Cập nhật lần cuối vào 08/08/2023
Bài viết cung cấp một số mô hình về lý thuyết hướng dẫn thực hành hoạt động trị liệu.
Các KTV hoạt động trị liệu cần nắm về các lý thuyết, mô hình thực hành và khung tham chiếu để hiểu rõ hơn về nghề của mình, thể hiện sự can thiệp dựa trên bằng chứng. Các lý thuyết, mô hình thực hành và khung tham chiếu cung cấp KTV hoạt động trị liệu một phương tiện để hiểu và giải thích thông tin để từ đó đưa ra một kế hoạch can thiệp hiệu quả.
Mục lục
Lý thuyết (Theory)
Thuật ngữ lý thuyết đề cập đến quá trình hiểu các hiện tượng, bao gồm các khái niệm mô tả và xác định các hiện tượng và mối quan hệ giữa các sự kiện quan sát được trong các tình huống hoặc bối cảnh. Một lý thuyết được đánh giá qua các bối cảnh để xác nhận các khái niệm và mối quan hệ. Mặc dù một lý thuyết có thể được tạo ra bởi một ngành nghề, nhưng nó thường được áp dụng cho nhiều ngành nghề nếu nó trở thành một phương pháp được chấp nhận để hiểu các hiện tượng. Theo Reed, lý thuyết nhằm:
- xác định và giải thích mối quan hệ giữa các khái niệm hoặc ý tưởng liên quan đến hiện tượng được quan tâm (ví dụ: hiệu suất hoạt động và hoạt động).
- giải thích làm thế nào những mối quan hệ này có thể dự đoán được các hành vi hoặc sự kiện.
- đề xuất những cách có thể thay đổi hoặc kiểm soát hiện tượng.
Một ví dụ về một lý thuyết đáp ứng những mong muốn này và được nhiều người biết đến là lý thuyết vi trùng. Được chấp nhận và thử nghiệm rộng rãi, lý thuyết vi trùng cho rằng các vi sinh vật gây ra bệnh nhiễm trùng. Trước khi hiểu rõ mối quan hệ giữa các vi sinh vật này và bệnh nhiễm trùng, người thầy thuốc có thể khám nghiệm tử thi và sau đó sang phòng bên cạnh để đỡ sinh một em bé mà không cần rửa tay. Số lượng và mức độ nghiêm trọng của các ca nhiễm trùng sau khi sinh con giảm đáng kể khi lý thuyết vi trùng được chấp nhận và sau đó được áp dụng vào thực tế (một khung tham chiếu) thông qua áp dụng các quy trình rửa tay đúng cách. Từ góc độ KTV hoạt động trị liệu, các lý thuyết cung cấp cho hoạt động một phương tiện để kiểm tra các hoạt động và hiệu suất hoạt động và để hiểu mối quan hệ giữa sự tham gia vào các hoạt động và sự tham gia vào bối cảnh. Mục đích chính của một lý thuyết là để hiểu hiện tượng cụ thể. Lý thuyết về hành vi hoạt động của Mary Reilly được thiết kế để giải thích tầm quan trọng của hoạt động và mối quan hệ giữa hoạt động và sức khỏe. Lý thuyết của bà là nền tảng cho một số mô hình thực hành trong chuyên ngành hoạt động trị liệu.
Mô hình thực hành (Model of Practice)
Một mô hình thực hành (model of practice, MOP) giúp KTV HĐTL tổ chức suy nghĩ của mình. Ví dụ như những nhà trị liệu sử dụng Mô hình Hoạt động Con người (MOHO) biết rằng họ sẽ thu thập thông tin về ý chí (nghĩa là các mục đích của trẻ hoặc cha mẹ và các ưu tiên hoặc chọn lựa hoạt động), thói quen hay việc thường ngày (habituation or routines) (nghĩa là trẻ hoạt động gì trong ngày), hiệu suất thực hiện (nghĩa là các kỹ năng và khả năng của trẻ), và môi trường (nghĩa là cấu trúc vật lý môi trường nhà).
Những nhà trị liệu sử dụng mô hình Con người – Môi trường – Hoạt động – Thực hiện (PEOP) sẽ tổ chức suy nghĩ của mình vào trong thông tin về trẻ (nghĩa là các khả năng thể chất của trẻ), môi trường (nghĩa là trẻ học ở trường nào), và thực hiện hoạt động (nghĩa là trẻ thực hiện các hoạt động hàng ngày của mình như thế nào).
Các mô hình thực hành thường sử dụng khác bao gồm Thích nghi Hoạt động (Occupational Adaptation) và Mô hình Thực hiện Hoạt động Canada (Canadian Occupational Performance Model).
Các MOP cung cấp cho các nhà trị liệu một khung để suy nghĩ và sắp xếp các vật liệu. Chúng giúp các nhà trị liệu chú ý vào các yếu tố ảnh hưởng hoạt động chức năng. Do đó, chúng phù hợp với Khung Thực hành Hoạt động trị liệu (Occupational Therapy Practice Framework, OTPF) ở chỗ nó nhấn mạnh vào hoạt động.
Mô hình hoạt động của con người (MOHO)
Trong Mô hình hoạt động của con người (Model of Human Occupation, MOHO), sự tham gia vào hoạt động được hiểu là sản phẩm của ba hệ thống con có liên quan với nhau: ý chí (volitional), thói quen (habituation) và năng lực thực hiện (performance capacity). Các hệ thống con này không thể được giảm xuống thành một quá trình tuyến tính; chúng liên kết với nhau để tạo ra hiệu suất hoạt động.
- Hệ thống Ý chí đề cập đến các giá trị, sở thích và quan hệ cá nhân của khách hàng. Một khách hàng có thể xác định rõ ràng các giá trị và mối quan tâm với một KTV hoạt động trị liệu, nhưng sau đó lại bày tỏ cảm giác không đủ năng lực để tham gia vào công việc mong muốn. Ý chí là suy nghĩ và cảm xúc của khách hàng, bao gồm cả sự lựa chọn hoạt động.
- Hệ thống thói quen đề cập đến những thói quen và vai trò thường rất quan trọng đối với cảm giác về bản thân. Khách hàng đôi khi bày tỏ, chẳng hạn như “Tôi cảm thấy không là chính mình,” khi nói về sự bóp méo thói quen hoặc vai trò mà họ đã trải qua trong cuộc sống. Một khách hàng gặp phải tình trạng khuyết tật thường trải qua sự gián đoạn nghiêm trọng trong các vai trò và thói quen. Cảm giác về bản thân có thể bị suy giảm khi các vai trò như lái xe đi làm, đi mua sắm bị mất đi vì tình trạng khuyết tật.
