10 BƯỚC ĐÁNH GIÁ THANG ĐIỂM KHIẾM KHUYẾT ASIA TRÊN BỆNH NHÂN TỔN THƯƠNG TUỶ SỐNG

Cập nhật lần cuối vào 16/10/2023

Tiêu chuẩn Quốc tế Phân loại Thần kinh cho Tổn thương Tuỷ sống – International Standards for Neurological Classification of Spinal Cord Injury (ISNCSCI) hay thường được gọi nhanh là Thang điểm khiếm khuyết ASIA được phát triển bởi Hiệp hội Tổn thương Tuỷ sống Mỹ (American Spinal Injury Association, ASIA) được xem là một thang điểm tiêu chuẩn khi lượng giá bệnh nhân tổn thương tuỷ sống.

Nên thực hiện khám ASIA trong vòng 72 giờ sau tổn thương và lập lại 3-7 ngày sau tổn thương. Khám lại sau bất kỳ can thiệp phẫu thuật hoặc thay đổi tình trạng thần kinh, theo dõi định kỳ cho đến khi đạt ổn định.

XEM LẠI: GIẢI PHẪU CHỨC NĂNG HỆ THẦN KINH: TUỶ SỐNG VÀ CÁC ĐƯỜNG DẪN TRUYỀN
Xem thêm: Tổn thương Tuỷ sống do Chấn thương. Phần 1: Đại cương

Mục lục

THANG ĐIỂM KHIẾM KHUYẾT ASIA (ASIA IMPAIRMENT SCALE, AIS)

Tiêu chuẩn Quốc tế Phân loại Thần kinh cho Tổn thương Tuỷ sống – International Standards for Neurological Classification of Spinal Cord Injury (ISNCSCI) gồm ba phần chính:

  • Điểm vận động ASIA
  • Điểm cảm giác ASIA
  • Mức khuyết tật ASIA (AIS)

Các thành phần thiết yếu trong đánh giá ISNCSCI:

  • 10 nhóm cơ chủ chốt 2 bên (tổng điểm 0-100) và
  • 28 khoanh da (0: mất, 1: giảm, 2: bình thường; với hai loại cảm giác sờ nhẹ và đau với vật tù, tổng điểm 0-112 2 bên),
  • Ngoài ra cần đánh giá cảm giác hậu môn và co co chủ ý cơ vòng, thần kinh sọ não và các phản xạ.

Một số thuật ngữ quy ước theo phân loại ISNCSCI:

  • Mức thần kinh: khoanh thấp nhất (most caudal) có chức năng vận động và cảm giác bình thường
  • Mức cảm giác: khoanh thấp nhất có chức năng cảm giác bình thường hai bên (sờ và đau)
  • Mức vận động: khoanh thấp nhất có cơ chủ chốt ít nhất bậc 3, với điều kiện tất cả các cơ chủ chốt ở mức trên là bình thường (mức 5).
  • Mức xương: mức phát hiện bất thường trên X quang
  • Tổn thương không hoàn toàn: còn bảo tồn một phần cảm giác và/hoặc vận động dưới mức thần kinh; bao gồm đoạn cùng thấp nhất
  • Không hoàn toàn vận động: bảo tồn một phần cảm giác và/hoặc vận động ở khoanh cùng S4-S5. Bệnh nhân cũng phải có hoặc là co cơ tròn hậu môn chủ ý, hoặc là còn chức năng vận động nhiều hơn 3 mức dưới mức vận động.
  • Tổn thương hoàn toàn: không còn chức năng vận động và cảm giá dưới mức tổn thương
  • Vùng bảo tồn một phần (ZPP, Zone of Partial Preservation): dùng với tổn thương hoàn toàn. Là khoanh cao nhất dưới mức thần kinh còn một phần cảm giác và /hoặc vận động. Theo sửa đổi 2019 thì ZPP cũng áp dụng cho các trường hợp không hoàn toàn chứ không chỉ giới hạn ở ASIA A.
  • NT: Not testable: không đánh giá được
  • NA: Not applicable: không áp dụng được
  • “*”: được thêm vào ghi thử cơ, lượng giá cảm giác … để chỉ là sự suy giảm không quy cho tổn thương tuỷ sống mà có thể do bệnh lý khác.

