Mục lục
Di lệch khớp háng ở trẻ bại não
Định nghĩa
- Di lệch khớp háng nghĩa là sự di lệch của chỏm xương đùi ra ngoài ổ cối.
- Bán trật khớp háng nghĩa là sự di lệch khớp háng trong đó chỏm xương đùi bị di lệch một phần dưới ổ cối,.
- Trật khớp háng nghĩa là sự di lệch khớp háng trong đó chỏm xương đùi hoàn toàn bị lệch khỏi dưới ổ cối.
XEM THÊM: LOẠN SẢN KHỚP HÁNG Ở TRẺ SƠ SINH
Tỷ lệ và Yếu tố nguy cơ
Loạn sản khớp háng là vấn đề chỉnh hình thường gặp thứ hai ở trẻ bại não (chỉ sau bàn chân ngựa). Tỉ lệ chung di lệch khớp háng ở trẻ bại não được ước tính là khoảng 35%.
Di lệch khớp háng có liên quan trực tiếp đến mức GMFCS trong đó trẻ ở mức GMFCS IV và V có nguy cơ cao nhất (GMFCS III là 40%, IV là 69% và V là 90%, xem hình vẽ). Nguy cơ bán trật/trật khớp háng ở GMFCS mức I được cho là không đáng kể, ngoại trừ bệnh nhân liệt nửa người có ảnh hưởng khớp háng (phân độ dáng đi Winter Gage Hicks (WGH) type IV) – nghĩa là có các khiếm khuyết dáng đi bao gồm gập háng và gối, xoay trong háng và bàn chân ngựa.
Hậu quả
Di lệch tăng tiến có thể dẫn đến:
- Lực ép bất đối xứng có thể:
- làm biến dạng chỏm xương đùi và/hoặc ổ cối,
- Thoái hóa sụn khớp,
- Trật khớp háng
- Đau
- Các vấn đề với hạn chế tầm vận động:
- Khó đặt tư thế
- Khó vệ sinh và chăm sóc cá nhân
- Ảnh hưởng xấu đến chức năng: ngồi, đứng, đi
- Giảm chất lượng cuộc sống
Giám sát khớp háng (hip surveillance)
Định nghĩa giám sát khớp háng:
Giám sát khớp háng được định nghĩa là “quá trình theo dõi và xác định các dấu chỉ báo sớm của tình trạng di lệch khớp háng”.
Mục đích
Giám sát khớp háng cho phép phát hiện sớm di lệch và chuyển trẻ đến cơ sở chuyên khoa để được lượng giá và xử lý kịp thời. Phát hiện sớm và can thiệp chỉnh hình đã chứng tỏ thay đổi kết quả điều trị, giảm số lần phẫu thuật cần thiết về sau.
Quy trình
Giám sát khớp háng cần được thực hiện một cách hệ thống, bao gồm các biện pháp:
- Khám lâm sàng
- Chụp X quang xương chậu trước-sau kèm đo tỷ lệ phần trăm di lệch (MP)
Khám lâm sàng
- Đau xung quanh vùng khớp háng
- Lượng giá cơ xương khớp
- Tầm vận động thụ động khớp háng (đặc biệt dạng háng và gấp háng)
- So sánh chiều dài chân
- Lượng giá trương lực cơ (đặc biệt là cơ hamstring, các cơ khép háng và gấp háng)
- Chức năng vận động: GMFCS, phân độ dáng đi theo WGH nếu là bại não thể co cứng nửa người
Cận lâm sàng:
- Chụp X quang khớp háng thẳng và đo Phần trăm Di lệch (MP, Migration percentage)
- Tư thế chụp tiêu chuẩn: khớp háng ở tư thế trung tính (không dạng, khép, đùi không xoay, thắt lưng thẳng)
- Đo Phần trăm Di lệch: Phần trăm di lệch = A/B × 100%
Thời điểm và tần suất giám sát khớp háng:
Có nhiều mô hình khác nhau (Bắc Âu, Úc, Canada …)
Nói chung, giám sát khớp háng nên được bắt đầu từ lúc chẩn đoán/2 tuổi, nên thực hiện hàng năm nếu GMFCS IV- V cho đến khi khớp háng ổn định (10 tuổi hoặc lớn hơn).
Hình sau mô tả các thời điểm giám sát khớp háng theo American Academy for Cerebral Palsy and Developmental Medicine (AACPDM)
Khuyến cáo tần suất Giám sát khớp háng theo GMFCS (theo Wynter et al)
Khi nào cần chuyển đến PHCN, BS chỉnh hình nhi?
- Đau khớp háng khi thăm khám
- Dạng háng thụ động <30 độ
- MP>30% trên phim X quang khớp háng thẳng
Các can thiệp có thể được chỉ định:
- Điều trị trương lực cơ bằng thuốc
- Điều trị chỉnh hình không phẫu thuật bao gồm các hệ thống giữ tư thế, các hệ thống giữ ngồi và đứng và đeo nẹp
- Các can thiệp phẫu thuật chỉnh hình bao gồm cả phẫu thuật phòng ngừa, tái tạo và giảm nhẹ (bao gồm cả phẫu thuật giải phóng mô mềm và chỉnh hình xương), thường được khuyến cáo khi có bán trật khớp háng, được xác định khi MP>30%.