SỨC KHOẺ HÔ HẤP Ở TRẺ BẠI NÃO

Lược theo: “Respiratory Health in Cerebral Palsy”, trong Các Lộ trình Chăm sóc/Care Pathways, có chỉnh sửa.

The American Academy for Cerebral Palsy and Developmental Medicine

Mục lục

ĐẠI CƯƠNG

Đặc điểm sức khoẻ hô hấp ở người bị bại não

  • Những người bị bại não dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới, bao gồm cả viêm phổi, thường là do hít phải. Các triệu chứng của bệnh có thể là sốt, mệt, ho, đau họng, chảy nước mũi, tăng tiết dịch, thở khò khè hoặc khó thở. Nguyên nhân gây viêm phổi hít thường là do khó nuốt (rối loạn nuốt) hoặc trào ngược dạ dày – thực quản. 
  • Kiểm soát tư thế kém và biến dạng xương thứ phát dẫn đến bệnh phổi hạn chế, là bệnh lý đường hô hấp do giảm tính đàn hồi của phổi và cơ học của thành ngực, làm giảm dung tích phổi. Điều này góp phần làm suy giảm dự trữ hô hấp. 
  • Ho yếu có thể gây ứ đọng chất nhầy, dẫn đến xẹp phổi, viêm mãn tính và nhiễm trùng. Điều này có thể dẫn đến bệnh phổi nhiễm trùng, giãn phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn.
  • Các vấn đề về sức khỏe hô hấp trong bại não có mối liên hệ với nhau, đa yếu tố và đa hệ thống.

Cần lượng giá nguy cơ bệnh lý đường hô hấp ở tất cả các bệnh nhân bị bại não. 

Tại sao Sức khỏe Hô hấp lại Quan trọng ở Bại não?

  • Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em và thanh niên mắc bại não là do bệnh đường hô hấp.
  • Đối với người lớn bị bại não, tử vong do bệnh hô hấp cao gấp 14 lần so với những người không bị khuyết tật.
  • Đối với trẻ em và thanh thiếu niên bị bại não, bệnh đường hô hấp là nguyên nhân phổ biến nhất phải đưa đến khoa cấp cứu và là nguyên nhân phổ biến nhất khiến thời gian nằm viện kéo dài.
  • Sau khi nhập viện ban đầu liên quan đến hô hấp, tỷ lệ tái nhập viện hô hấp trong năm tiếp theo là 70%.

Các dấu hiệu cờ đỏ và yếu tố nguy cơ

Mức độ nghiêm trọng của các vấn đề hô hấp ở mỗi trẻ sẽ phụ thuộc vào các yếu tố riêng biệt. Tuy nhiên, các dấu hiệu cờ đỏ dựa trên bằng chứng đối với các cá nhân bị bại não là: 

  • bị bại não và được phân loại Mức V trong GMFCS; 
  • đã nhập viện vì bệnh đường hô hấp trong năm qua, hoặc đã được điều trị bằng hai đợt kháng sinh trở lên vì nhiễm trùng hô hấp trong năm qua. 

Các yếu tố nguy cơ quan trọng và có khả năng thay đổi được đối với bệnh đường hô hấp bao gồm: 

  • Khó nuốt miệng họng (OPD): 
    • ở trẻ <3 tuổi trên Thang đo mức độ nghiêm trọng về kết quả khó nuốt (DOSS) Mức 1-5; 
    • hoặc mức III-V ở những trẻ> 3 tuổi theo Hệ thống phân loại khả năng ăn uống (EDACS). 
  • Các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được khác bao gồm: 
    • các triệu chứng hô hấp trong bữa ăn (giọng gừ, thở khò khè, ho, hắt hơi, nghẹn); 
    • thường xuyên có các triệu chứng về đường hô hấp (ho hàng ngày hoặc hàng tuần có đờm hoặc thở khò khè); 
    • bệnh trào ngược dạ dày-thực quản (GERD) hiện tại hoặc trước đó ; 
    • ngủ ngáy mỗi đêm; 
    • động kinh không kiểm soát được. 

Cần xác định và xử lý các yếu tố nguy cơ này.  

Lượng giá

Cần lượng giá kỹ lưỡng với hỏi bệnh sử và thăm khám hô hấp và các hệ thống liên quan.  

  • Hỏi bệnh:
    • Cần hỏi bệnh sử đầy đủ, bao gồm tìm hiểu về các mối quan tâm, sự chăm sóc, và các mục tiêu. 
    • Sàng lọc chi tiết các dấu hiệu cờ đỏ và các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được. 
    • Hỏi về khả năng nuốt và quản lý dịch tiết vào những ngày khoẻ và không được khỏe. 
  • Khám lâm sàng:
    • Khám hô hấp:
      • nhịp thở và nhịp tim, mức độ bão hòa oxy, 
      • Nhìn: kiểu vận động thành ngực, công (mức gắng sức) để thở, hình dạng thành ngực, 
      • sờ, gõ và nghe. 
      • khám mũi họng và amidan.
      • Đánh giá khả năng ho (lực, hiệu quả).
    • Đánh giá tình trạng dinh dưỡng.
    • Đánh giá các biến dạng xương như gù và vẹo cột sống

Xử lý (Phòng ngừa và điều trị)

  • Mục tiêu của phòng ngừa và điều trị là nâng cao tuổi thọ và chất lượng cuộc sống cho các cá nhân bị bại não.
  • Phát hiện và xử lý các yếu tố nguy cơ để giảm thiểu việc hít phải có thể giúp phòng ngừa bệnh hô hấp thêm.
  • Nếu có nhiễm trùng, nên điều trị ngay không trì hoãn.

