QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI: TUỔI THƠ ẤU. PHẦN 1

Cập nhật lần cuối vào 15/12/2021

Ghi chú: Do từ vựng tiếng Việt còn có nhiều điểm chưa thống nhất về độ tuổi(so với tiếng Anh), bài viết sử dụng các từ sau:

  • Thời thơ ấu:
    • Infancy (trẻ còn rất nhỏ, trước khi biết đi): nhũ nhi, bú mẹ
    • Early childhood/Pre school- age children (2-6 tuổi): trẻ nhỏ, ấu nhi, tuổi tiền học đường
  • Thiếu nhi: Later Childhood, School-Age Children (6-12 tuổi): trẻ lớn, thiếu nhi, tuổi học đường
  • Vị thành niên: Adolescence (12-18 tuổi): tuổi vị thành niên, dậy thì

XEM THÊM: QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI. ĐẠI CƯƠNG.

Mục lục

GIAI ĐOẠN SƠ SINH

Giai đoạn tăng trưởng và phát triển của trẻ mới sinh trong 1-2 tháng đầu được gọi là thời kỳ phát triển sơ sinh, trong đó trẻ cần được chăm sóc liên tục để tồn tại. Nhiệm vụ đầu tiên và lớn nhất của trẻ sơ sinh là thích nghi với thế giới bên ngoài bụng mẹ. 

Các trạng thái kích thích (States of Arousal)

Trẻ sơ sinh bình thường trải qua năm trạng thái kích thích, bao gồm ngủ đều (regular sleep), ngủ không đều (irregular sleep), tỉnh không hoạt động (Alert inactivity), tỉnh táo hoạt động (Waking activity) khóc

Trẻ sơ sinh thường có chu kỳ thức ngủ khoảng mỗi 4 giờ (nghĩa là thức 1 giờ, sau đó ngủ 3 giờ và lặp lại).

Hầu hết thời gian của trẻ sơ sinh (16-18 giờ mỗi ngày) được dành cho ngủ đều hoặc không đều. Ngủ không đều hay còn gọi là ngủ có vận động mắt nhanh (rapid-eye-movement, REM), vào lúc đó trẻ cử động chân tay và đánh mắt, chiếm 50 % lúc trẻ mới sinh. Các sóng não ghi nhận hoạt động nhanh, nhịp tim và nhịp thở nhanh hơn. Trong giấc ngủ đều (non-REM), nhịp tim, nhịp thở và hoạt động não đều đặn và trẻ sơ sinh nằm yên tĩnh không ngọ nguậy chân tay như giấc ngủ REM. Giấc ngủ REM giảm dần khi trẻ lớn, vào lúc 4 tháng, giấc ngủ REM còn khoảng 40% và giảm xuống 25% vào lúc trẻ được 1 tuổi (ở người trưởng thành là 20%).

Trẻ sơ sinh sử dụng tiếng khóc 2-3 giờ mỗi ngày như là một phương tiện giao tiếp — có những tiếng khóc khác nhau để gợi ra những phản ứng khác nhau từ người chăm sóc. Những tiếng rên rỉ hoặc tiếng khóc nhỏ nhẹ có thể đơn giản chỉ là biểu hiện mong muốn được chú ý (“hãy bồng con lên và ôm ấp con”), trong khi khóc thét dữ dội có thể có nghĩa là đói hoặc một số dạng khó chịu khác. Hầu hết các bậc cha mẹ có thể xác định được nhu cầu của con mình qua tiếng khóc; tuy nhiên, một số trẻ sơ sinh khóc mà không rõ lý do.

Các giác quan

Một số giác quan của trẻ sơ sinh phát triển tốt khi mới sinh, trong khi những giác quan khác phải mất hàng tháng mới phát triển đầy đủ. Ví dụ:

Xúc giác:

Xúc giác đã phát triển tốt vào thời điểm mới sinh và trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với đau. Vì xúc giác rất quan trọng đối với sự gắn bó và phát triển cảm xúc, nên có thể nói đây là một trong những giác quan hoạt động sớm nhất của trẻ sơ sinh.

