Hãy nghe bài viết
Getting your Trinity Audio player ready...

Cập nhật lần cuối vào 17/08/2023

Không có giao tiếp, không có quan hệ; Không có tôn trọng, không có tình yêu; Không có tin tưởng, không có lý do để tiếp tục!

Khuyết danh.

Chúng ta đã biết rằng con người có thể giao tiếp với nhau bằng lời nói hoặc không lời. Trong quá trình giao tiếp, các kênh giao tiếp này không hoạt động riêng lẻ mà phối hợp với nhau để chuyển giao thông tin, cho dù vô tình hay hữu ý.

Mục lục

TRAO ĐỔI CẢM GIÁC.

Bạn có lẽ biết được một người cảm thấy như thế nào khi nghe họ nói “Tớ sợ đến tái mặt khi tên cướp dí dao ngang cổ tớ, tay chân cứ đơ ra như bị liệt.”, hay “Mình thẹn đến đỏ mặt khi anh ấy nhìn vào mình.”. Quả thật, có một mối liên hệ chặt chẽ giữa cách chúng ta nói về các cảm giác của mình và cách các cảm giác đó được biểu lộ và trải nghiệm.

Một số chuyên gia cho rằng mối liên hệ giữa sự thể nghiệm các cảm giác, hành vi không lời, và ngôn ngữ chúng ta sử dụng để trao đổi những cảm giác đó là do phản ứng sinh lý khi chúng ta có một cảm xúc mạnh. 

Chẳng hạn, hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi bạn đang đi trong một con hẻm tối tăm và chợt một kẻ lạ mặt với nhiều hình xăm trông rất dữ tợn lù lù xuất hiện. Ắt hẳn bạn cảm thấy rất sợ hãi. Khi một cơn sợ hãi ập đến, cơ thể bạn sẽ phản ứng bằng cách kích hoạt hệ thần kinh tự chủ (chỉ huy các chức năng sinh học, không tự ý như nhịp tim, tiêu hóa…). Khi đó, cơ thể sẽ có một số thay đổi như:

  • Thở sâu và nhanh hơn, 
  • Tim đập nhanh hơn, bơm nhiều máu ra hệ tuần hoàn và làm mặt bừng đỏ, 
  • Đồng tử dãn rộng ra, và do đó làm mắt nhạy hơn
  • Miệng khô vì tuyến nước bọt ngưng hoạt động, 
  • Tuyến mồ hôi tăng hoạt động làm bạn đổ mồ hôi (“vã mồ hôi”) và giảm thân nhiệt, 
  • Lông dựng lên (“nổi da gà”) vì các cơ dưới da co lại.
What Is the Fight-or-Flight Response?
Hình: Các đáp ứng sinh lý khi sợ hãi

Vì những thay đổi sinh lý này, sự sợ hãi trở nên rõ rệt. Dù chưa có bằng chứng xác định các phản ứng sinh lý này là nguyên nhân hay là hậu quả của cảm xúc, điều rõ ràng là các phản ứng cảm xúc này cung cấp những tín hiệu cho những người khác. Tuy vậy không phải ai cũng có thể đọc được những tín hiệu cảm xúc này – khả năng hiểu ý nghĩa các tín hiệu cảm xúc thay đổi tùy theo mỗi người.

Nói chung thì nữ dường như nhạy cảm với ý nghĩa của các tín hiệu cảm xúc đó hơn là nam. Tuy nhiên, sự chú ý của họ vào kênh giao tiếp đặc hiệu cũng khác nhau. Chẳng hạn, một số người hình như chú ý nhiều hơn vào vẻ mặt, trong khi một số khác lại thu nhận nhiều thông tin hơn qua nghe giọng nói. 

CÁC LUẬT BÀY TỎ CẢM XÚC.

Giả dụ bạn là một cô gái đang yêu. Khi người bạn trai đàn một khúc nhạc “đặc biệt” dành riêng cho bạn, dù quả thật chàng ấy đàn không có gì hay cả, có lẽ bạn vẫn vỗ tay nồng nhiệt và tỏ lời khen ngợi (“Em chưa từng nghe ai đàn hay như anh!”). Và, người bạn trai đó, không biết ý nghĩ của bạn, cảm thấy hết sức vui sướng.

Lý do mà người bạn trai có thể bị đánh lừa là do bạn đã sử dụng các luật bày tỏ cảm xúc (emotional display rules) – những quy luật bạn đã ghi nhớ để bày tỏ các cảm xúc thích hợp với tình huống. Những quy luật đó, đặc biệt áp dụng cho các hành vi không lời, đã được ghi nhớ từ khi còn bé. Chúng ta đã được dạy bảo những cảm xúc nào là phù hợp hay là không phù hợp với một tình huống nhất định.