- Hệ thống hiệu suất thực hiện phản ánh kinh nghiệm sống của khách hàng về cơ thể. Điều này không đề cập đến sức mạnh của cơ hoặc tầm vận động hiện có, mà là trải nghiệm trước đây của khách hàng, những thay đổi và kỳ vọng về khả năng thực hiện. Câu nói “Một khi bạn đã đạp một chiếc xe, bạn sẽ không bao giờ quên” nắm bắt một phần khái niệm này và yêu cầu nhà trị liệu xem xét trải nghiệm thành công hay thất bại của khách hàng trong việc sử dụng cơ thể để tham gia vào các hoạt động.
Hệ Sinh thái Thực hiện của con người
Hệ sinh thái thực hiện của con người (EHP, The ecology of human performance) không được thiết kế để sử dụng riêng trong lĩnh vực trị liệu hoạt động; đúng hơn, nó được dự định phục vụ như một cơ chế để hiểu hiệu suất của con người trong các ngành nghề. Một khái niệm quan trọng được thể hiện trong EHP là sự tương tác của con người, nhiệm vụ các (yêu cầu hoạt động) và bối cảnh. Thực hiện hoạt động đan xen với, và là sản phẩm của sự tương tác của ba biến này. EHP là một mô hình lấy khách hàng làm trung tâm, trong đó
- mỗi người được xem là độc nhất và phức tạp, có kinh nghiệm, kỹ năng, nhu cầu và thuộc tính trong quá khứ của riêng họ.
- Nhiệm vụ được hiểu là các hành vi khách quan và có thể quan sát được để hoàn thành một mục tiêu.
- Bối cảnh bao gồm tuổi tác, giai đoạn của cuộc đời và tình trạng sức khỏe của người đó từ góc độ ý nghĩa văn hóa và xã hội của mỗi người. Bối cảnh cũng đề cập đến các yếu tố vật lý, xã hội và văn hóa ảnh hưởng đến hiệu suất.
EHP nhận ra rằng ba yếu tố này ảnh hưởng lẫn nhau và con người cũng như nhiệm vụ có mối liên hệ chặt chẽ với bối cảnh. Hiệu suất là sản phẩm của con người tham gia vào một nhiệm vụ trong một bối cảnh.
Một đóng góp đáng kể của mô hình này là tầm quan trọng như nhau được đặt trên mỗi biến trong việc tạo ra thực hiện hoạt động. Thay vì chỉ tập trung vào việc cải thiện các kỹ năng của khách hàng, can thiệp sử dụng mô hình này có thể có nhiều hình thức. Năm chiến lược can thiệp được mô tả, phản ánh sự tương đồng gần với OTPF.
- Thiết lập/khôi phục (Establish/restore). Mặc dù tập trung vào việc cải thiện khả năng và kỹ năng của người đó, nhưng sự can thiệp bao gồm bối cảnh thực hiện.
- Thay đổi (Alter). Can thiệp được thiết kế để thay đổi các yếu tố hoàn cảnh nhằm thúc đẩy hiệu suất hoạt động; ví dụ sửa đổi nhà để cho phép sử dụng xe lăn.
- Điều chỉnh/sửa đổi (Adapt/modify). Nhiệm vụ hoặc bối cảnh được điều chỉnh hoặc sửa đổi để hỗ trợ hiệu suất, chẳng hạn như sử dụng que cán dài để lấy đồ vật hoặc dây giày đàn hồi để khỏi phải buộc dây giày.
- Phòng ngừa (Prevent). Can thiệp có thể hướng đến con người, bối cảnh hoặc nhiệm vụ để ngăn ngừa các vấn đề tiềm ẩn. Ví dụ như hướng dẫn khách hàng các kỹ thuật an toàn để phòng ngừa đau lưng; lấy bỏ thảm trong môi trường để giảm nguy cơ té ngã như là một phương pháp phòng ngừa với bối cảnh; và giảm nhiệt độ nước cho khách hàng có vấn đề về giác quan để giảm nguy cơ bị bỏng khi tắm.
- Tạo ra (Create). Can thiệp giải quyết cả ba biến số về con người, nhiệm vụ và bối cảnh và được thiết kế để phát triển hoặc tạo cơ hội cho hiệu suất hoạt động.
Mô hình Con người – Môi trường – Hoạt động
Mô hình con người – môi trường – hoạt động (PEO, Person-Environment-Occupation Model) có những đặc điểm giống với mô hình EHP; hiệu suất hoạt động được xem là phần giao thoa giữa con người, môi trường và hoạt động. Đây là cách tiếp cận lấy khách hàng làm trung tâm, nhưng môi trường và hoạt động cũng được chú trọng như nhau khi thiết kế can thiệp.
- PEO định nghĩa con người là một sinh vật năng động và luôn thay đổi với các kỹ năng và khả năng nhằm đáp ứng các vai trò theo thời gian.
- Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất, xã hội, văn hóa và thể chế có ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động.
- Các hoạt động bao gồm chăm sóc bản thân, năng suất (hữu ích, productive) và giải trí.
PEO phân biệt rõ hơn sự tiến triển với một hoạt động, một phần nhỏ của nhiệm vụ, một nhiệm vụ là một bước rõ ràng hướng tới một hoạt động và bản thân hoạt động, thường phát triển theo thời gian. Ví dụ như hoạt động cầm dao một cách an toàn. Đây là một phần nhỏ của nhiệm vụ làm bánh sandwich bơ đậu phộng và thạch, và nhiệm vụ làm bánh sandwich được xem là một phần của hoạt động chuẩn bị bữa ăn.
Hiệu suất hoạt động là kết quả của con người, môi trường và hoạt động tương tác động với nhau.