Vị  giác/ Khứu giác

Trẻ sơ sinh có khả năng phân biệt giữa một số vị khác nhau; ngọt là vị được ưa thích khi mới sinh, có lẽ do sữa mẹ có vị ngọt. Một lần nữa, đây là một cơ chế sinh tồn cơ bản đứa trẻ cần thức ăn để tồn tại và thích thức ăn mà mẹ chúng có thể cung cấp. Em bé sơ sinh cũng có thể nhận ra mùi của người mẹ và sẽ tỏ ra ưa thích mùi mà chúng nhận ra từ khi còn trong bụng mẹ hơn.

Thính giác

Độ nhạy với âm thanh cải thiện đáng kể trong vài tháng đầu đời; tuy nhiên, trẻ sơ sinh nhận biết được những âm thanh quen thuộc mà trẻ nghe được khi còn trong bụng mẹ, đặc biệt là giọng nói của mẹ. Trẻ sơ sinh thích giọng nói của con người hơn các âm thanh khác và trẻ sơ sinh 3 ngày tuổi có thể phân biệt giữa một số mẫu âm thanh khác nhau.

Thị giác

Thị giác là giác quan phát triển kém nhất ở trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh chỉ có thể nhìn rõ các vật hoặc người khi trước mặt trong vòng 40-50 cm thường là khoảng cách giữa trẻ sơ sinh và mặt mẹ khi trẻ được bế. Khả năng nhìn dõi theo (tracking, visual pursuit) xuất hiện vào tuần thứ 1-2. Thị lực rất hạn chế nhưng phát triển nhanh chóng trong vài tháng sau đó. Khả năng phân biệt chi tiết gần như khả năng của người lớn vào lúc 6-7 tháng. Sự phân biệt màu sắc xảy ra vào khoảng 4 tháng tuổi, nhưng trẻ sơ sinh vẫn thích màu sắc và hoa văn tươi sáng hơn là màu xám.

Trẻ sơ sinh nhìn vật ở gần

Tiền đình:

Phát triển khá vào lúc sinh, các ống bán khuyên ở tai trong có thể phát hiện vận động (gia tốc góc và gia tốc thẳng). ĐIều này quan trọng trong sự phát triển kiểm soát tư thế.

Cảm thụ bản thể:

Mặc dù cảm giác về sờ và đau khá phát triển nhưng cảm nhận ở cơ và khớp kém phát triển vào lúc sinh. Các cảm giác này cũng quan trọng trong kiểm soát tư thế.

Các phản xạ

Đáp ứng phản xạ là “phản ứng vận động có thể tiên đoán được sau một kích thích cảm giác đặc hiệu”. Phản xạ có thể được chia thành sống còn (như mút, rooting), bảo vệ (như ợ hơi, rút người). Vai trò của phản xạ trong kiểm soát vận động vẫn chưa rõ và còn bàn cãi.

Có một số phản xạ quan trọng mà một trẻ sơ sinh thể hiện sau khi sinh; mỗi loại có thời hạn và chức năng cụ thể. Ví dụ:

  • Rễ/Tìm vú mẹ  (Rooting) Phản xạ này cho phép em bé tìm thấy núm vú của mẹ (hoặc núm vú bình sữa) để bú. Có thể gợi nên phản xạ này bằng cách vuốt má em bé; bé sẽ quay theo hướng được kích thích và tìm kiếm núm vú và mở miệng. Phản xạ này kéo dài khoảng 4 tháng.
  • Mút (Sucking)  Phản xạ này khởi phát khi vòm miệng bị kích thích. Phản xạ mút tạo điều hợp thở và nuốt, bắt đầu phát triển quanh 47 tuần. Trong khi nuốt, nắp thanh môn tạm thời đóng lại và ngăn cản thức ăn/sữa đi vào đường hô hấp. Phản xạ này biến mất khi trẻ 4 tháng tuổi (được thay bằng mút chủ ý).
  • Moro—Phản xạ Moro được cho là giúp trẻ sơ sinh bám vào mẹ để được an toàn và bảo vệ. Nếu gây một tiếng động đập mạnh gần em bé, em bé sẽ thực hiện chuyển động “ôm lấy” (duỗi rộng tay và chân sau đó đưa chúng về phía thân mình) để cố gắng bám lấy. Phản xạ này thường biến mất vào khoảng 6 tháng tuổi.
  • Bước/Stepping –Phản xạ bước chuẩn bị cho em bé bắt đầu bước đi một cách độc lập. Khi giữ trẻ dưới hai nách với hai chân chạm đất, bé sơ sinh sẽ thực hiện các chuyển động “bước” bằng chân của mình. Phản xạ này thường biến mất vào khoảng 2 tháng tuổi.
  • Babinski—Chức năng của phản xạ Babinski chưa được biết, mặc dù nó có thể liên quan đến đi bộ. Kích thích da lòng bàn chân của trẻ từ gót chân đến ngón chân, các ngón chân của bé sẽ xoè ra và bàn chân gập về phía mu chân. Phản xạ này thường biến mất vào khoảng 8-9 tháng, nhưng có thể kéo dài 1 tuổi. 
  • Phản xạ Trương lực Cổ Bất đối xứng (Asymmetrical Tonic Neck Reflex, ANTR): Đáp ứng với kích thích của cảm thụ bản thể ở cổ khi xoay đầu. Bên mặt: duỗi chi, bên đầu: gấp chi.
  • Một số phản xạ khác như chớp mắt (nhắm mắt với ánh sáng hoặc tiếng động mạnh), lòng bàn tay (nắm vật khi đặt lên lòng bàn tay), rút lui (rút bàn chân lui khi kích thích lòng bàn chân).
Phản xạ moro

Nhận xét về phản xạ: Các mẫu đáp ứng có thể chứng tỏ sự phát triển bất thường.
Sự hiện diện của các yếu tố sau có thể giúp chẩn đoán bất thường:

  • Đáp ứng không thay đổi với kích thích
  • đáp ứng yếu hoặc quá mức
  • không có phản ứng hoặc tồn tại kéo dài
  • không đối xứng của phản xạ

SỰ PHÁT TRIỂN VỀ THỂ CHẤT Ở THỜI THƠ ẤU

Trẻ nhũ nhi (infant) và ấu nhi tăng trưởng và phát triển với tốc độ nhanh chóng trong những năm đầu đời. Sự phát triển cả kỹ năng vận động thô và vận động tinh giúp một đứa trẻ từ một em bé sơ sinh hoàn toàn phụ thuộc trở thành một trẻ mới biết đi hoạt động khá độc lập trong khoảng 3 năm.

Sự tăng trưởng của cơ thể

Tăng trưởng xảy ra nhanh hơn ở giai đoạn nhũ nhi so với bất kỳ giai đoạn nào khác sau khi sinh. Thông thường, trẻ tăng gấp đôi trọng lượng khi được 3 tháng tuổi và tăng gấp ba vào lúc được 1 tuổi.

Sự tăng trưởng này biểu hiện rõ ở biểu đồ tăng trưởng chiều cao và cân nặng của trẻ.

Trẻ nhũ nhi không chỉ đơn giản là phiên bản thu nhỏ của người lớn. So với thanh thiếu niên và người trưởng thành, trẻ nhỏ nặng phần trên hơn vì đầu và thân của trẻ to không cân đối. Sau này khi sự phát triển của hông, chân và bàn chân bắt kịp thì cơ thể trẻ có tỷ lệ giống với người trưởng thành hơn.

