CÁC KỸ THUẬT THAO TÁC VÀ KÍCH THÍCH CẢM GIÁC TẠO THUẬN VẬN ĐỘNG

Cập nhật lần cuối vào 25/09/2023

Tư thế cung cấp một cơ sở cho vận động và chức năng. Bài viết nằm trong loạt bài về tư thế, thao tác và đặt tư thế cho trẻ khuyết tật.

Minh Dat Rehab

Trẻ bị rối loạn phát triển thần kinh có thể biểu hiện chậm phát triển vận động và các khiếm khuyết về trương lực cơ, cảm giác, tầm vận động, sức mạnh và thăng bằng, điều hợp. Những trẻ này có nguy cơ bị biến dạng và co rút cơ xương và thường hoặc dễ bị giới hạn hoạt động trong các hoạt động chức năng. Các giới hạn hoạt động trong dịch chuyển, đi lại, thao tác và hạn chế sự tham gia trong việc chăm sóc bản thân, và vui chơi có thể là kết quả của các khiếm khuyết này. 

Các kỹ thuật thao tác có thể được sử dụng để cải thiện khả năng thực hiện các nhiệm vụ chức năng của trẻ, chẳng hạn như ngồi, đi và vươn tới, bằng cách tạo thuận sự thẳng trục tư thế trước và trong khi trẻ di chuyển. 

Các biện pháp can thiệp cảm giác cụ thể khác, chẳng hạn như vỗ vào bụng cơ, sờ chạm hoặc nén ép, có thể được áp dụng phù hợp với những khiếm khuyết cụ thể mà trẻ có thể mắc phải. 

Can thiệp phải phù hợp với vấn đề của trẻ, và phải luôn ghi nhớ mục tiêu chức năng tổng thể. 

Mục lục

THAO TÁC BẰNG TAY 

Khi bạn đang thúc đẩy kiểm soát đầu hoặc thân của trẻ bằng cách tiếp xúc bằng tay ở đai vai, đặt bàn tay của bạn dưới nách của trẻ trong khi đối mặt với trẻ có thể giúp di động xương bả vai và nâng hai tay ra khỏi thân mình. Các ngón tay của bạn phải xòe ra sao cho có thể kiểm soát được cả xương bả vai và hai cánh tay. Bằng cách kiểm soát xương bả vai theo cách này, bạn có thể thúc đẩy chuyển động của đầu, thân, cánh tay và chân của trẻ đồng thời ngăn cánh tay kéo xuống và ra sau, đây có thể là kiểu vận động điển hình của trẻ. 

Nếu bạn không cần kiểm soát hai tay của trẻ, bạn có thể đặt hai bàn tay lên vai trẻ để ôm xương đòn, xương bả vai và đầu trên của xương cánh tay. Chiến lược thứ hai này cũng có thể thúc đẩy sự căn chỉnh và do đó có thể tăng cường sự ổn định và đặc biệt hữu ích trong việc điều trị cho trẻ vận động quá nhiều, như trong bệnh bại não thể múa  vờn. Có thể tác động các lực nén ép qua vai và có thể được kết hợp với vận động theo các hướng khác nhau để tạo sự ổn định.  

Sự ổn định có thể được tạo thuận bằng cách đặt các chi ở tư thế chịu trọng lượng hoặc chịu tải. Nếu trẻ không kiểm soát được đầy đủ, có thể sử dụng thanh nẹp vải hoặc khí dành cho trẻ em để kiểm soát tư thế của chi, do đó cho phép trẻ chịu trọng lượng trên chân duỗi gối hoặc giữ thẳng khuỷu tay để chịu trọng lượng trong khi vươn tới với cánh tay kia.

Hình . Sử dụng nẹp khí cho trẻ để kiểm soát khuỷu tay khi nằm sấp.

Khi bạn đặt tay lên vùng cơ thể nào của trẻ, trẻ không kiểm soát được vùng đó; mà chính bạn kiểm soát, vì vậy trẻ phải được thực hành kiểm soát các bộ phận cơ thể được sử dụng để hướng dẫn vận động. Ví dụ, nếu bạn đang sử dụng hai vai của trẻ để hướng dẫn vận động, thì trẻ cần học cách kiểm soát vận động ở vai. Khi đứa trẻ thể hiện khả năng kiểm soát phần gần nhiều hơn, các tiếp xúc bằng tay của bạn có thể được di chuyển xa hơn đến khuỷu tay hoặc bàn tay. 