Thang điểm Khuyết tật ASIA (AIS).

LoạiMô  tả
AHoàn toàn: mất hoàn toàn cảm giác hay vận động ở đoạn S4-S5.
BKhông hoàn toàn: còn cảm giác dưới mức thần kinh và bao gồm đoạn S4-S5 (sờ nhẹ hoặc đau với đầu tù ở mức S4-S5 hoặc DAP) VÀ không có chức năng vận động được bảo tồn nhiều hơn 3 mức dưới mức vận động ở cả hai bên
CKhông hoàn toàn: còn vận  động dưới nơi tổn thương: ở đoạn cùng với co cơ hậu môn chủ ý HOẶC bệnh nhân thoả mãn tiêu chuẩn không hoàn toàn cảm giác, và có một ít chức năng vận động dưới mức vận động hơn 3 mức. (bao gồm cơ chính và/hoặc các cơ không phải cơ chính)
Với ASIA C – ít hơn một nửa các cơ chính dưới mức tổn thương thần kinh có mức >=3.
DKhông hoàn toàn: không hoàn toàn về vận  động dưới tổn thương như ở trên với ít nhất 50% các cơ chính dưới mức tổn thương thần kinh (NLI) có sức cơ >=3).
EBình thường: cảm giác và vận động bình thường ở tất cả các mức và bệnh nhân trước đó đã được xác định có khiếm khuyết.
Liệt hoàn toàn và không hoàn toàn

Link thang đo:

10 BƯỚC ĐÁNH GIÁ

(ASIA chỉ đưa ra 5 bước, nhưng để dễ hiểu người viết sẽ chia các bước cụ thể hơn)

1. Khám 28 khoanh da cảm giác bằng cảm giác đau và sờ.

  • Khám cảm giác sờ nhẹ và đầu tù với các dụng cụ thông thường. So sánh với vùng cảm giác bình thường (như là cằm). Sử dụng thand đo ba mức:0 = mất
    • 1 = thay đổi (giảm hoặc bất thường bao gồm cả tăng nhạy)
    • 2 = bình thường hay nguyên vẹn (như ở vùng cằm)
    • NT = not testable, không đánh giá được.
  • Ghi điểm cảm giác vào các ô tương ứng

2. Khám 10 cơ chính hai bên

  • Khám 10 cơ chính chi trên và chi dưới, sử dụng thang đo 6 mức của thử cơ bằng tay suốt tầm vận động ở tư thế nằm ngửa.
  • Ghi điểm vận động (mức cơ lực) vào các ô tương ứng.
  • NT = not testable, không đánh giá được (ví dụ do bất động, đau quá mức nên không thể đánh giá, cắt cụt chi hoặc co rút trên 50% tầm vận động)

3. Khám trực tràng để đánh giá cảm giác và vận động.

  • Deep anal pressure (DAP, ép sâu hậu môn): ép nhẹ bằng ngón tay người khám vào thành hậu môn trực tràng. Đánh giá là có hoặc mất
  • Voluntary anal contraction (VAC, co cơ hậu môn chủ ý): Yêu cầu bệnh nhân co cơ vòng ngoài hậu môn quanh ngón tay của người khám. Đánh giá là co hoặc mất.

4. Xác định mức cảm giác bên trái và phải.

  • Mức cảm giác là mức khoanh cảm giác da xa nhất còn nguyên vẹn với cả cảm giác sờ nhẹ và đầu tù (điểm = 2). Ghi mức cả hai bên (góc dưới trái).

5. Xác định mức vận động bên trái và phải.

  • Mức vận động là mức khoanh cơ xa nhất với bậc cơ chính ít nhất bậc 3. Ghi mức cả hai bên (góc dưới trái).
  • Ghi chú: Ở các vùng không có khoanh cơ để thử, mức vận động được giả định là cùng mức với mức cảm giác, nếu chức năng vận động trên mức đó có thể đánh giá được là bình thường.