Sự phát triển của hệ thần kinh 

Những thay đổi về thể chất mà chúng ta thấy khi trẻ sơ sinh lớn lên là rất ấn tượng. Điều đáng kinh ngạc hơn nữa là những thay đổi liên quan đến não và hệ thần kinh. Cảm giác đói hoặc đau của trẻ sơ sinh, nụ cười của trẻ và nỗ lực ngồi thẳng lưng hoặc cầm đồ vật của trẻ đều phản ánh hoạt động của não và phần còn lại của hệ thần kinh.

Sự hình thành các cấu trúc não

Sự khởi đầu của não có thể được truy dấu từ giai đoạn hợp tử. Vào khoảng 3 tuần sau khi thụ thai, một nhóm tế bào hình thành một cấu trúc phẳng được gọi là tấm thần kinh. Vào tuần thứ 4, tấm thần kinh sẽ gấp lại để tạo thành một cái ống. Khi hai đầu của ống đóng lại, các tế bào thần kinh được tạo ra trong một vùng nhỏ của ống thần kinh. Quá trình tạo các tế bào thần kinh bắt đầu khoảng 10 tuần sau khi thụ thai, và đến 28 tuần, bộ não đang phát triển có hầu như đầy đủ các tế bào thần kinh mà nó sẽ cần.

Từ vị trí sản xuất tế bào thần kinh trong ống thần kinh, các tế bào thần kinh di chuyển đến vị trí cuối cùng của chúng trong não. Bộ não được xây dựng theo từng giai đoạn: Các tế bào thần kinh ở lớp sâu nhất được định vị đầu tiên, tiếp theo là các tế bào thần kinh ở lớp thứ hai, tiếp tục cho đến khi tất cả sáu lớp của não trưởng thành ở đúng vị trí, vào khoảng 7 tháng sau khi thụ thai (Rakic, 1995). Trong tháng thứ tư của quá trình phát triển trước khi sinh, các sợi trục bắt đầu thu nhận myelin – một màng bọc chất béo giúp tăng tốc độ truyền dẫn thần kinh. Quá trình này tiếp tục diễn ra trong thời kỳ sơ sinh, đến thời thơ ấu và thiếu niên (Casaer, 1993).

Trong những tháng sau khi sinh, sợi trục và đuôi gai mọc dài hơn, và giống như một cây đang phát triển, các nhánh đuôi gai nhanh chóng mọc ra các chi mới. Khi số lượng đuôi gai tăng lên, số lượng khớp nối thần kinh cũng tăng lên, đạt mức cao nhất vào lúc khoảng một tuổi. Sau đó, số lượng các khớp nối thần kinh giảm đi, một hiện tượng được gọi là cắt tỉa khớp nối thần kinh (synaptic pruning). Do đó, bắt đầu từ giai đoạn nhũ nhi và tiếp tục đến giai đoạn đầu tuổi vị thành niên, não “giảm kích thước”, loại bỏ các khớp nối thần kinh không hoạt động (Webb, Monk, & Nelson, 2001).

Từ lúc sinh đến 2 tuổi, các neuron phát triển và tạo nhiều liên kết với các neuron khác

Sự myelin hoá (Myelination)

Các tế bào thần kinh đệm, chiếm một nửa khối lượng não trong thời thơ ấu, chịu trách nhiệm cho một quá trình được gọi là myelin hoá. Quá trình này cải thiện việc truyền thông điệp giữa các khớp nối thần kinh và hỗ trợ sự phát triển của não bộ. Sự kết nối giữa các tế bào thần kinh lân cận (được tạo ra trơn tru hơn thông qua quá trình myelination)  tạo điều kiện cho chức năng não nâng cao , chẳng hạn như lập kế hoạch và thực hiện các hành vi cũng như tích hợp thông tin cảm giác từ môi trường. Do quá trình cắt tỉa khớp thần kinh, quá trình myelin hoá và trải nghiệm môi trường của trẻ, bộ não đang phát triển sẽ phát triển từ trọng lượng 30% trọng lượng lúc trưởng thành khi mới sinh lên 70% vào lúc tuổi.

