số người khác “chọn đại” việc làm đầu tiên mà họ tìm thấy. Tuy nhiên, cũng có nhiều người chọn nghề tương đối có suy xét, theo một số các giai đoạn và có thể trải dài suốt đời.

Mục lục

TỪ MƠ MỘNG TRỞ VỀ THỰC TẾ

Có nhiều thuyết được các nhà khoa học đưa ra để giải thích quá trình chọn nghề của một cá nhân. Một trong những thuyết đó là thuyết chọn nghề của nhà kinh tế học Eli Ginzberg.

Theo Eli Ginzberg (1951, 1972), giai đoạn đầu tiên trong quá trình chọn nghề là thời kỳ mơ mộng (fantasy). Trong thời kỳ này ( thường kéo dài cho đến 11 tuổi),việc chọn lựa nghề nghiệp chủ yếu dựa vào những mong muốn, ý thích của cá nhân mà không xét đến các khả năng, năng lực, quá trình rèn luyện, hay là những cơ hội làm việc sẵn có của mỗi người. Chẳng hạn, một đứa trẻ có thể ước mơ sau này trở thành một phi công mà không nghĩ đến việc nó hay bị say khi đi tàu xe.

Giai đoạn tiếp theo là thời kỳ ướm thử (tentative), con người bắt đầu chú ý đến các cân nhắc thực tế hơn. Trong thời gian này ( thường từ 11 tuổi đến 18 tuổi), mỗi người bắt đầu nhận thức các khả năng, giá trị, và mục đích riêng của họ có cho phép họ theo đuổi chọn lựa một nghề nghiệp cụ thể nào đó hay không, và họ bắt đầu chọn nghề thử. Mặc dù ban đầu các cá nhân thường đặt nặng vào các ý thích của mình, dần dần họ sẽ so đo chúng với các cơ hội ở môi trường xung quanh, và đánh giá ngày càng chính xác hơn những điểm mạnh cũng như điểm yếu của họ.

Cuối cùng thì cá nhân bước vào giai đoạn thực tế (realistic). Sau một thời gian khám phá, họ thu hẹp các chọn lựa lại, và cuối cùng quyết định ràng buộc với một nghề cụ thể. Giai đoạn thực tế, kéo dài từ giữa tuổi vị thành niên đến tuổi thanh niên, có thể chia thành ba giai đoạn phụ: khám phá, kết tinh và cụ thể hoá. Trong giai đoạn khám phá (exploration), thanh thiếu niên bắt đầu giới hạn sự lựa chọn dựa trên sở thích, kỹ năng và khả năng của cá nhân. Trong giai đoạn kết tinh (crystallization), một sự lựa chọn nghề nghiệp được thực hiện. Tiếp theo là giai đoạn cụ thể hoá (specification) khi đó cá nhân theo học những kiến thức kỹ năng cần thiết để đạt được mục tiêu nghề nghiệp của mình.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã chọn được một nghề nào đó, người ta cũng có thể chỉnh sửa hay thay đổi hoàn toàn các chọn lựa ban đầu. Trên thực tế, quá trình chọn lựa này có thể tiếp tục cho đến suốt cuộc đời. Mặc dù vậy, đa số mọi người thường hoàn tất việc chọn nghề vào tuổi trung niên.

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN LỰA CHỌN NGHỀ NGHIỆP

Chúng ta đã tìm hiểu các giai đoạn mà con người thường trải qua trong quá trình chọn nghề. Một vấn đề nữa đặt ra ở đây là: những yếu tố nào đã ảnh hưởng đến các mối quan tâm và khát vọng nhiều nghiệp của con người?

Một số yếu tố quan trọng có thể kể ra là:

  • Sự khác nhau trong trách nhiệm cuộc sống: Mỗi người phải đảm nhận những trách nhiệm khác nhau ở nhà và ở nơi làm việc. Người đó quyết định và chọn vai diễn tốt nhất có ý nghĩa hơn đối với họ.
  • Đặc điểm cá nhân và sở thích: Mỗi người đều riêng biệt độc nhất theo cách riêng của mình. Vì vậy, mọi khía cạnh của cuộc sống cá nhân đều khác với những người khác. Những người thông minh thường có khát vọng nghề nghiệp cao hơn. Tương tự như thế, những đặc tính về nhân cách, như mức động cơ thành đạt cao cũng liên hệ đến mong muốn nghề nghiệp cao hơn.
  • Gia đình, bạn bè, truyền thống, môi trường: Một trong những yếu tố hết sức quan trọng là những thúc đẩy, khuyến khích của cha mẹ với sự thành đạt của con cái. Cha mẹ càng kỳ vọng nhiều vào sự thành đạt của con cái thì mong ước của những người con càng cao. Tương tự, bạn bè đồng trang lứa cũng có những ảnh hưởng quan trọng đến việc chọn nghề. Các nguyên tắc, truyền thống và địa điểm sống cũng ảnh hưởng đến sự lựa chọn cá nhân cho sở thích công việc. 
  • Hoàn cảnh kinh tế và xã hội, sự ổn định về tài chính: Việc lựa chọn của chúng ta rõ ràng là chịu ảnh hưởng tùy theo hoàn cảnh kinh tế và xã hội. Tiền là một trong những lý do chính khiến một số người thay đổi các lựa chọn trong tương lai. Bạn đưa ra những lựa chọn, hoàn thiện các lựa chọn của mình tùy theo tình trạng tài chính của bạn.
  • Hướng nghiệp: Một số người không được hướng nghiệp phù hợp khiến họ chọn sai nghề. Điều này làm họ chọn một nghề nhàm chán, không tạo hứng thú.