Mô Hình | Tác giả | Các thành phần | Tiền đề |
Mô hình Hoạt động Con người (MOHO) | Kielhofner | Ý chí Thói quen Thực hiện Môi trường | Con người là một hệ thống mở.Ý chí dẫn đường hệ thống. Vai trò của nhà điều trị là hiểu khách hàng theo các hệ thống này và can thiệp để tạo thuận sự tham gia trong các hoạt động |
Mô hình Thực hiện Hoạt động Canada (CMOP) (phiên bản mới hơn là CMOP-E) | Hiệp hội hoạt động trị liệu, Townsend et al | Tâm linh Hoạt động Bối cảnh (bao gồm thể chế) | Sự giá trị của con người là trung tâm của mô hình này. Tâm linh là cốt lõi của con người. Do đó nhà trị liệu phải hiểu về tâm linh của khách hàng để tạo thuận sự tham gia vào các hoạt động. Thực hiện hoạt động xảy ra trong các môi trường vật lý, văn hoá và xã hội. |
Mô hình Con người – Môi trường – Hoạt động – Thực hiện (PEO-P) | Law et al | Con người Môi trường Hoạt động | Nhìn con người theo các yếu tố cảm xúc, xã hội và thể chất. Môi trường (bối cảnh) ảnh hưởng đến con người và các hoạt động. Môi trường bao gồm văn hoá. Hoạt động là những điều con người thực hiện. |
Một số mô hình hoạt động khác:
- Mô hình Thực hiện Hoạt động Úc
- Mô hình Kawa
- Dunn’s Model of Sensory Processing
Khung tham chiếu
Mục đích của khung tham chiếu (FOR, frame of reference) là giúp KTV hoạt động trị liệu liên kết lý thuyết với các chiến lược can thiệp và áp dụng lý luận lâm sàng vào các phương pháp can thiệp đã chọn. Khung tham chiếu thường có cái nhìn hẹp hơn về cách tiếp cận hiệu suất hoạt động so với các mô hình thực hành. Các chiến lược can thiệp được mô tả trong các FOR khác nhau không nhằm mục đích sử dụng như một quy trình, mà là cung cấp cho nhà trị liệu một cách để tổ chức can thiệp và suy nghĩ về các tiến trình can thiệp. Nhà trị liệu phải luôn tham gia vào các hình thức suy luận lâm sàng khác nhau để đặt câu hỏi về hiệu quả của can thiệp trong việc đáp ứng các mục tiêu và kết quả của khách hàng.
Một khung tham chiếu phải phù hợp để đáp ứng các mục tiêu và kết quả mong đợi của khách hàng. Khái niệm “một kích cỡ phù hợp với mọi người” chắc chắn không áp dụng cho việc sử dụng FOR để hướng dẫn can thiệp; đó là lý do tại sao cần có nhiều FOR để đáp ứng các mục tiêu và kết quả khác nhau của khách hàng. Một nhà trị liệu có thể kết hợp các chiến lược can thiệp từ một số FOR khác nhau để đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách hiệu quả.
- Ví dụ, một khách hàng có thể khôi phục khả năng điều hợp và kiểm soát chính xác cả hai tay sau Chấn thương sọ não nếu KTV hoạt động trị liệu kết hợp một FOR sinh cơ học và một FOR cảm giác – vận động, nhưng khách hàng này có thể bị suy giảm trí nhớ kéo dài, đòi hỏi phải sử dụng các chiến lược từ một FOR phục hồi.
Sau đây mô tả ngắn gọn một số FOR thường được sử dụng trong hoạt động trị liệu kèm các ví dụ minh hoạ.
Khung tham chiếu cơ sinh học (Biomechanical Frame of Reference)
Sự hiểu biết về lực động học và chuyển động học đóng vai trò là nền tảng cho FOR cơ sinh học. Nhà trị liệu xem xét những hạn chế trong hiệu suất hoạt động từ góc độ cơ sinh học, phân tích vận động cần thiết để tham gia vào hoạt động. Dựa trên các nguyên tắc vật lý, lực, đòn bẩy và mô-men xoắn cần thiết để thực hiện một nhiệm vụ hoặc hoạt động cần đánh giá. Đây cũng là cơ sở để can thiệp. Khách hàng có thể không mở được lọ bơ đậu phộng vì các hạn chế về lực cầm nắm hoặc tầm vận động hiện tại của bàn tay để giữ lọ. Cách tiếp cận cơ sinh học sẽ tập trung can thiệp vào việc giải quyết các yếu tố khách hàng cơ bản này để cải thiện hiệu suất hoạt động. Mặc dù can thiệp có thể dưới dạng các bài tập, nẹp hoặc các phương pháp chỉnh hình khác, nhưng kết quả phải phản ánh sự tham gia vào hoạt động.
Khung tham chiếu phục hồi (Rehabilitation Frame of Reference)
FOR Phục hồi tập trung vào khả năng khách hàng trở lại hoạt động đầy đủ nhất có thể về thể chất, tinh thần, xã hội, nghề nghiệp và kinh tế. Nhấn mạnh vào các khả năng của khách hàng và sử dụng các khả năng hiện tại, cùng với công nghệ hoặc dụng cụ, để đạt được hiệu suất hoạt động. Các chiến lược can thiệp bù trừ thường được sử dụng.
Ví dụ là dạy các kỹ thuật mặc quần áo bằng một tay cho một bệnh nhân đột quỵ không còn sử dụng được chức năng tay liệt.
Trọng tâm của can thiệp thường là tham gia vào hoạt động thông qua các phương tiện thay thế.
Quay trở lại ví dụ làm bánh sandwich bơ đậu phộng, thay vì yêu cầu khách hàng tập làm mạnh các cơ bàn tay để cuối cùng mở được lọ, KTV hoạt động trị liệu sẽ đề xuất sử dụng một dụng cụ để giữ cố định lọ, và một dụng cụ kẹp để giúp thực hiện nhiệm vụ, sử dụng các khả năng hiện tại của khách hàng. Cho dù công nghệ hoặc thiết bị hiện có, nhà trị liệu phải luôn liên kết sự can thiệp với hiệu suất hoạt động của khách hàng.
Khung tham chiếu cảm giác – vận động (Sensorimotor Frame of Reference)
Có một số FOR được nằm trong danh mục cảm giác – vận động, chẳng hạn như Tạo thuận Thần kinh Cơ (PNF) và Trị liệu theo Phát triển Thần kinh (NDT, Bobath). Những cách tiếp cận này có một nền tảng chung: chúng xem một khách hàng bị một tổn thương hệ thống thần kinh trung ương (CNS) ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh vận động cao như là có khả năng kiểm soát kém đối với các tế bào thần kinh vận động thấp. Để giành lại quyền kiểm soát các tế bào thần kinh vận động thấp, nhiều kỹ thuật khác nhau được sử dụng để thúc đẩy tái tổ chức vỏ não cảm giác và vận động của não. Các kỹ thuật cụ thể khác nhau, nhưng tiền đề cơ bản là khi bệnh nhân nhận được thông tin cảm giác có hệ thống, não của họ sẽ tổ chức lại và chức năng vận động sẽ hoạt động trở lại.