Nhận biết nguy cơ, thảo luận sớm và phòng ngừa tái phát

  • Thảo luận sớm về tác động của sức khỏe đường hô hấp đối với tỷ lệ mắc bệnh và tử vong với cha mẹ / người chăm sóc trẻ em bị bại não. Điều này rất quan trọng đối với những người có nguy cơ mắc bệnh cao; nghĩa là những người bị bại não có GMFCS Mức V và những người bị rối loạn nuốt.
  • Cân nhắc giám sát hàng năm và lượng giá liên ngành và nhu cầu thăm dò thêm, giới thiệu và đánh giá lại.
  • Cân nhắc giới thiệu đến bác sĩ hô hấp.

Xử lý các yếu tố nguy cơ hít phải

  • Xử lý tốt bệnh trào ngược dạ dày-thực quản (GERD), kiểm soát động kinh và chảy nước dãi. 
  • Giảm thiểu hít phải
    • Lượng giá lâm sàng về nuốt bởi một KTV âm ngữ trị liệu (hoặc hoạt động trị liệu).
    • Xử lý rối loạn nuốt vào lúc ăn: các biện pháp để nuốt an toàn, tư thế cho ăn và dụng cụ ăn, mức trợ giúp, lượng giá nguy cơ. Các chiến lược xử lý vào giờ ăn nhằm mục đích ngăn ngừa hoặc giảm ho, thở khò khè, hít phải và sặc.
    • Nếu các triệu chứng hô hấp hoặc lâm sàng phức tạp, có thể chỉ định thăm dò thêm (như đánh giá nuốt qua quay chất cản quang).

Làm thông đường thở

  • Giáo dục cho cá nhân, người chăm sóc và cha mẹ các kỹ thuật làm thông đường thở. 
  • Thông đường hô hấp trên: 
    • nếu cần thiết, có thể khám và điều trị tai mũi họng (như cắt amidan trong trường hợp ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn). 
    • Các hội chứng tắc nghẽn đường hô hấp trên khi tỉnh có thể được xử trí bằng thuốc giảm trương lực. 
    • Các nguyên nhân khác của tắc nghẽn nhiều mức, đặc biệt nếu có các triệu chứng cả ban đêm và ban ngày, đòi hỏi phải đưa ra quyết định theo từng cá nhân với một nhóm đa ngành.

Cải thiện khả năng vận động của thành ngực

  • Các biện pháp nhằm cải thiện tư thế và vận động thành ngực (Kỹ thuật viên vật lý trị liệu và liên ngành).

Tối ưu hóa sức khỏe chung

  • Ví dụ: duy trì thể dục và các hoạt động thể chất để cải thiện sức khỏe của phổi cũng như sức mạnh cơ, cải thiện tình trạng dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh răng miệng tốt, tiêm chủng đầy đủ, tránh khói thuốc và kiểm soát hen đồng mắc nếu có.

Điều trị cho những người bị viêm phổi

  • Xem xét xét nghiệm thăm dò sớm tuỳ theo viêm phổi là mắc phải tại cộng đồng, mắc phải tại bệnh viện, hay do hít phải
  • Điều trị kháng sinh sớm tuỳ theo tác nhân gây bệnh thường gặp ở địa phương.
  • Cân nhắc liệu pháp thông đường thở và hút.

Điều trị cho những người đã bị bệnh đường hô hấp 

  • Tiếp tục với các chiến lược phòng ngừa và đánh giá thường xuyên.
  • Tiếp tục khám lại hàng năm tập trung vào hệ hô hấp, các dấu cờ đỏ và các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được. Tăng cường giám sát với bất kỳ thay đổi nào về tình trạng lâm sàng.
  • Tập trung vào liệu pháp thông đường thở và đánh giá hiệu quả, khả năng dung nạp và độ an toàn của nó.
  • Đối với những người bị nhiễm trùng đường hô hấp tái phát / bệnh hô hấp đã thành lập, lý tưởng nhất là mô hình quyết định chung với một nhóm liên ngành, bác sĩ nhi khoa chính, gia đình / người chăm sóc và bệnh nhân. Nhóm có thể cần được mở rộng để bao gồm các bác sĩ hô hấp, bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê, hoặc bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ khi cần thiết. Quyết định về các biện pháp can thiệp cần tính đến tình trạng và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. 

MINH HOẠ LỘ TRÌNH CHĂM SÓC

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này