LỜI KHUYÊN TÂM LÝ: CHỌN LỰA NGHỀ NGHIỆP

Có thể nói, chọn lựa nghề nghiệp sao cho phù hợp là một trong những thử thách quan trọng nhất đối với mỗi người chúng ta. Vậy mà rất nhiều người lại dựa trên các lời đồn đại, các nguồn thông tin sai lệch hoặc không đáng tin cậy để chọn lựa điều mà có thể ảnh hưởng họ suốt cả quãng đời còn lại.

Để giúp bạn chọn lựa nghề nghiệp có suy xét, sau đây là một số lời khuyên của các nhà tâm lý học:

Đừng nhảy xổ vào một quyết định.

Nếu bạn cảm thấy chưa chắc chắn về lựa chọn hiện tại, hãy dùng thời gian để thăm dò các lựa chọn khác xung quanh. Hãy nhớ rằng bạn không buộc chỉ chọn nghề một lần duy nhất trong đời mà còn tùy thuộc vào tình trạng công việc.

Hãy nghiên cứu một cách có hệ thống các cơ hội nghề nghiệp và việc làm khác nhau.

Bạn có thể tìm các thông tin nghề nghiệp ở sách báo, hội chợ việc làm, lời khuyên của những người lớn tuổi …

Hãy tự biết mình.

Đánh giá cẩn thận và thực tế các mặt mạnh và điểm yếu của bạn về kỹ năng, trình độ, và những điều bạn quan tâm thích thú ( xem phần THỰC HÀNH kèm theo)

Bạn cũng có thể sử dụng bảng cân đối (xem bài viết trước) để ra quyết định về các nghề nghiệp cụ thể.

Hãy học hỏi từ sai lầm, đừng đau khổ vì những thất bại của bản thân. 

Nếu bạn đã ổn định chọn một nghề nào đó và rồi cảm thấy rằng công việc không như bạn đã từng mong đợi, hãy biết rằng bạn có thể thay đổi quyết định nghề nghiệp đó. Có nhiều người thay đổi nghề của họ, ngay cả khi đã ở tuổi trung niên hay thậm chí lớn tuổi hơn. Đừng tự chôn vùi mình trong một quyết định đã thực hiện trước kia. Khi thời gian trôi qua, khả năng và những ý thích của bạn có thể thay đổi.

Chọn nghề theo sở thích hay xu hướng

THỰC HÀNH: BẠN MUỐN GÌ TỪ CÔNG VIỆC CỦA BẠN?

Lời khuyên mà thời ta thường đưa ra nhất: và cũng là hợp lý nhất cho những ai muốn tìm thấy một nghề nghiệp thích hợp là hãy xác định các kỹ năng, giá trị, ý thích của họ để tìm thấy một công việc có thể sử dụng họ. Để làm được điều này bạn có thể dựa vào bài tập sau:

  • Hãy viết câu hỏi: “Tôi là ai?” ở đầu 10 tờ giấy.
  • Trên mỗi tờ giấy, bạn hãy viết một câu trả lời cho câu hỏi đó. Những câu thả lời sẽ ở dạng “là …” . Ví dụ: một người gọn gàng ngăn nắp, hay một người dám nghĩ dám làm, hay một phụ nữ,.. Hãy tỏ ra trung thực và chính xác.
  • Bây giờ, quay trở lại mỗi tờ, nhìn vào các câu trả lời, viết ở bên dưới điều gì của câu trả lời làm bạn cảm thấy thú vị, hưng phấn.
  • Tiếp theo, hãy xếp 10 tờ giấy đó theo thứ tự ưu tiên. Hãy đặt khía cạnh quan trọng nhất của bản sắc bạn ở trên cùng, khía cạnh ít quan trọng hơn ở dưới.
  • Tìm hiểu các câu trả lời của bạn về điều làm bạn cảm thấy thú vị, hứng thú và cố xác định các điểm chung của chúng. Ví dụ, chúng có thể là các thuộc tính như “Tôi thích là việc với người khác”, hay “Tôi thích có sáng kiến”.
  • Các mục cuối cùng này gợi ý những thành phần mà việc làm phải có, để bạn có thể thành công và cảm thấy hài lòng với công việc. Sử dụng bảng danh sách này, hãy xem bạn có thể làm rõ những thành phần này là gì hay không.

Bài thực hành này cung cấp cho bạn một phương pháp, để nhận ra điều bạn đang tìm kiếm trong một công việc. Bạn càng nhận biết rõ ràng những gì mình muốn ở công việc, và các điểm mạnh và yếu riêng của bạn, bạn càng dễ dàng đưa ra những quyết định có suy xét, phù hợp hơn.

Nguồn: Bolles, 1988.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này