Khung tham chiếu | Tác giả | Các nguyên lý | Nhóm bệnh mẫu | Các phương thức trị liệu |
Phát triển | Llorens | Phát triển xảy ra qua thời gian và giữa các kỹ năng (như vận động thô và vận động tinh). Một số trẻ bị cách khoảng trong phát triển do một chấn thương thể chất, cảm xúc và/hoặc xã hội. Vai trò của hoạt động trị liệu là lấp khoảng cách này. | Hội chứng Down, khuyết tật trí tuệ, Mất khả năng phát triển (failure to thrive), bại não, phổ tự kỹ | Xác định mức độ chức năng hiện tại. Thực hành lên bước tiếp theo để đạt được kỹ năng. Can thiệp bao gồm thực hành, lập lại, giáo dục và làm mẫu kỹ năng. |
Sinh cơ học | Pedretti và Paszuinielli | Cả thiện sức mạnh, sức bền, tầm vận động để thực hiện hoạt động. | Trẻ có vấn đề về tim, đám rối cánh tay, bại não, viêm khớp trẻ em, Hội chứng Down | Sức mạnh: gia tăng trọng lượng của đồ chơi hoặc sử dụng lặp lại đồ vật. Sức bền: tăng thời gian tham gia hoạt động. Tầm vận động: Kéo dãn chậm, giữ để cải thiện tầm cuối. |
Tích hợp cảm giác | Ayres | Trẻ bị rối loạn chức năng tích hợp cảm giác gặp khó khăn trong xử lý thông tin cảm giác (tiền đình, cảm thụ bản thể, xúc giác). Cải thiện xử lý cảm giác dẫn đến cải thiện tham gia hoạt động. | Rối loạn tích hợp cảm giác, rối loạn điều hợp phát triển, rối loạn điều biến cảm giác, phổ tự kỷ | Cung cấp đầu vào cảm giác có kiểm soát để cải thiện khả năng xử lý kích thích cảm giác của trẻ. Sử dụng dụng cụ treo người và “thử thách vừa đủ”. Cung cấp các hoạt động định hướng cho trẻ. |
Kiểm soát vận động (Motor control) | Shumway – Cook | Thu nhận các kỹ năng vận động dựa trên lý thuyết các hệ thống động. (Tất cả các hệ thống, bao gồm cảm giác, vận động, và nhận thức tương tác với nhau để cho vận động xảy ra). | Bại não, rối loạn điều hợp phát triển, hội chứng Down | Tiếp cận định hướng nhiệm vụ: trẻ học vận động tốt nhất bằng cách lặp lại các hoạt động trong các môi trường tự nhiên nhất, thay đổi các yêu cầu. Chúng học từ các sai lầm vận động. |
Phát triển thần kinh (Neuro- developmental) | Bobath, Schoen và Anderson | Trẻ học các mẫu vận động khi chúng “cảm thấy” mẫu vận động bình thường | Bại não, Chấn thương sọ não | Người điều trị sử dụng các kỹ thuật cầm nắm thao tác và các điểm kiểm soát chính để ức chế trương lực cơ bất thường và tạo thuận mẫu vận động bình thường. Trẻ học qua “cảm thấy” các mẫu vận động bình thường và do đó không mắc lỗi vận động. |
Mô hình Hoạt động Con người (MOHO) | Kielhofner | Ý chí Thói quen Năng lực thực hiện Môi trường | Tất cả chẩn đoán | Con người là một hệ thống mở. Ý chí dẫn đường hệ thống. Vai trò của nhà điều trị là hiểu khách hàng theo các hệ thống này và can thiệp để tạo thuận sự tham gia trong các hoạt động |
Phục hồi | Pendleton, Schultz- Krohn | Học lại các kỹ năng đã mất; phát triển các chiến lược bù trừ; và phát triển các chiến lược thích nghi | Tổn thương não mắc phải, Chấn thương, Đột quỵ | Giúp bệnh nhân có lại chức năng để độc lập trong hoạt động. Giúp bệnh nhân tập luyện, cải thiện sức mạnh, tầm vận động và sức bền. |
MỘT SỐ VÍ DỤ:
Tiếp cận (theo tiến trình) Phát triển
Ví dụ trường hợp
Sơn là một bé trai 2 tuổi được chẩn đoán mắc chứng chậm phát triển chung. Sơn đến trung tâm can thiệp sớm hai lần mỗi tuần, với 2 giờ mỗi tuần dành cho học “nhóm” và 1 giờ mỗi tuần cho trị liệu trực tiếp. Đánh giá HĐTL, dựa trên Hồ sơ học tập sớm Hawaii (Hawaii Early Learning Profile), cho thấy Sơn hoạt động ở mức trẻ từ 16 đến 20 tháng đối với hầu hết các kỹ năng, trong đó kỹ năng vận động thô là lĩnh vực mạnh nhất của trẻ và kỹ năng vận động tinh và ngôn ngữ là yếu nhất.
- Về mặt nhận thức, Sơn nhận ra và chỉ vào bốn bức tranh động vật (16–21 tháng), nhận dạng chính mình trong gương (15–16 tháng), xác định một bộ phận cơ thể (15–19 tháng) và tìm kiếm đồ vật bị giấu (17–18 tháng).
- Các kỹ năng ngôn ngữ diễn đạt bao gồm nói không một cách có ý nghĩa (13–15 tháng), gọi tên một hoặc hai đồ vật quen thuộc (13–18 tháng) và sử dụng 10 đến 15 từ một cách tự nhiên (15–17 tháng).
- Kỹ năng vận động thô tương đương trẻ 20 tháng: Sơn nhặt đồ chơi trên sàn mà không bị ngã (19–24 tháng), chạy khá tốt (18–24 tháng) và ngồi xổm khi chơi (20–21 tháng). Bé không tự đi lên cầu thang (22–24 tháng) hoặc nhảy tại chỗ (22–30 tháng).