Có nhiều cách thức để điều khiển các biểu lộ cảm xúc của chúng ta: che dấu, cường điệu, kìm hãm hay vô hiệu hóa một cảm xúc. Trong trường hợp trên, bạn đã sử dụng cách thức che dấu cảm xúc thật và thay bằng biểu lộ vẻ mặt của một cảm xúc khác. Cường điệu xảy ra khi bạn phóng đại một cảm xúc, chẳng hạn một nụ cười, để chứng tỏ một mức độ cảm xúc lớn hơn cảm giác bạn đang thật sự trải nghiệm. Trong kìm hãm cảm xúc thì ngược lại, bạn đè nén các cảm xúc của mình, như khi bài thi của bạn đạt điểm cao trong lúc đó người bạn thân lại đạt điểm thấp, bạn cố nén nỗi vui mừng của mình trước mặt bạn ấy. Vô hiệu hóa là khi chúng ta cố không bày tỏ một cảm xúc nào (mặt vô cảm, mặt lạnh như tiền). Ví dụ như khi bạn đang chơi bài và cố gắng không để lộ một điều gì về quân bài bạn đang có.

Sử dụng luật bày tỏ nào trong một tình huống cụ thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Một số các quy luật được rút ra từ những hoàn cảnh đặc biệt, một số khác là do bản chất văn hóa, một số khác nữa là riêng biệt với mỗi người. Một số tình huống đòi hỏi phải bộc lộ một cảm xúc này chứ không phải là một cảm xúc khác. Ví dụ trong các tang lễ, việc tỏ cảm xúc vui mừng hoàn toàn không thích hợp, cho dù bạn sẽ được thừa hưởng một gia tài kếch xù. Cũng tương tự như vậy, tại các lễ cưới bạn không nên khóc lóc dù rằng bạn đang gặp một chuyện không vui. 

Bản chất văn hóa cũng ảnh hưởng đến luật bày tỏ. Ở nhiều quốc gia châu Á như ở nước ta, việc bộc lộ cảm xúc thái quá là không thích hợp, trong khi điều này được chấp nhận ở các nền văn hóa Mỹ Latinh và Địa Trung Hải. 

Cuối cùng, các cá nhân đôi lúc học được các luật bày tỏ riêng của chính họ. Một người cha có thể dạy con trai rằng khóc lóc không xứng là ”nam nhi”, và nên biểu lộ tức giận khi đang buồn. Trong những trường hợp thái quá, một người có thể học các luật bày tỏ không thích hợp làm cho những hành động của họ được những người xung quanh cho là kỳ cục.

PHƠI BÀY SỰ THẬT BẰNG QUAN SÁT CÁC HÀNH VI KHÔNG LỜI.

Các hành vi giao tiếp không phải bao giờ cũng chịu sự điều khiển hoàn toàn của chúng ta. Đôi khi những cảm xúc mà chúng ta cố gắng che dấu lộ ra, mặc dù chúng ta đã cố kìm nén chúng lại. Thật vậy, có thể phát hiện sự lừa đối qua việc quan sát các hành vi không lời của người tiếp chuyện. 

Những dấu hiệu nào cho biết là người kia đang lừa gạt bạn? So với những người trung thực, những người đang nói dối thường ít tiếp xúc bằng mắt, ít cười, ít điệu bộ, tư thế ít trực diện hơn. 

Như thế, để đánh giá sự lừa dối, người ta ít dựa vào ngôn ngữ và vẻ mặt – dù rằng chúng cho ta biết nhiều thông tin nhất về cảm xúc. Lý do là hai kênh thông tin này dễ bị điều khiển hơn.

Có nhiều lý do giải thích tại sao các biểu lộ của khuôn mặt và ngôn ngữ dễ bị điều khiển hơn. Chúng ta thường sử dụng chúng nhất, chúng ta đã nhận được nhiều phản ứng đáp lại nhất từ những người tiếp nhận (nhìn, nghe) chúng, và vì thế chúng ta đã học cách điều chỉnh các ấn tượng do các kênh giao tiếp này tạo ra trên những người khác hiệu quả hơn các kênh giao tiếp khác. Ngoài ra, khuôn mặt có nhiều cơ, do đó ta dễ điều khiển hơn những bộ phận khác của cơ thể. Ngược lại, vì các bộ phận khác của cơ thể khó điều khiển hơn cho nên chúng đem lại các thông tin chính xác hơn khi nào một người đang lừa dối.