Tính mềm dẻo thần kinh (Neuroplasticity)

Tính mềm dẻo thần kinh cũng là một khía cạnh quan trọng của sự phát triển thời thơ ấu. Tính mềm dẻo của thần kinh là một thuật ngữ chung dùng để chỉ những thay đổi trong đường dẫn truyền thần kinh và các khớp nối thần kinh gây ra bởi những thay đổi trong hành vi, môi trường, các quá trình thần kinh, suy nghĩ và cảm xúc cũng như những thay đổi do chấn thương của cơ thể. Khái niệm về sự mềm dẻo thần kinh cho thấy cách thức não thay đổi trong suốt cuộc đời và cách thức các vùng khác nhau của não có thể phát triển và thích ứng theo thời gian. Sự thay đổi này xảy ra ở nhiều cấp độ khác nhau, từ những thay đổi tế bào (do học tập tạo nên) đến những thay đổi diện rộng để phản ứng với chấn thương. Vai trò của tính mềm dẻo thần kinh được xem là quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh, học tập, trí nhớ và phục hồi sau tổn thương não.

Sự phát triển của não biệt hóa 

Bộ não trưởng thành được chuyên biệt hóa, với các chức năng được xác định ở trong các vùng cụ thể. Một  số nguyên tắc chung mô tả sự biệt hoá của não khi trẻ phát triển là:

  • Sự biệt hóa thể hiện rất sớm trong quá trình phát triển. Nhiều vùng não chuyên biệt hóa sớm từ giai đoạn nhũ nhi. Ví dụ, sự biệt hóa sớm của vỏ não trán được thể hiện qua phát hiện rằng tổn thương vùng này ở giai đoạn nhũ nhi dẫn đến suy giảm khả năng ra quyết định và phản ứng cảm xúc bất thường (Anderson et al., 2001). Tương tự, bán cầu não trái của trẻ sơ sinh tạo ra nhiều hoạt động điện để phản ứng với lời nói hơn bán cầu não phải (Molfese & Burger-Judisch, 1991), cho thấy sự chuyên môn hóa sớm của bán cầu não trái về xử lý ngôn ngữ.
  • Sự biệt hóa có hai hình thức. Đầu tiên, cùng với sự phát triển, các vùng não hoạt động trong quá trình xử lý trở nên tập trung hơn. Thứ hai, các loại kích thích kích hoạt hoạt động của não thay đổi từ chung sang cụ thể (Johnson, Grossman, & Cohen Kadosh, 2009). Ví dụ, quá trình xử lý khuôn mặt trở nên tập trung trong một vùng não cụ thể và được điều chỉnh hẹp với các khuôn mặt (Scherf và cộng sự, 2007).
  • Các hệ thống não khác nhau biệt hoá với tốc độ khác nhau. Các vùng não liên quan đến các quá trình cảm giác và tri giác cơ bản biệt hoá trước khi các vùng đó cần thiết cho các quá trình xử lý bậc cao hơn (Fox, Levitt, & Nelson, 2010). Tương tự, một số hệ thống não nhạy cảm với phần thưởng (reward) sẽ trưởng thành ở tuổi vị thành niên, nhưng các hệ thống chịu trách nhiệm kiểm soát bản thân (self-control) không hoàn toàn biệt hoá cho đến khi trưởng thành (Casey, Jones và Somerville, 2011).
  • Sự biệt hóa thành công cần có sự kích thích từ môi trường. Bộ não của trẻ sơ sinh được trang bị các đường dẫn truyền thần kinh sơ bộ được thiết kế để thực hiện một số chức năng nhất định. Ví dụ, bán cầu não trái có một số con đường ngôn ngữ, và vỏ não trán có một số con đường liên quan đến cảm xúc. Tuy nhiên, việc hoàn thiện tổ chức hoá điển hình của bộ não trưởng thành cần có đầu vào từ môi trường (Greenough & Black, 1992). Trong trường hợp này, đầu vào môi trường ảnh hưởng đến sự tăng trưởng mong đợi – trải nghiệm. Các kích thích điều chỉnh các liên kết trong não, củng cố một số đường truyền và loại bỏ những đường truyền khác. 
  • Sự biệt hoá không đầy đủ của não chưa trưởng thành có một lợi ích — tính mềm dẻo (plasticity) nhiều hơn.