- Kỹ năng vận động tinh thay đổi đến mức 18 tháng. Sơn xây một tòa tháp bằng hai hình khối (12–16 tháng) và viết nguệch ngoạc một cách tự nhiên (13–18 tháng). Trẻ sử dụng cả hai tay ở đường giữa (16–18 tháng) nhưng gặp khó khăn khi chỉ bằng ngón trỏ (12–16 tháng) và khó đặt một chốt tròn vào bảng ghim (12–15 tháng).
- Các kỹ năng cảm xúc xã hội bao gồm thích chơi trò nhào lộn (18–24 tháng), thể hiện tình cảm (18–24 tháng) và thể hiện ưa thích đồ chơi (12–18 tháng).
- Sơn có kỹ năng tự chăm sóc tương đương 12 tháng. Bé tự cầm thìa và tự ăn bằng ngón tay (9–12 tháng), ngủ ngắn một hoặc hai lần mỗi ngày (9–12 tháng), hợp tác với việc mặc quần áo (10–12 tháng) và tự bỏ mũ (15–16 tháng).
KTV HĐTL đã thiết kế một kế hoạch can thiệp dựa trên bức tranh phát triển này của Sơn và mối quan tâm của cha mẹ rằng Sơn không “chơi như đứa em họ 30 tháng tuổi của mình”. Mục tiêu chung của can thiệp dựa trên Khung tham chiếu Phát triển là tạo điều kiện cho trẻ có khả năng thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với lứa tuổi trong các lĩnh vực tự chăm sóc, vui chơi/giải trí, giáo dục và tham gia xã hội. FOR phát triển nhắm mục tiêu can thiệp ở cấp độ mà trẻ hiện đang hoạt động và yêu cầu KTV đưa ra một thử thách nâng cao hơn một chút. Các KTV sử dụng FOR phát triển cần có kiến thức rõ ràng về sự tiến triển hợp lý của các kỹ năng. Một buổi trị liệu điển hình được minh họa bằng ghi chú SOAP (chủ quan, khách quan, đánh giá và kế hoạch) sau đây.
Mẫu ghi chép SOAP
S
Mẹ của Sơn nói rằng hiện trẻ đã gạch được một đường thẳng.
O
Trong buổi học nhóm nhỏ với ba bạn học, Sơn viết tự nguệch ngoạc, với một bút chì màu trong lòng bàn tay. Bé bắt chước gạch được một nét dọc (18–24 tháng) và một nét tròn một trong năm lần (20–24 tháng). Sơn đã xây dựng một tòa tháp gồm bốn khối lập phương (18–22 tháng). Cháu chỉ bằng ngón trỏ theo mệnh lệnh (2/5 lần). Sơn gặp khó khăn trong tách biệt ngón trỏ với các ngón khác khi chơi với các ngón tay. Sơn cởi tất (15–18 tháng), đội mũ (16–18 tháng) và cầm quai cốc (12–15 tháng). Bé khó khăn khi xúc thức ăn bằng thìa (15–24 tháng) và tiếp tục bú bình (18–24 tháng).
A
- Sơn thể hiện các kỹ năng vận động tinh và tự chăm sóc một cách nhất quán như trẻ 18 tháng. Cháu thể hiện nhiều kỹ năng tự chăm sóc mới.
- Sơn đang tiến bộ trong việc đạt được các kỹ năng phù hợp với lứa tuổi để vui chơi, tự chăm sóc bản thân và học tập.
P
Sơn sẽ tham gia vào các buổi học nhóm được thiết kế để tạo điều kiện cho các kỹ năng vui chơi và cảm xúc – xã hội. Sơn sẽ tiếp tục được trị liệu riêng hàng tuần để cải thiện khả năng vận động tinh và khả năng tự chăm sóc bản thân, các kỹ năng vui chơi, tự chăm sóc và học tập. Cháu sẽ tập các kỹ năng về cảm xúc – xã hội và kỹ năng chơi theo nhóm. Cha mẹ của cậu ấy đã được cung cấp các hoạt động phát triển để Sơn tham gia ở nhà.
Bàn luận
KTV đã sử dụng Khung tham chiếu Phát triển để điều trị cho Sơn. Cô tập trung vào các kỹ năng vận động tinh và tự chăm sóc vì Sơn đã tham gia vào các buổi nhóm để phát triển các kỹ năng vui chơi và cảm xúc xã hội. KTV thiết kế chương trình can thiệp mang tính vui chơi và thú vị, và bắt đầu ở cấp độ mà Sơn đang hoạt động. Cô tăng dần mức độ khó và cung cấp các hoạt động phù hợp với sự phát triển để cha mẹ cậu sử dụng ở nhà.
tiếp cận Sinh cơ học
Ví dụ trường hợp:
H là một trẻ gái 14 tháng tuổi bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay trái trong khi sinh (liệt Erb). Cháu được một KTV HĐTL đến can thiệp tại nhà hai lần một tuần. Các mục tiêu HĐTL dài hạn của Abigail bao gồm
- Tăng tầm vận động chủ động (AROM) ở cánh tay trái,
- Tăng sức mạnh chức năng ở cánh tay trái, và
- Tăng khả năng sử dụng cánh tay trái của trẻ trong các hoạt động phù hợp với lứa tuổi như chơi với một món đồ chơi và tự ăn.
Các buổi can thiệp của KTV với H kéo dài 30 phút. Một buổi trị liệu thường được ghi chép tiến độ hàng ngày như sau. Mục tiêu của các buổi trị liệu sử dụng Khung tham chiếu Sinh cơ học là tăng cường sức mạnh, sức bền và tầm vận động để tham gia thành công vào các công việc đã chọn (ví dụ: vui chơi và tự chăm sóc bản thân).
Mẫu ghi chép SOAP
S (Subjective, chủ quan)
Mẹ của H nói rằng cháu thích các bài tập tầm vận động mà cháu thực hiện mỗi ngày. Cháu đặc biệt thích hát “…” trong các bài tập kéo giãn cơ.
O (Objective, khách quan)
H được trị liệu kéo dài 30 phút mỗi buổi tại nhà. Mẹ và anh trai đã có mặt trong toàn bộ buổi tập. Các bài tập kéo dãn và tầm vận động chủ động (AROM) cánh tay trái đã được thực hiện. AROM vai trái là 0° đến 105° và ROM thụ động (PROM) 0° đến 180°.
Các hoạt động bao gồm mang trọng lượng trên cánh tay trái duỗi thẳng trong 1 phút trong khi H với lấy đồ chơi bằng cánh tay phải của mình. H cũng với lấy đồ chơi bằng cánh tay trái trong khi dồn trọng lượng lên cánh tay phải. H tự nhiên sử dụng cánh tay trái của mình để hỗ trợ khi chơi xếp hình.