TS Lillian Glass, một nhà phân tích hành vi, chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể, và tác giả của cuốn sách “Ngôn ngữ cơ thể của những kẻ nói dối” (“The Body Language of Liars”),  cho rằng khi thử xem một ai đang nói dối hay không, trước hết cần phải hiểu bình thường họ hành động như thế nào. Một số dấu hiệu có thể cho thấy người kia đang nói dối với bạn là: 

1. Thay đổi tư thế của đầu.

Nếu bạn thấy ai đó đột nhiên cử động đầu khi bạn hỏi họ một câu hỏi trực tiếp, có thể họ đang nói dối bạn về điều gì đó. Đầu sẽ bị giật ra sau, cúi xuống, hoặc nghiêng sang một bên. Điều này thường xảy ra ngay trước khi người đó dự kiến ​​sẽ trả lời một câu hỏi.

2. Thay đổi Hơi thở.

Khi ai đó đang nói dối bạn, hơi thở của họ có thể nặng nề hơn. Khi nhịp thở của họ thay đổi, hai vai của họ sẽ bị nâng lên và giọng nói của họ có thể yếu hơn. Điều này là do người đó cảm thấy lo lắng và căng thẳng khi nói dối.

3. Đứng yên không nhúc nhích.

Mọi người thường nghĩ rằng khi ai đó bị căng thẳng thì người đó đứng ngồi không yên. Tuy nhiên bạn cũng nên để ý những người không cử động chút nào.

Đây có thể là một dấu hiệu của đáp ứng “chiến đấu” thay vì “bỏ chạy”. Bình thường khi bạn nói và tham gia vào một cuộc trò chuyện, cơ thể bạn sẽ di chuyển với các chuyển động thoải mái, nhẹ nhàng và phần lớn là vô thức. Vì vậy, nếu bạn quan sát người nào đó có một tư thế cứng nhắc, không có cử động, đó thường là dấu hiệu cảnh báo bất thường.

4. Lặp lại các từ hoặc cụm từ.

Điều này xảy ra bởi vì họ đang cố gắng thuyết phục bạn, và chính họ, về điều gì đó. Họ đang cố chứng thực lời nói dối trong tâm trí của họ.

5. Cung cấp quá nhiều thông tin.

Khi ai đó tiếp tục cung cấp cho bạn quá nhiều thông tin – thông tin không được yêu cầu và đặc biệt là thừa chi tiết – thì khả năng rất cao là người đó không nói sự thật với bạn. Những kẻ nói dối thường nói rất nhiều bởi vì họ hy vọng rằng, với tất cả sự cởi mở và lời nói của mình, người khác sẽ tin họ.

6. Dùng tay sờ chạm hoặc che miệng.

Một dấu hiệu quan trọng của nói dối là người nói sẽ tự động đưa tay lên miệng khi họ không muốn giải quyết một vấn đề hoặc trả lời một câu hỏi. 

“Khi người lớn đặt tay lên môi, điều đó có nghĩa là họ không tiết lộ mọi thứ, và họ chỉ không muốn nói sự thật”. “Họ đang ngừng giao tiếp theo đúng nghĩa đen.”

7. Che những phần cơ thể dễ bị tổn thương.

Chẳng hạn dùng tay che các vùng như cổ họng, ngực, đầu hoặc bụng.

8. Ngọ nguậy hai chân.

Hai chân liên tục ngọ nguậy cho bạn biết rằng người nói đang không thoải mái và lo lắng. Nó cũng cho bạn thấy rằng người ấy muốn rời khỏi tình huống; họ muốn rời đi.

9. Lời nói khó khăn hơn.

Khi nói dối, người nói có thể thấy càng lúc càng khó nói hơn. Điều này xảy ra do hệ thống thần kinh tự chủ giảm tiết nước bọt trong những lúc căng thẳng, và làm khô niêm mạc miệng. 

Các dấu hiệu khác cần chú ý bao gồm cắn môi hoặc mím môi đột ngột.

10. Nhìn chằm chằm không chớp mắt.

Khi mọi người nói dối, thông thường là họ không giao tiếp bằng mắt, nhưng kẻ nói dối có thể đi xa hơn nữa để duy trì giao tiếp bằng mắt nhằm kiểm soát và thao túng bạn.

Khi mọi người nói sự thật, hầu hết sẽ thỉnh thoảng chuyển mắt sang xung quanh và thậm chí thỉnh thoảng có thể nhìn sang chỗ khác. Ngược lại, những kẻ dối trá sẽ dùng ánh mắt lạnh lùng, kiên định để đe dọa và kiểm soát. (Nhìn chằm chằm)

Một dấu hiệu khác cần chú ý là chớp mắt nhanh.

11. “chỉ chỏ”.

Trường hợp kẻ nói dối trở nên thù địch hoặc phòng thủ, anh ta đang cố gắng “lật ngược tình thế” với bạn. Khi đó,  kẻ nói dối có thể có những cử chỉ hung hăng, chẳng hạn như chỉ tay. (Vừa ăn cướp vừa la làng).