6. Xác định mức tổn thương thần kinh (NLI).

  • Là phần xa nhất của tuỷ sống có cảm giác nguyên vẹn và cơ lực kháng trọng lực (bậc 3 trở lên), với điều kiện là chức năng vận động và cảm giác trên mức này bình thường (còn nguyên vẹn).
  • Mức tổn thương thần kinh là mức vận động và cảm giác cao nhất của các bước trên.
  • Ghi vào phiếu, (ở dưới, trái)

7. Xác định tổn thương hoàn toàn hay không hoàn

Nghĩa là còn hoặc mất vận động cảm giác vùng cùng.

  • Nếu Không có co cơ vòng hậu môn chủ ý (VAC = Không) tất cả điểm cảm giác S4-S5 =0 ép sâu hậu môn (DAP) = Không, thì tổn thương là Hoàn toàn
  • Còn lại là Không hoàn toàn
  • Ghi vào phiếu (ở dưới, giữa)

8. Xác định mức Thang điểm Khiếm khuyết ASIA (AIS).

  • Tổn thương có Hoàn toàn hay không?
    • Nếu CÓ: AIS = A
  • Nếu KHÔNG: Có tổn thương Vận động Hoàn toàn hay không?
    • Nếu CÓ: AIS = B
  • Nếu KHÔNG: Có ít nhất một nửa các cơ chìa khoá (chính) dưới mức tổn thương thần kinh (NLI) bậc 3 trở lên hay không?
    • Nếu KHÔNG: AIS =C;
    • Nếu CÓ: AIS = D
  • Nếu Chức năng Vận động và cảm giác bình thường ở tất cả các khoanh, AIS = E
  • Ghi vào phiếu (ở dưới, giữa)
  • Các tổn thương không hoàn toàn có thể được phân loại thêm thành các hội chứng:
    • Brown-Sequard Syndrome
    • Anterior Cord Syndrome
    • Posterior Cord Syndrome
    • Conus Medullaris Syndrome
    • Cauda Equina Syndrome

9. Tính điểm vận động và điểm cảm giác.

  • Điểm vận động:
    • Điểm từng bên chi trên và tổng điểm
    • Điểm từng bên chi dưới và tổng điểm
    • Ghi vào phiếu
  • Điểm cảm giác:
    • Điểm sờ nhẹ từng bên và tổng điểm
    • Điểm đầu tù từng bên và tổng điểm
    • Ghi vào phiếu

10. Xác định các vùng bảo tồn (ZPP).

  • Các vùng bảo tồn (ZPPs) mang lại thông tin quan trọng về khả năng phục hồi của bệnh nhân. Phiên bảng 2019 hiện tại không dựa vào mức AIS A nữa.
  • Các vùng bảo tồn vận động (Motor ZPPs) cần được xác định và ghi lại trong tất cả các trước hợp bao gồm bệnh nhân không hoàn toàn mà không có co cơ vòng hậu môn VAC.
    • Nếu có co cơ vòng hậu môn (VAC), không xác định vùng bảo tồn vận động và sẽ ghi là NA (không áp dụng được).
  • Vùng bảo tồn cảm giác (Sensory ZPPs) cần được xác định và ghi lại nếu mất cảm giác tại mức S4-S5 (sờ nhẹ, đầu tù) ở bên đó cùng với mất DAP
    • Nếu còn cảm giác ép sâu hậu môn (DAP), không xác định vùng bảo tồn cảm giác hai bên và sẽ ghi là NA (không áp dụng được).
  • Ghi các vùng vận động và cảm giác ở góc dưới cùng bên phải.