A (Assessment: Lượng giá)
Abigail tích cực tham gia các hoạt động trong suốt buổi tập. Khả năng giữ trọng lượng trên cánh tay trái của cháu với trợ giúp tối thiểu đã được cải thiện từ thời gian 20 giây lên 1 phút. AROM vai trái từ 0° đến 105° đã tăng 10° kể từ tháng trước.
P (Plan: kế hoạch)
Abigail sẽ tham gia tập hoạt động trị liệu hai lần mỗi tuần để cải thiện chức năng của chi trên bên trái để vui chơi, tự chăm sóc và học tập. Mục tiêu của trẻ bao gồm đạt được AROM đầy đủ cho tay trái, tăng cường sức mạnh cho cánh tay trái để nâng đồ vật và sử dụng tay trái để trợ giúp hoạt động một cách tự nhiên.
Bàn luận:
KTV đã sử dụng Khung tham chiếu sinh cơ học để trị liệu cho H. FOR này được sử dụng cho các trẻ em (và người lớn) có các vấn đề về chỉnh hình (tức là xương, khớp hoặc cơ) chẳng hạn như chấn thương tay hoặc rối loạn nơron vận động dưới (ảnh hưởng đến các kết nối thần kinh bên ngoài hệ thống thần kinh trung ương) chẳng hạn như tổn thương đám rối thần kinh cánh tay. Mục tiêu của tiếp cận sinh cơ học là:
1. Đánh giá những hạn chế về thể chất đối với ROM, sức mạnh cơ bắp và sức bền của khách hàng;
2. Cải thiện ROM, sức mạnh và sức bền; và
3. Ngăn ngừa hoặc giảm co rút và biến dạng.
Cách tiếp cận này tập trung vào những hạn chế về thể chất cản trở khả năng của khách hàng tham gia vào các lĩnh vực hoạt động của ADL, IADL, nghỉ ngơi và giấc ngủ, các hoạt động vui chơi và giải trí cũng như các hoạt động làm việc và sản xuất. KTV sẽ làm việc với mục tiêu tổng thể là cải thiện khả năng sử dụng cả hai tay của H để vui chơi, tự chăm sóc bản thân và học tập. (Hình sau minh hoạ một hoạt động vui chơi thúc đẩy sử dụng cả hai tay.)
Tiếp cận tích hợp cảm giác
Ví dụ trường hợp
Tân là một bé trai 13 tuổi bị rối loạn chức năng tích hợp cảm giác. Vận động của cháu vụng về, khả năng giữ thăng bằng và phối hợp kém; khi gắng sức có các phản ứng phối hợp (chẳng hạn như di chuyển cả hai tay khi em viết). Tân thể hiện khả năng phối hợp tay – mắt kém, kỹ năng nhịp điệu kém và nhận thức cơ thể kém. Em cũng có dấu hiệu xử lý kém về xúc giác, tiền đình và cảm thụ bản thể. KTV Hoạt động trị liệu đã phân loại rối loạn chức năng của Tân là lập kế hoạch vận động và nhận thức cơ thể kém do xử lý không đầy đủ thông tin đầu vào tiền đình (chứng rối loạn nhịp điệu cơ thể do tiền đình).
Tân là một đứa trẻ thông minh, bày tỏ mong muốn “vận động nhuần nhuyễn hơn, học nhảy và không phải là người cuối cùng trong mọi môn thể thao trong phòng tập thể dục”. Cháu cũng báo cáo những khó khăn khi viết chữ làm cho điểm thấp hơn ở trường.
Ghi chú SOAP sau đây mô tả một buổi can thiệp hoạt động trị liệu cho Tân. Mục tiêu của các buổi can thiệp của Tân là cải thiện nhận thức về cơ thể, quá trình xử lý tiền đình và chất lượng tổng thể của vận động để trẻ tự tin hơn vào cơ thể của mình. Lý thuyết tích hợp giác quan cho rằng bằng cách cải thiện khả năng xử lý thông tin cảm giác, khả năng lập kế hoạch và thực hiện các vận động của cơ thể sẽ được cải thiện. Ayres nhấn mạnh các hoạt động liên quan đến vận động với việc sử dụng thiết bị treo (để đạt được cường độ cần thiết) và “thử thách ở mức vừa phải”.
Mẫu ghi chép SOAP
S
Tân nói rằng một buổi khiêu vũ sẽ diễn ra ở trường trong 2 tuần nữa.
O
Tân miễn cưỡng tham gia hoạt động đu dây buộc lốp xe tốc độ cao. Cháu nhanh chóng trở nên chóng mặt khi xoay và thích thú với việc va vào các đồ vật. Tân gặp khó khăn khi sử dụng những thiết bị mới. Trẻ đã “xử lý” theo cách của mình để vượt qua hoạt động vượt chướng ngại vật năm bước ở mức khó. Tân khó vỗ tay theo nhịp (5 nhịp trước khi mắc lỗi) khi ở trên tấm bạt lò xo nhưng có thể vỗ tay theo nhịp (20 nhịp không mắc lỗi) khi ngồi trên bục xích đu. Khi nghe thấy tiếng động, trẻ nhảy vào những chiếc vòng được đặt ngẫu nhiên trên sàn, tỏ ra khó khăn trong việc sắp xếp trình tự và lập kế hoạch. Tân đã có thể sắp xếp trình tự và lên kế hoạch cho một hoạt động vượt chướng ngại vật ba bước ở mức khó bao gồm bò, đu và ném bóng vào mục tiêu. Trẻ đã hoàn thành 10 phút của chương trình gõ Mavis với tỷ lệ thành công 70% và có thể bắt chước các bước nhảy đơn giản (từ bài hát 1 của trò chơi Twister Moves). Tân không thể hoàn thành tốt các động tác nhảy và không thể hòa nhịp với nhạc sau bài hát 1.
A
Tân gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch vận động, sắp xếp trình tự và thời gian của các vận động, điều này cản trở các hoạt động giải trí (khiêu vũ) và học tập (viết chữ) của cháu.