LỜI KHUYÊN TÂM LÝ: LÀM THẾ NÀO ĐỂ LẮNG NGHE HIỆU QUẢ ?

Một trong những kỹ năng quan trọng nhất và cũng thường bị lãng quên nhất của con người là lắng nghe. Trên thực tế, lắng nghe là một trong những kỹ năng quan trọng thiết yếu trong quá trình giao tiếp và nghiên cứu đã cho thấy rằng con người dùng đến 45% thời gian giao tiếp để nghe. Bạn có thể tham khảo những quy tắc sau để nâng cao hiệu quả lắng nghe của mình:

Hãy nâng cao kiến thức.

  • Để lắng nghe hiệu quả, bạn cần trang bị cho mình một kiến thức sâu rộng, không những về đề tài đang được bàn đến mà còn về ngôn ngữ, tâm lý, văn hóa… 
  • Bạn cũng nên tìm hiểu thật kỹ những thông tin về người đang nói.

Thu nhận thông tin.

  • Hãy chăm chú lắng nghe và cảm nhận cả những nội dung logic cũng như cảm xúc của người nói.
  • Ghi nhận những những thay đổi của vẻ mặt và những động tác không lời khác.

Xử lý thông tin .

  • Phân tích trong đầu của những điều được nghe cũng như nhận thấy, tóm lược những điều người kia đang nói, nhận ra những điều mà người nói đặc biệt quan tâm thích thú.
  • Đánh giá sự tương ứng giữa hành vi không lời và nội dung lời nói để phát hiện những điều người kia đang che dấu.

Phản hồi để tạo ra một không khi giao tiếp thuận lợi.

Những phản hồi với người nói (bằng lời hay không lời) giúp bạn tạo nên một môi trường giao tiếp với người nói. Để lắng nghe hiệu quả, bạn nên tạo một môi trường ủng hộ hay chấp nhận với người nói thông qua các kỹ thuật phản hồi sau:

  • Nâng đỡ: Khi bạn đồng ý với điều người kia nói hãy gật đầu nhẹ nhàng, mỉm cười khi thích hợp, nhìn vào mắt người nói một cách thiện cảm. Thông điệp bằng lời thường là những lời khen ngợi, chẳng hạn như “Hay thật!”, “Tuyệt quá!”. Bạn nên chuyển giọng điệu sao cho nó truyền đạt sự nồng nhiệt, lòng chân thành, và hãy sử dụng tên người kia để tạo nên mối quan hệ thân mật.
  • Bảo đảm: Thường được dùng phối hợp với nâng đỡ. Thông điệp muốn nói là bạn có thể làm điều người kia muốn, thỏa mãn những gì người đó đang tìm kiếm.
  • Thừa nhận: Mặc dù bạn có thể không đồng ý với điều người kia đang nói, bạn cũng nên chứng tỏ rằng dù thế nào đi nữa, bạn vẫn cảm thấy người đó OK và những lời người đó nói có giá trị với họ. Điều này giúp làm giảm thái độ phòng vệ ở người nói. Chẳng hạn bạn có thể đáp lại bằng những câu nói như: “Mình hiểu nỗi lo của bạn về…”, “Tôi tôn trọng ý kiến của anh về…”. 
  • Thấu cảm: Thường được sử dụng khi người nói bày tỏ cảm xúc như lo lắng, đau khổ, buồn bã… Thông điệp của bạn là bạn thật sự nhận biết và hiểu được những cảm xúc và tình cảnh của người đó, và có một ý nghĩ tích cực với anh ấy.
  • Lập lại: Bạn cũng có thể phản hồi bằng cách sử dụng kỹ thuật lập lại những điều người kia nói, để chứng tỏ rằng bạn hiểu thông điệp, để kéo dài thời gian hay để làm rõ một điểm nào đó mà bạn chưa nắm vững. Tuy nhiên, kỹ thuật này ít hiệu quả hơn so với những kỹ thuật ở trên.
Hình: Vòng tròn giao tiếp

Sử dụng những câu hỏi dò để thu nhận thông tin mong muốn.

Những câu hỏi dò có thể bao gồm:

  • Những câu dò chi tiết: (“Xin anh nói thêm về…”)
  • Những câu hỏi mở (Ai ? Tại sao ? Khi nào ? Ở đâu ?…)
  • Câu dò phản ánh, như là “Ô! Thật vậy ư?” và nhắc lại các từ khóa của người nói.

Những câu dò đặc biệt hiệu quả nếu bạn hỏi “trúng huyệt” của người kia.

Trích đoạn từ Vượt qua thử thách- Ứng dụng tâm lý học trong cuộc sống,

Minh Đạt Rehab biên soạn và dịch thuật.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này