  

Một số cân nhắc khi thao tác với trẻ khuyết tật thần kinh vận động.

Những điều sau đây cần được xem xét khi bạn thao tác với một đứa trẻ bị khiếm khuyết thần kinh vận động.

1. Cho phép trẻ thực hiện vận động càng nhiều càng tốt.

Bạn sẽ cần phải thực hiện chậm hơn bạn nghĩ. Ví dụ, khi đưa trẻ từ tư thế nằm ngửa sang tư thế ngồi, hãy từ từ lăn trẻ sang một bên và cho trẻ thời gian để chống lên tay của mình, ngay cả khi trẻ chỉ có thể thực hiện một phần, chẳng hạn như chống  lên khuỷu tay. 

Ngoài ra, hãy cố gắng dụ trẻ lăn sang một bên trước khi cố gắng để trẻ ngồi. Cũng có thể sử dụng một món đồ chơi để khuyến khích trẻ với tay để lăn. Có thể giảm tác động của trọng lực bằng cách sử dụng một bề mặt nâng cao, chẳng hạn như một cái nệm tam giác, dưới đầu và thân trên để giúp bạn dễ dàng chuyển sang tư thế nằm nghiêng trước khi chuyển sang tư thế ngồi.

Hình: Sử dụng bục tam giác để tạo thuận lăn

2. Khi bế trẻ, hãy khuyến khích trẻ kiểm soát phần đầu và thân càng nhiều càng tốt. 

Bế trẻ sao cho các cơ ở đầu và thân được sử dụng để giữ cho đầu và thân thẳng đứng chống lại trọng lực khi bạn di chuyển. Điều này cho phép trẻ nhìn xung quanh và xem bạn đang đi đâu.

3. Khi cố gắng vận động tay chân của trẻ bị co cứng, không nên kéo chống lại tay chân căng cứng này. 

Hãy di chuyển chậm rãi và nhịp nhàng, bắt đầu từ vai và xương chậu của trẻ. Tư thế của các khớp gần có thể ảnh hưởng đến tư thế của toàn bộ chi thể. Thay đổi tư thế của khớp gần cũng có thể làm giảm trương lực cả chi.

4. Nhiều trẻ bị bệnh lý trầm trọng và những trẻ bị múa vờn biểu hiện tăng nhạy cảm với xúc giác, âm thanh và ánh sáng.

Những trẻ này dễ giật mình và có thể không chịu tiếp xúc với tay, chân và miệng. Khuyến khích trẻ giữ đầu ở đường giữa cơ thể và hai tay trong tầm nhìn. Chịu trọng lượng lên tay và chân là một hoạt động quan trọng đối với những trẻ này vì nó mang lại sự ổn định nhất định.

5. Trẻ có trương lực tư thế thấp có thể được thao tác mạnh hơn trừ khi có cẩn trọng vì động kinh, nhưng chúng dễ mệt mỏi hơn và cần thời gian nghỉ ngơi thường xuyên hơn. 

Tránh đặt trẻ nằm ngửa để chơi vì trẻ nằm sấp cần phải hoạt động chống lại trọng lực để phát triển các cơ duỗi. Các cơ duỗi của trẻ yếu đến mức các chi có tư thế dạng chân như “ếch” khi những đứa trẻ này nằm ngửa. 

Có thể làm mạnh cơ bụng với trẻ ở tư thế nằm ngửa nửa dựng người (Fowler). Khuyến khích sử dụng cánh tay và học bằng nhìn. Bằng cách thu hút theo dõi bằng mắt, trẻ có thể học cách sử dụng hai mắt để khuyến khích vận động của đầu và thân. Ghế dành cho trẻ nhũ nhi thích hợp cho trẻ nhỏ có trương lực thấp cần hỗ trợ đầu, nhưng ghế góc có thể điều chỉnh phù hợp sẽ tốt hơn cho trẻ lớn hơn.