P
Tân sẽ tiếp tục với liệu pháp tích hợp cảm giác hai lần mỗi tuần (các buổi kéo dài 1 giờ) trong 3 tháng để cải thiện quá trình xử lý thông tin tiền đình, cảm nhận bản thể và xúc giác nhằm đạt được chất lượng của các cử động cũng như các hoạt động giáo dục và giải trí. Tân được giao một bài tập về nhà để chọn một bài hát từ Twister Moves và hoàn thành các bước nhảy trong trò chơi. Tân sẽ hoàn thành chương trình đánh máy Mavis ở cấp tám và sử dụng máy tính xách tay cho các bài tập viết. Trẻ sẽ thảo luận về các hoạt động này với cha mẹ và thầy giáo của mình.
Bàn luận
KTV Hoạt động trị liệu đã sử dụng Khung tham chiếu Tích hợp cảm giác để cải thiện lập kế hoạch vận động, trình tự và thời gian vận động của Tân. Tân chọn các hoạt động, và buổi trị liệu được điều chỉnh để giải quyết mối lo ngại của cháu về trông “lúng túng hoặc vụng về” (tức là không nhảy theo nhịp nhạc) tại buổi khiêu vũ của trường. Sử dụng các mục tiêu mà trẻ tự chọn sẽ trao quyền và làm trẻ hài lòng. Hơn nữa, trẻ sẽ cố gắng tập luyện để đạt được những mục tiêu này, làm cho khả năng thành công cao hơn. Trong ví dụ này, KTV đã sử dụng thiết bị treo để cung cấp cường độ đầu vào cần thiết cho một đứa trẻ 13 tuổi. Cô ấy cũng thử thách Tân tham gia vào một hoạt động hơi khó khăn. Trẻ em có được sự tự tin khi chúng thành công trong các hoạt động mà chúng cho là hơi “khó khăn”. Bằng cách này, KTV cũng đã phát triển cảm giác về bản thân của Tân. Khuyến nghị sử dụng máy tính xách tay không nhất thiết là một kỹ thuật tích hợp cảm giác. Tuy nhiên, Tân đã 13 tuổi và cần có khả năng giao tiếp bằng văn bản để thành công ở trường. Do đó, KTV quyết định rằng đã đến lúc ngừng dạy kỹ năng viết và giúp Tân thực hiện hoạt động học tập của cháu.
Tiếp cận phát triển thần kinh
Ví dụ trường hợp:
Nam là một bé trai 4 tuổi được chẩn đoán bại não thể co cứng liệt nửa người bên phải. Một tổn thương não đã gây bất thường trương lực cơ ở nửa người bên phải cháu, ngăn cản cháu sử dụng tay và chân phải của mình đúng cách. Nam đang được điều trị HĐTL ngoại trú tại bệnh viện; mẹ cháu thường đưa cháu đến phòng tập. Gần đây N đã được phong bế dây thần kinh bằng phenol để giúp giảm trương lực cơ gấp ở cánh tay phải. Buổi trị liệu của N với KTV kéo dài 45 phút. Một ví dụ về buổi trị liệu được mô tả trong ghi chú SOAP sau đây.
Mẫu ghi chép SOAP
S
Mẹ của Nam nói rằng cánh tay phải của cháu dễ rửa hơn và khuỷu tay thẳng hơn sau khi phong bế dây thần kinh.
O
Nam sáng nay háo hức đến tập với bóng tập. Cháu thực hiện các hoạt động trên bóng tập trong khi nằm sấp và chịu trọng lượng trên hai khuỷu tay, sau đó là chịu trọng lượng trên hai cánh tay duỗi thẳng. KTV sử dụng kỹ thuật vỗ nhẹ lên bụng cơ (tam đầu) để tạo thuận duỗi khuỷu. Nam tham gia các hoạt động với hai tay, chẳng hạn như cài các nút lớn và vẽ tranh bằng ngón tay (Hình). Khi cần thiết, KTV vuốt về các cơ duỗi cổ tay để khuyến khích duy trì tư thế cổ tay chức năng (như là duỗi cổ tay trong khi nắm) trong các nhiệm vụ với hai tay. KTV đẩy nhẹ nhàng ở vai để thúc đẩy chuyển trọng lượng sang bên phải. Nam không tự phát chịu trọng lượng lên bên phải trong các vận động. Nam đã cài được năm nút lớn trong 2 phút.
A
Khả năng sử dụng cánh tay phải của Nam đã được cải thiện, thể hiện qua khả năng cài năm cúc áo lớn trong khi cổ tay duỗi.
P
Raja sẽ được trị liệu hoạt động hàng tuần để tăng cường chức năng của cánh tay phải để tự chăm sóc bản thân, học tập và vui chơi.
Bàn luận:
KTV đang sử dụng Khung tham chiếu Phát triển thần kinh (NDT) để trị liệu cho Nam. Loại phương pháp tiếp cận này liên quan đến việc sử dụng các đầu vào cảm giác để thay đổi trương lực cơ và kiểu mẫy vận động ở trẻ em và thanh thiếu niên bị tổn thương hệ thần kinh trung ương.
Mục tiêu của các buổi trị liệu với Khung tham chiếu Phát triển thần kinh là bình thường hóa trương lực cơ và cải thiện các kiểu mẫu vận động cho các hoạt động (ví dụ: học tập, chăm sóc bản thân và vui chơi).
Mô hình Hoạt động của con người (Model of Human Occupation)
Ví dụ trường hợp:
Tâm là một bé trai 8 tuổi mắc bệnh hen, dị ứng thức phẩm và rối loạn giảm chú ý (attention deficit disorder, ADD). Tâm gặp khó khăn trong việc tuân theo các quy tắc ở trường và thường xuyên gặp vấn đề rắc rối. Cháu học không tốt và ít bạn bè. Trên sân chơi, Tâm có xu hướng chơi hết mình và thường “thô bạo” với bạn bè. Cha mẹ cháu lo lắng rằng Tâm không thành công ở trường và gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội. Tâm đang ăn kiêng và dùng thuốc để điều trị ADD.
Ví dụ mẫu ghi chép SOAP
S
Tâm nói, “Cháu khoẻ, cháu chỉ thích chạy.”
O
- Ý chí: Tâm mỉm cười và dễ dàng tham gia các trò chơi vận động ngoài trời như đuổi bắt, chạy tiếp sức và đánh đu. Cháu trở nên kích động khi thực hiện các nhiệm vụ đọc và viết trong lớp. Tuy nhiên, cháu thích vẽ một bức tranh về các trò chơi ngoài trời.