VÍ DỤ VÀ BÀI TẬP

Ví dụ:

Ví dụ 1: C2 AIS D

Bài tập:

Ví dụ 1
Mẫu 1: Hãy đánh giá theo các bước AIS
Ví dụ mẫu 2
Ví dụ Mẫu 2: hãy đánh giá theo các bước AIS
ĐỌC THÊM: CÁC HỘI CHỨNG TUỶ SỐNG KHÔNG HOÀN TOÀN

Hình các mốc khám cảm giác ASIA:

Các mốc cảm giác
Các mốc cảm giác ở bàn tay
Các mốc cảm giác phần thấp nhất: S1-S4

KHẢ NĂNG PHỤC HỒI VÀ TIÊN LƯỢNG

  • Hầu hết sự phục hồi xảy ra trong 2 tháng đầu và sau đó chậm dần sau 3-6 tháng. Sự phục hồi đã được ghi nhận chậm đến 2 năm sau chấn thương.
  • Sự phục hồi vận động:
    • Ở bệnh nhân liệt tứ chi hoàn toàn, các cơ chủ chốt bậc 1 hoặc 2 dưới một mức so với mức vận động (cơ bậc 3 trở lên) có 90% cơ hội sẽ đạt bậc 3 sau 1 năm, còn cơ bậc 0 45 % khả năng có thể đạt bậc 3 sau 1 năm.
    • Sự cải thiện 1 mức cũng có thể cải thiện đáng kể chức năng (khác với bệnh liệt hai chi dưới vì chỉ cải thiện một mức ở ngực).
  • Tiên lượng đi lại:
    • ASIA A 3-6 % phục hồi chức năng cơ chi dưới,
    • ASIA B: 50% đi lại được,
    • ASIA C: 75% đi lại ở cộng đồng,
    • ASIA D: 95% đi lại ở cộng đồng.

Tham khảo thêm

Ghi chú của người viết

  • Trong đánh giá cơ lực ở bệnh nhân tổn thương tủy sống, bởi vì tình trạng cột sống chưa ổn định, tránh xoay trở bệnh nhân sang nằm nghiêng nhiều lần nếu không thật sự cần thiết khi thăm khám, do vậy sử dụng tư thế nằm ngữa để đánh giá. Lúc này đánh giá cơ lực bậc 2 các cơ gấp -duỗi (đặc biệt ở chân) phải điều chỉnh miễn sao di chuyển theo hướng mặt phẳng ngang (hoặc gần như vậy) là được. Chẳng hạn như đánh giá bậc 2 cơ duỗi gối (tứ đầu đùi): thay vì đánh giá ở tư thế nằm nghiêng, có thể sử dụng tư thế nằm ngửa với khớp háng xoay ngoài và gấp 45 độ để làm cho cẳng chân di chuyển theo hướng ngang (Hình vẽ). Lúc này tay người khám sẽ nâng đỡ phần xa đùi và cẳng chân, yêu cầu bệnh nhân duỗi gối hết tầm.
  • Vì mỗi cơ thường được phân bố bởi vài khoanh (thường 3 khoanh) nên mới có lý do mức vận động lấy cơ bậc 3 trở lên và trên đó là bậc 5.
  • Cảm giác sử dụng 2 loại: cảm giác đau ở bó gai đồi thị bên và cảm giác sờ tinh đại diện cho cột sau.

Tài liệu tham khảo:
  • Manual of Physical Medicine and Rehabilitation, Christopher M. Brammer, M. Catherine Spires, Hanley & Belfus, 2002.
  • Physical Medicine&Rehabilitation. Randall L. Braddom; 4th ed, Elsevier Inc, 2011.
  • http://asia-spinalinjury.org

XEM THÊM VIDEO:

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

13 bình luận về “10 BƯỚC ĐÁNH GIÁ THANG ĐIỂM KHIẾM KHUYẾT ASIA TRÊN BỆNH NHÂN TỔN THƯƠNG TUỶ SỐNG”

  1. Thưa thầy, có trường hợp tổn thương tủy sống nào mà mất cảm giác và còn vận động dưới mức thần kinh không ạ? Nếu có thì đánh giá ASIA như thế nào ạ? Em cảm ơn thầy.