6. Khi khuyến khích các cử động từ các khớp gần, hãy nhớ rằng dù tay bạn ở đâu, trẻ sẽ không kiểm soát được. 

Nếu bạn điều khiển hai vai, trẻ phải điều khiển đầu và thân, nghĩa là bên trên và bên dưới nơi bạn đang giữ. Hãy ghi nhớ điều này bất cứ lúc nào bạn đang hướng dẫn vận động. Nếu bạn muốn trẻ kiểm soát một bộ phận cơ thể hoặc khớp, bạn không nên giữ vùng đó lại.

7. Cuối cùng, mục tiêu là để trẻ bắt đầu và hướng dẫn các chuyển động của chính trẻ. 

Nên giảm bớt việc sử dụng các tín hiệu bằng tay (thao tác, hỗ trợ) khi trẻ kiểm soát vận động nhiều hơn. Nếu trẻ chỉ thể hiện vận động chỉ khi bạn đang hướng dẫn vận động nhưng không thể khi hỗ trợ trẻ thực hiện các chuyển động tương tự, bạn phải đặt câu hỏi liệu việc học vận động có đang thực sự diễn ra hay không. 

Trẻ phải tích cực tham gia vào vận động để học cách di chuyển. Để vận động có ý nghĩa,  phải có một mục tiêu, chẳng hạn như khám phá đối tượng hoặc vận động. Chức năng là điểm mấu chốt, không nhất thiết phải là vận động “hoàn hảo”. 

KÍCH THÍCH CẢM GIÁC ĐỂ THÚC ĐẨY ĐẶT TƯ THẾ VÀ THAO TÁC

Xúc giác

Trẻ nhũ nhi bắt đầu xác định các góc cạnh của cơ thể mình bằng sờ chạm. Sờ chạm cũng là cách đầu tiên mà trẻ nhũ nhi tìm thấy thức ăn và tự làm dịu khi khó chịu. Massage cho trẻ nhũ nhi là một cách giúp cha mẹ cảm thấy thoải mái khi chạm vào trẻ. Có thể hướng dẫn trẻ nhũ nhi chạm vào cơ thể như một bước khởi đầu để tự làm dịu (Can thiệp 1). Đặt trẻ nhũ nhi nằm nghiêng thường giúp trẻ dễ dàng chạm vào cơ thể và nhìn thấy tay và chân của trẻ (một yếu tố quan trọng).

CAN THIỆP 1. Hướng dẫn tự làm dịu.

Sử dụng sờ chạm để tự làm dịu tư thế nằm ngửa và nằm nghiêng được nâng đỡ .

A. trẻ nhũ nhi có thể được hướng dẫn chạm vào cơ thể như một bước đầu để tự làm địu .
B. Đặt trẻ nằm nghiêng thường giúp trẻ dễ dàng chạm vào cơ thể và nhìn thấy tay và chân của mình hơn—những điểm tham chiếu quan trọng.

Cảm nhận về đường giữa của cơ thể là một khả năng cảm nhận thiết yếu. Nếu có sự bất đối xứng trong vận động hoặc cảm giác, thì phải thực hiện mọi cố gắng nhằm cân bằng cảm nhận của trẻ về cả hai bên cơ thể  khi di chuyển hoặc đặt tư thế cho trẻ. Có thể cung cấp bổ sung đầu vào xúc giác cho bên cơ thể này dưới dạng sờ chạm hoặc chịu trọng lượng. Bất đối xứng trong cảm giác và vận động có thể góp phần vào sự chênh lệch về chiều dài của tay và chân. Ngoài ra, các cơ thân mình ở một bên có thể bị rút ngắn do không chịu trọng lượng như nhau qua xương chậu khi ngồi, hoặc để bù đắp cho tình trạng liệt cơ một bên. Mất cân bằng cơ thân mình cũng có thể dẫn đến vẹo cột sống.