- Thói quen: Tâm tham gia các trò chơi vận động ngoài trời vào cuối ngày học. Cháu tuân theo các mệnh lệnh nhiều bước khi ở ngoài lớp và giao tiếp bằng mắt với người khám. Tâm kháng cự khi đến lúc phải vào lớp. Cháu hoàn thành nhiệm vụ viết bài một cách miễn cưỡng.
- Khả năng thực hiện: Tâm đã có thể leo trèo, đu đưa và chơi ngoài trời trong 30 phút mà không có dấu hiệu mệt mỏi. Bên trong phòng, Tâm phải cố gắng với các bài tập viết và dễ dàng nản lòng. Tâm đã vẽ một bức tranh về trò chơi ngoài trời yêu thích của mình trong 10 phút, sử dụng cầm nắm ba ngón.
- Môi trường: Sân chơi được trang bị nhiều loại xích đu và lốp xe, và nhiều trẻ em đang chơi. Lớp học nhỏ, có nhiều em ngồi theo nhóm. Tâm ngồi cùng bàn với bốn đứa trẻ khác. Ở nhà, Tâm có một chiếc xích đu, một tấm bạt lò xo và cũng chơi trong vườn. Bố mẹ cháu ủng hộ việc chơi ngoài trời của cháu.
A
Tâm thể hiện điểm mạnh ở kỹ năng vận động thô; cháu có hứng thú với các hoạt động ngoài trời với bạn bè. Tâm bộc lộ điểm yếu trong các hoạt động vận động tinh trong nhà và kém chú ý đến các chi tiết.
P
Việc Tâm thích vận động thô ngoài trời có thể được sử dụng để giúp trẻ phát triển các kỹ năng học tập. Tham khảo ý kiến của giáo viên và phụ huynh về cách sử dụng các hoạt động ngoài trời để làm bài tập ở trường có thể tạo động lực cho Tâm và giúp cháu thành công ở trường. Tâm sẽ được tập hoạt động trị liệu trong 1 giờ hàng tuần trong năm học.
Bàn luận
KTV HĐTL đã sử dụng MOHO để hướng dẫn lý luận lâm sàng. Khi phát hiện ra rằng Tâm có động lực ý chí đối với các hoạt động ngoài trời chủ động, KTV đã lên kế hoạch can thiệp theo các cách để hỗ trợ Tâm trong khi rèn luyện các kỹ năng vận động tinh còn kém và tình trạng giảm chú ý vào các chi tiết của trẻ. Nhắm mục tiêu các hoạt động tạo động lực cho Tâm có thể giúp cháu cải thiện việc học của mình. Khi Tâm đạt được thành công trong lớp học, khả năng thực hiện của cháu có thể được cải thiện. Lý thuyết MOHO cho rằng thành công dẫn đến mong muốn tiếp tục thực hiện và thành công.
Tiếp cận phục hồi
Ví dụ trường hợp
Nam là một bé trai 6 tuổi bị cắt cụt cánh tay trái dưới khuỷu tay sau một tai nạn xe hơi cách đây 2 năm. Nam đến Bệnh viện X ở một thành phố khác để lắp tay giả, và để tập cách sử dụng. Cháu đã lớn hơn và tay giả cũ đã bị chật. Một KTV HĐTL hướng dẫn em sử dụng và chăm sóc tay giả mới của em, đồng thời đưa ra các hoạt động giúp cải thiện khả năng sử dụng tay giả một cách chức năng. Một buổi trị liệu điển hình được trình bày trong ghi chú SOAP hàng ngày sau đây.
Mẫu ghi chép SOAP
S
Nam nói rằng em cảm thấy tay giả mới của mình rất tốt.
O
Nam đã được tập tại phòng HĐTL để được tập sử dụng tay giả và hướng dẫn chăm sóc tay giả tại nhà/gia đình. Một bảng kiểm tra bộ phận giả đã được hoàn thành trong buổi trị liệu. Không có vùng màu đỏ nào được ghi nhận trên cánh tay hoặc bàn tay của trẻ. Cha của Nam đã được hướng dẫn cách mang và tháo tất mỏm cụt và tay giả mới. Nam tự mặc quần áo và cởi quần áo bằng tay giả. Cháu giữ cố định tờ giấy bằng cánh tay giả và viết bằng tay phải.
A
Tay giả mới vừa vặn. Nam và cha của trẻ đã có kiến thức về cách chăm sóc, mang và tháo tay giả đúng cách. Nam có thể tham gia vào các hoạt động viết chữ và chăm sóc bản thân phù hợp với lứa tuổi trong khi sử dụng tay giả.
P
Nam được xuất viện. Cháu sẽ được theo dõi bởi một KTV hoạt động trị liệu ở trường.
Bàn luận
KTV đã sử dụng Khung tham chiếu phục hồi cho Nam. Phương pháp này được sử dụng sau khi bị bệnh hoặc chấn thương để trả lại mức độ độc lập chức năng cao nhất có thể cũng như hướng dẫn bất kỳ phương pháp bù trừ có thể cần thiết để thực hiện một số hoạt động nhất định.
Vì nhiều trẻ sinh ra bị khuyết tật nên trong một số trường hợp, các KTV HĐTL cần dạy các kỹ năng mới (học mới/habitate) thay vì dạy các kỹ năng đã biết trước đó (rehabitate). Tuy nhiên, đối với những trường hợp trẻ bị khuyết tật sau khi sinh, tiếp cận phục hồi là phù hợp. Các phương pháp được sử dụng trong quá trình phục hồi và học mới bao gồm:
- Đánh giá và huấn luyện tự chăm sóc
- Cung cấp và huấn luyện sử dụng các thiết bị hỗ trợ
- Huấn luyện sử dụng bộ phận giả
- Huấn luyện sử dụng xe lăn
- Huấn luyện thích ứng kiến trúc và môi trường
- Cung cấp và huấn luyện sử dụng các thiết bị giao tiếp tăng cường
- Lượng giá và can thiệp trò chơi
Một KTV HĐTL sử dụng phương pháp phục hồi tập trung vào việc tiếp thu kỹ năng trong các hoạt động ADL, IADL, nghỉ ngơi và ngủ, vui chơi và giải trí, học tập, việc làm và các hoạt động năng suất.
Minh Dat Rehab. Lược dịch từ: Pediatric Skills for Occupational Therapy Assistants. 4th edition. Elservier. 2016. Có sửa đổi, bổ sung.