    Trả lời
    • Chào em,
      Cám ơn vì đã quan tâm đến bài viết. Cách đánh giá (nếu có mất cảm giác và còn vận động dưới mức tổn thương) cũng theo các bước trong bài viết.
      Lưu ý:
      Lưu ý thứ nhất: ASIA là thang đo để đánh giá mức độ tổn thương tuỷ sống do chấn thương, và nếu nhìn vào chấn thương thì hầu hết có ảnh hưởng đến phần trước (sừng vận động) nên đều có tình trạng ảnh hưởng đến vận động.
      Lưu ý thứ hai là chức năng vận động liên quan đến tiên lượng khả năng hoạt động của bệnh nhân như đi đứng …, khác với chức năng cảm giác, và do đó thang đo nhắm nhiều vào vận động.
      Trường hợp bệnh nhân kể trên:
      – Bệnh nhân có bị tổn thương hoàn toàn hay không: theo trường hợp em nêu là không hoàn toàn (ASIA sẽ từ B trở lên). Lưu ý hoàn toàn là đánh giá mức S4-S5 (nghĩa là cảm giác ép sâu hậu môn và co cơ vòng.
      – Mức ASIA sẽ tuỳ thuộc vào cơ lực được bảo tồn dưới mức tổn thương, có thể là C hoặc D nhưng không thể là E vì mất cảm giác.
      – Điểm số ASIA vận động và cảm giác: nhìn vào điểm số theo hình vẽ thì người đọc sẽ hiểu mức cảm giác, mức vận động, tổng điểm cảm giác (trường hợp này giảm nhiều), tổng điểm vận động…
      – Nếu bệnh nhân này hồi phục vận động, mà cảm giác còn rối loạn thì đạt mức ASIA D.
      Xem 2 lưu ý ban đầu thì tiên lượng bệnh nhân về chức năng khá tốt, dù mất cảm giác (so với còn cảm giác mà mất vận động thì …).

      Trả lời
  2. Cảm ơn thầy cô đã biên soạn ra những điều bổ ích cho ngành rất mong sẽ được cũng cố nhiều kiến thức mới về chuyên ngành PHCN ạ

    Trả lời
    • Đánh giá chứ. ASIA là thang đo khiếm khuyết, có giá trị tiên lượng và theo dõi diến tiến giai đoạn đầu. Những trường hợp gián đoạn tạm thời thì sẽ cải thiện/thay đổi rõ. Những trường hợp tổn thương hoàn toàn thì chỉ có thể cải thiện 1-2 mức khoanh tuỷ mà thôi.
      Về sau, lượng giá chính xác hơn là lượng giá chức năng, vì ví dụ một bệnh nhân cơ lực bậc 3 nhưng được hướng dẫn kỹ thuật hoạt động (như dịch chuyển, tự chăm sóc) hoặc sử dụng dụng cụ bù trừ (như thích ứng ADL) thì sẽ khác một bệnh nhân khác không được hướng dẫn tập luyện. Chưa kể cải thiện cơ lực gốc chi ở chân sẽ có giá trị hơn với đi lại so với cải thiện cơ lực ở ngọn chi.

      Trả lời
  3. Thưa thầy, trường hợp các hội chứng tổn thương tủy không hoàn toàn (túy trước, tủy sau, Brown-Sequard, chùm đuôi ngựa…) thì đánh giá Asia như thế nào ạ? Cảm ơn thầy ạ!

    Trả lời
    • Thì vẫn đánh theo thang điểm là mức thần kinh, vận động, mức cảm giác … và điểm các phần cảm giác và vận động. Các hội chứng này là không hoàn toàn (asia BCD) tuỳ theo vận động và cảm giác còn lại (tất nhiên không thể E vì có rối loạn cảm giác chẳng hạn). Một thang đo không thể đánh giá đầy đủ mà chỉ một phần (ví dụ cơ lực thân mình không đánh giá được), và chú trọng vận động nhiều hơn. Chưa kể còn nhiều bất thường khác (như rối loạn trương lực, tiểu tiện…). Năm 2019 có một số sửa đổi như ZPP có thể cả ở ASIA C, D. Có lẽ mục tiêu bài viết ngắn nên còn khó hiểu. Nếu rảnh người viết sẽ cập nhật, bổ sung ví dụ để dễ hiểu hơn.

      Trả lời

Leave a Reply to HuyCancel reply

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này