Xúc giác và vận động đóng vai trò quan trọng trong phát triển cảm nhận cơ thể, vận động cũng như thăng bằng. Trẻ quá nhạy cảm với sờ chạm có thể cần được giải mẫn cảm. Thông thường, lực ép nhẹ nhàng nhưng chắc chắn sẽ được dung chịu tốt hơn là chạm nhẹ với trẻ quá nhạy cảm. Sờ nhẹ tạo ra sự rút lui của chi thể hoặc quay mặt đi ở những đứa trẻ thể hiện phòng vệ bằng xúc giác (Lane, 2002). Hầu hết trẻ em đang phát triển bình thường đều thích kết cấu mềm trước những kết cấu thô ráp, nhưng những đứa trẻ dường như nhận thức sai đầu vào xúc giác có thể chịu được kết cấu thô, chẳng hạn như vải bông, tốt hơn kết cấu mềm.

Một số hướng dẫn chung về việc sử dụng kích thích xúc giác với trẻ phòng vệ bằng xúc giác là:

  • để trẻ thực hiện kích thích;
  • dùng lực ấn mạnh (nhưng cũng có thể dùng lực chạm nhẹ nếu trẻ cảm nhận lực chạm nhẹ là lực ấn sâu);
  • sờ chạm vào tay và chân trước sờ chạm mặt;
  • áp dụng kích thích theo hướng mọc của lông;
  • sử dụng một nơi kín, yên tĩnh để kích thích;
  • thay thế cảm thụ bản thể cho kích thích xúc giác hoặc kết hợp lực ép  sâu với cảm thụ bản thể. Găng tay có kết cấu, cọ sơn, bọt biển và máy rung cung cấp các loại kích thích xúc giác khác nhau. Về mặt lý thuyết, sờ chạm sâu hoặc lực ép lên các chi có tác dụng ức chế trung ương toàn thể hơn, mặc dù sờ chạm này được áp dụng cho một bộ phận cơ thể cụ thể (Ayres, 1972). Kết quả mong đợi là đứa trẻ sẽ tăng khả năng chịu đựng khi chạm vào, có thể tập trung tốt hơn và thể hiện hành vi có tổ chức tốt hơn. Nếu bế trẻ là một phần hiệu quả của can thiệp, thì trẻ nhũ nhi hoặc trẻ nhỏ phải có khả năng chịu được sự sờ  chạm.

Một đứa trẻ biểu hiện phòng vệ khi bị sờ chạm vào mặt thường cũng tăng độ nhạy cảm khi chạm vào bên trong miệng. Những đứa trẻ như vậy có thể gặp khó khăn trong việc ăn thức ăn có kết cấu. Trẻ có thể cần kết hợp Liệu pháp vận động miệng (Oral motor therapy).

XEM THÊM:

Hệ thống tiền đình (Vestibular System)

Ba ống bán khuyên của hệ thống tiền đình chứa đầy chất dịch. Mỗi tập hợp các kênh phản ứng với chuyển động trong các mặt phẳng khác nhau. Ngồi xe đẩy, nhào lộn và quay tạo ra chuyển động trong các ống khác nhau.

Hình: Hệ thống tiền đình với các ống bán khuyên ở tai trong

Chuyển động tuyến tính (chuyển động cùng hướng với cơ thể) có thể cải thiện khả năng nâng đầu khi trẻ ở tư thế nằm sấp hoặc nằm ngửa. Đu đưa một trẻ trên võng ở tư thế nằm sấp hoặc nằm ngửa sẽ tạo ra chuyển động tuyến tính như vậy và khuyến khích đầu ngẩng lên (Hình ). 

Hình . Trẻ nằm trên võng.

Kích thích vận động thường có tác dụng cảnh báo, đánh thức với một đứa trẻ bị thờ ơ, lờ đờ hoặc một đứa trẻ có trương lực cơ thấp vì hệ thống tiền đình có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư thế và thăng bằng. Hệ thống tiền đình gây ra một đáp ứng khi dòng chất dịch trong các ống bán khuyên thay đổi hướng. Tuy nhiên, vận động liên tục dẫn đến việc trẻ trở nên quen với vận động và không tạo ra phản ứng. Chuyển động nhanh, giật, chẳng hạn như ngồi trên một bề mặt có thể di chuyển, có thể cảnh báo trẻ. Chuyển động nhanh, giật cục tạo thuận tăng trương lực cơ nếu trương lực lúc nghỉ của trẻ thấp. Chuyển động chậm, nhịp nhàng làm giảm trương lực.