Sự phát triển của kỹ năng vận động

Kỹ năng vận động đề cập đến khả năng di chuyển cơ thể và điều khiển đồ vật của chúng ta. 

Các kỹ năng vận động thô (gross motor skills) điều phối các nhóm cơ lớn kiểm soát tay và chân của chúng ta và liên quan đến các vận động lớn như giữ thăng bằng, chạy và nhảy. Đến cuối năm thứ hai, hầu hết các trẻ (trừ những trẻ khuyết tật hoặc có nhu cầu đặc biệt khác) có thể đứng dậy, đi / chạy, leo cầu thang, nhảy và nhảy từng chân luân phiên. Khi trẻ lớn hơn (4-5 tuổi), nhiều trẻ cũng có thể bắt bóng, đạp xe đạp và chạy với tốc độ và nhanh nhẹn nhiều hơn. Điều kiện tiên quyết đối với tất cả những kỹ năng này là kiểm soát tư thế — khả năng giữ cao đầu, ngồi độc lập và đứng. Tư thế thích hợp cho phép đứa trẻ học cách bước đi, chạy và tham gia vào các kỹ năng vận động thô khác.

Ngược lại, các Kỹ năng vận động tinh (Fine motor skills) liên quan đến sự phối hợp của các cử động cơ nhỏ, thường bao gồm hoạt động của bàn tay phối hợp với mắt. Phối hợp tay và mắt cho phép trẻ thực hiện các kỹ năng như vẽ, cài nút và kéo khoá, ăn với đồ dùng và buộc dây giày. Trẻ em tăng khả năng thành thạo các kỹ năng này thông qua thực hành. Ví dụ: vào lúc trẻ 2 tuổi, trẻ chỉ có thể vẽ các nét vẽ nguệch ngoạc bằng bút chì màu, nhưng đến 5 tuổi, trẻ có thể vẽ khuôn mặt của một người hoàn chỉnh với mắt, mũi và miệng.

Các mốc phát triển thể chất (Physical Milestones)

Như đã nói ở trên, trẻ em phát triển rất nhanh và đạt được các mốc thể chất nhanh chóng trong những năm đầu đời. Sau đây là danh sách các cột mốc quan trọng xảy ra ở trẻ em trong những năm hình thành đầu tiên.

Sự phát triển kỹ năng vận động từ 0-24 tháng

Sự phát triển kỹ năng vận động trong giai đoạn 0-24 tháng (nhũ nhi) diễn ra một cách liên tục cho đến khi trẻ đứng và đi, phát triển những kỹ năng vận động tinh cơ bản. Quá trình phát triển này sẽ được trình bày riêng ở một bài viết khác.

Sự phát triển 2 năm đầu
Hai năm đầu tiên. Based on Shirley, M.M. (1931).

Đến 24 tháng:

  • Bò một cách khéo léo và nhanh chóng
  • Đứng một mình với hai bàn chân rộng ra, hai chân cứng, và hai tay dang ra  để hỗ trợ
  • Bắt đầu đứng dậy không cần trợ giúp
  • Có thể bước đi không cần trợ giúp gần cuối giai đoạn này; té ngã thường xuyên; không phải lúc nào cũng có thể di chuyển được xung quanh chướng ngại vật, chẳng hạn như đồ nội thất hoặc đồ chơi
  • Sử dụng đồ đạc trong nhà để hạ thấp mình xuống sàn; trở lại tư thế ngồi, hoặc chống hai tay về phía trước rồi ngồi
  • Thích đẩy hoặc kéo đồ chơi trong khi đi
  • Nhặt đồ vật lên và ném chúng; có chủ ý hơn
  • Thử chạy; gặp khó khăn khi dừng lại và thường ngã xuống sàn
  • Bò lên cầu thang bằng hai tay và hai chân; xuống cầu thang về vị trí cũ
  • Thích bút màu và bút dạ để viết nguệch ngoạc; sử dụng cử động của cả cánh tay
  • Giúp tự ăn; thích cầm thìa (thường úp ngược) và uống nước bằng ly hoặc cốc; không phải lúc nào cũng đưa đồ dùng vào miệng chính xác; thường làm rơi vãi và đổ thức ăn 
  • Giúp lật các trang của cuốn sách
  • Xếp chồng lên nhau từ hai đến sáu đồ vật

Lên đến 3 tuổi:

  • Đi lên và xuống cầu thang mà không cần trợ giúp, sử dụng hai chân luân phiên; có thể nhảy từ bậc cấp dưới, tiếp đất bằng cả hai chân
  • Có thể giữ thăng bằng khi đứng một chân trong giây lát 
  • Có thể đá vào các vật có hình quả bóng lớn
  • Cần hỗ trợ tối thiểu khi ăn
  • Nhảy tại chỗ
  • Đạp xe ba bánh nhỏ
  • Ném bóng qua đầu; mục tiêu và khoảng cách còn hạn chế
  • Bắt một quả bóng lớn với cả hai tay duỗi
  • Khả năng kiểm soát bút chì màu hoặc bút dạ tốt hơn, vẽ các nét dọc, ngang và tròn
  • Cầm bút giữa hai ngón trỏ, giữa và ngón cái (cầm nắm ba ngón), không phải với cả nắm tay như trước đây
  • Có thể lật từng trang sách
  • Thích xây dựng bằng các hình khối, xây tháp từ tám trở lên khối
  • Thích chơi với đất sét; trộn, lăn và bóp đất nặn
  • Có thể bắt đầu biểu hiện tay trội
  • Cài mở nút lớn và khóa kéo trên quần áo
  • Rửa sạch và lau khô bàn tay; tự đánh răng nhưng không kỹ
Trẻ mới biết đi khám phá thế giới của mình: Bằng cách thao tác với các đồ vật ở môi trường xung quanh, trẻ em học hỏi và phát triển thể chất cả về kỹ năng vận động thô và vận động tinh.

Đến 6 tuổi:

  • Kiểm soát tốt hơn các kỹ năng vận động thô và tinh; các cử động chính xác và có suy nghĩ hơn, mặc dù vẫn còn hơi vụng về
  • Thích chạy, nhảy, leo trèo và ném bóng,…
  • Thời gian chú ý tăng lên; hoạt động với các nhiệm vụ trong thời gian dài hơn
  • Có thể tập trung cố gắng nỗ lực nhưng không phải lúc nào cũng nhất quán
  • Thích các hoạt động phân loại và giải quyết vấn đề như xếp chồng, trò chơi giải đố và mê cung, các trò chơi ghép các chữ cái và từ với hình ảnh
  • Nhận biết một số từ khi nhìn thấy; cố gắng đọc các từ
  • Khả năng hoạt động cải thiện tạo điều kiện thuận lợi cho việc học đạp xe đạp, học bơi, đánh gậy hoặc đá bóng
  • Có khả năng theo dõi đồ vật
  • Gấp và cắt giấy thành các hình dạng đơn giản
  • Có thể buộc dây
Vào lúc 5 tuổi, kỹ năng vận động tinh phát triển cho phép trẻ tự mặc áo quần

Tài liệu tham khảo:

Essentials of Human Development, A Life-Span View. Robert V. Kail, John C. Cavanaugh. Wadsworth, Cengage Learning. 2014


👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này