Nén ép (Approximation)

Tác dụng lực nén ép qua các khớp khi chịu trọng lượng được gọi là nén ép. Đung đưa trên hai tay và hai gối (tư thế 4 điểm) và nảy lên xuống trên một quả bóng khi đang ngồi là những ví dụ về các hoạt động mang lại sự nén ép. Có thể bổ sung lực nén ép bằng tay của người tập qua các bộ phận cơ thể hướng đến bề mặt chịu trọng lượng hoặc dọc theo trục. Lực nén có thể là không đổi hoặc ngắt quãng, cung cấp các tín hiệu cảm thụ bản thể để kích thích các cơ tư thế để nâng đỡ cơ thể, chẳng hạn như khi ngồi và nảy lên xuống trên tấm bạt lò xo (trampoline). Tác động của nén ép cũng thay đổi theo tốc độ và hướng của lực nén, loại bề mặt nâng đỡ.

Minh hoạ sử dụng trampoline với trẻ khuyết tật.

Ví dụ lực ép từ bên ngoài có thể được truyền qua vai vào cột sống khi trẻ đang ngồi, hoặc qua vai hoặc hông khi trẻ ở tư thế bốn điểm (Can thiệp 2). Các bộ phận cơ thể của trẻ phải luôn được căn chỉnh trước khi nén bằng tay, với lực nén được định mức theo khả năng chịu đựng của trẻ. Lực ép nhẹ hơn sẽ tốt hơn trong hầu hết các trường hợp. 

CAN THIỆP 2. Nén ép các khớp gần 

A. Nén ép bằng tay qua hai vai khi ngồi.
B. Nén ép bằng tay qua hai vai ở tư thế bốn điểm.

Ví dụ về sử dụng nén ép: 

Một bé gái trẻ bị bại não thể múa vờn. Khi người điều trị đặt một tay nhẹ nhưng chắc chắn lên đầu của trẻ trong khi trẻ đang cố gắng giữ tư thế đứng, trẻ đã có tư thế đứng vững hơn. Sau đó, kỹ thuật viên yêu cầu trẻ thực hiện các tư thế đứng theo các kiểu nhón chân khác nhau, để giúp trẻ học cách thích ứng với các chân đế có kích thước khác nhau mà vẫn giữ được thăng bằng.  Trong buổi điều trị tiếp theo, trẻ bắt đầu giữ ổn định tư thế với bàn tay của nhà trị liệu đặt lên đầu. Dần dần, có thể giảm dần hỗ trợ ổn định bằng tay của nhà trị liệu.

Lực ép không liên tục hoặc liên tục cũng có thể được sử dụng để chuẩn bị cho một chi hoặc thân mình tiếp nhận trọng lượng, trước khi chi đó chịu tải, như trong dáng đi hoặc chuyển trọng lượng sang một bên lên thân mình. Trước khi chịu trọng lượng lên một chi, chẳng hạn như trong tư thế ngồi chống tay, tay có thể được chuẩn bị để tiếp nhận trọng lượng bằng cách tạo lực ép từ gốc bàn tay lên vai với khuỷu tay thẳng nhưng không bị khóa khớp (Can thiệp 3). Điều này được thực hiện tốt nhất với cánh tay ở góc xoay ngoài khoảng 45 độ. 

CAN THIỆP 3. Chuẩn bị chịu sức nặng của chi trên.

Áp dụng áp lực qua gốc của bàn tay để nén ép các khớp của chi trên.

Hãy nghĩ về tư thế thông thường của cánh tay khi tay duỗi để chống tay khỏi ngã. Kỹ thuật sử dụng lực ép duy trì cho thân mình được thực hiện bằng cách tác dụng lực ép mạnh dọc theo một bên của thân mình mà trọng lượng sẽ được chuyển đến (Can thiệp 4). Lực ép được tác động dọc theo một bên của thân mình từ giữa thân mình ra phía hông và vai trước khi giúp trẻ lật sang bên đó. Can thiệp này có thể được sử dụng để chuẩn bị cho lăn lật hoặc chuyển từ nằm nghiêng sang ngồi. Một thay đổi của can thiệp này được sử dụng trước hoặc khi bạn bắt đầu chuyển trọng lượng sang bên để hỗ trợ kéo dài thân mình.

CAN THIỆP 4. Chuẩn bị cho Chấp nhận Trọng lượng. Xoa ép thân mình để chuẩn bị chấp nhận trọng lượng.

A. Tư thế bàn tay lúc bắt đầu. B. Tư thế bàn tay lúc kết thúc.

Thị giác (Vision)

Hình ảnh lôi cuốn trẻ khám phá môi trường. Thị giác cũng cung cấp thông tin quan trọng cho sự phát triển khả năng kiểm soát đầu và thăng bằng. Cố định thị giác là khả năng nhìn bằng cả hai mắt trong một thời gian dài. Để khuyến khích nhìn, hãy tìm hiểu xem trẻ thích khuôn mặt hay đồ vật hơn. Ở trẻ nhũ nhi, hãy bắt đầu với các đồ vật màu đen và trắng hoặc một bức tranh về một khuôn mặt, sau đó thêm các màu như đỏ và vàng để cố gắng thu hút sự chú ý của trẻ. Bạn nên tiếp cận trẻ từ phía bên vì đầu của trẻ thường quay sang một bên. Tiếp theo, khuyến khích trẻ nhìn theo các đồ vật đến đường giữa và sau đó vượt qua đường giữa. Trước khi trẻ có thể giữ đầu ở đường giữa, bé có thể nhìn theo từ ngoại vi về phía đường giữa, sau đó qua các cung ngày càng rộng hơn. Sau đó, khả năng theo dõi hướng sẽ tăng tiến theo chiều ngang, chiều dọc, đường chéo và chiều xoay (theo chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ).

Hình: Các hình ảnh kích thích thị giác

Nếu trẻ gặp khó khăn khi sử dụng cả hai mắt cùng lúc hoặc nếu mắt lác trong hoặc ngoài, có thể cần phải khám thêm khám bác sĩ nhãn khoa. Những trẻ có vấn đề về mắt được điều chỉnh sớm có thể phát triển khả năng kiểm soát đầu và khả năng với lấy đồ vật dễ dàng hơn. Trẻ bị khiếm thị vĩnh viễn phải dựa vào các tín hiệu thính giác trong môi trường để thu hút trẻ vận động. Trẻ khiếm thị thường đạt được các mốc phát triển vận động muộn hơn so với trẻ phát triển bình thường.

Thính giác

Cũng giống như việc bạn sử dụng một món đồ chơi để giúp trẻ theo dõi mắt, hãy sử dụng tiếng kêu lục lạc hoặc vật dụng tạo âm thanh khác để khuyến khích trẻ quay đầu, vươn tay và lăn người về phía âm thanh. Trẻ phải có khả năng định vị hoặc xác định nơi phát ra âm thanh trước thì các hoạt động này mới phù hợp.

Mặc dù thính giác không đóng vai trò cụ thể trong sự phát triển của tư thế và vận động, nhưng nếu dây thần kinh thính giác bị tổn thương, thì dây thần kinh tiền đình đi kèm với nó cũng có thể bị suy giảm. Khiếm khuyết của dây thần kinh tiền đình hoặc bất kỳ bộ phận nào của hệ thống tiền đình có thể gây ra tình trạng mất thăng bằng vì thông tin từ chuyển động của đầu không được chuyển thành tín hiệu cho phản ứng tư thế. Ngoài ra, còn có thể ảnh hưởng đến sự phối hợp giữa vận động của mắt và đầu. Nghiên cứu cho thấy các trẻ mẫu giáo bị khiếm thính thường có vấn đề về thăng bằng, kể cả thăng bằng tĩnh và động, và gây ra tình trạng thiếu hụt vận động, đặc biệt là rối loạn dáng đi. Tín hiệu thính giác có thể được sử dụng để khuyến khích vận động và đối với người khiếm thị, có thể cung cấp một cách thay thế để định hướng hoặc hướng dẫn vận động.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này