GIẢI PHẪU CHỨC NĂNG KHỚP THÁI DƯƠNG HÀM: XƯƠNG VÀ KHỚP

Cập nhật lần cuối vào 12/10/2024

Khớp thái dương hàm (temporomandibular joint, TMJ), hoặc khớp hàm là một khớp hoạt dịch cho phép các vận động phức tạp, đóng vai trò quan trọng trong thở, ăn và nói.

Các đặc điểm độc nhất với khớp thái dương hàm trong cơ thể là:

  • Khớp thái dương hàm là khớp cuối cùng bắt đầu phát triển, bắt đầu từ khoảng tuần thứ bảy trong tử cung.
  • Là các khớp động ở hai bên; bên trái và bên phải phải hoạt động cùng nhau.
  • Các mặt khớp được bao phủ bởi sụn sợi chứ không phải sụn hyalin.
  • Khớp thái dương hàm là khớp duy nhất trong cơ thể con người có điểm tận đóng cứng, là khớp làm răng chạm nhau. Sự chuyển dịch xảy ra ở khoang khớp trên, và chuyển động xoay xảy ra ở khoang khớp dưới.

Rối loạn chức năng khớp thái dương hàm có thể gây đau, khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống bệnh nhân. Đây là một rối loạn thường gặp, đến 34 % dân chúng báo cáo bị rối loạn chức năng khớp thái dương hàm.

Cần nắm vững giải phẫu chức năng khớp thái dương hàm và các cấu trúc liên quan để có thể chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.

Mục lục

XƯƠNG

Khớp thái dương hàm được cấu tạo bởi chỏm lồi cầu của xương hàm dưới và hõm khớp (hoặc ổ chảo) của xương thái dương, ở hai bên.

Xương thái dương bao gồm năm phần: phần trai, phần đá, lỗ tai trong, xương gò má và hố sọ giữa. Dây thần kinh mặt (điều khiển vận động các cơ mặt) và dây thần kinh tiền đình ốc tai (thăng bằng và thính giác) đều chạy dọc ống tai trong. Hõm khớp của xương thái dương (còn gọi là hõm hàm, mandibular fossa) nằm ở trước lỗ tai ngoài. Phần trước của hõm khớp gọi là củ khớp (articular tubercle) hoặc lồi khớp (articular eminence) – khi xương hàm dưới hạ xuống, chỏm lồi cầu sẽ nằm dưới điểm mốc này. Phần sau của hõm khớp là củ sau ổ chảo (postglenoid tubercle), ngay trước lỗ tai ngoài.

Hình 1: Các xương hộp sọ và khớp thái dương hàm
Hình 2: Hõm khớp hoặc ổ chảo

Lồi cầu xương hàm dưới có một số hình dạng bình thường, và hai bên phải cùng một hình dạng. Lồi cầu dạng phẳng một bên có thể là dấu hiệu bệnh lý nếu bên đối diện hình góc.

Hình 3: Chỏm lồi cầu và các hình dạng (lồi, phẳng, góc, tròn)
Hình 4: Xương hàm dưới nhìn từ ngoài. Condyle: lồi cầu; Ramus: ngành hàm; Angle: góc hàm. Coronoid process: mỏm vẹt

KHỚP

Khớp thái dương hàm là một khớp hoạt dịch phức tạp. Khớp có vận động bản lề ở một mặt phẳng (khớp dạng bản lề, ginglymoid joint) và cùng lúc đó có vận động trượt (một khớp trượt). Do đó TMJ là một khớp trượt – bản lề (ginglymoarthrodial joint).

Khớp bao gồm các diện khớp sụn xơ và một đĩa khớp chia khớp thành 2 khoang. Các khoang trên và khoang dưới được lót  bởi các màng hoạt dịch trên và dưới riêng biệt. Khoang khớp dưới chứa khoảng 0,9 ml hoạt dịch, và khoang khớp trên chứa khoảng 1,2 ml hoạt dịch, đóng vai trò bôi trơn giữa các mặt khớp trong khi hoạt động.

Hình 5: Khoang khớp dưới và khoang khớp trên

Bao khớp

Bao là một màng xơ bao quanh khớp và gắn vào viền khớp, đĩa khớp và cổ của lồi cầu xương hàm dưới. Lót trong bao khớp là màng hoạt dịch giàu mạch máu, cho phép sự khuyết tán của huyết tương và các thành phần của máu để tạo nên hoạt dịch.

Đĩa khớp (Articular disc)

Đĩa khớp là phần xơ sợi mở rộng của bao khớp chạy giữa hai mặt khớp của khớp thái dương hàm. Đĩa ăn khớp với hõm của xương thái dương ở trên và lồi cầu của xương hàm dưới. Đĩa chia khớp thành hai phần, mỗi phần có màng hoạt dịch riêng. Đĩa cũng được gắn với lồi cầu ở bên trong và các dây chằng bên ở bên ngoài. Phần trước đĩa gắn vào bao khớp và đầu trên của cơ chân bướm ngoài. Phần sau đĩa gắn vào hõm xương hàm dưới và được gọi là mô sau đĩa.

Hình 6: Đĩa khớp

Mô sau đĩa (Retrodiscal tissue)

Không giống như đĩa khớp, mô sau đĩa là mô có mạch máu và phân bố thần kinh. Do đó, mô sau đĩa thường là nguồn  gây đau quan trọng trong Rối loạn khớp thái dương hàm, đặc biệt khi có tình trạng viêm hoặc chèn ép bên trong khớp.

Hình 7: Khớp thái dương hàm

Dây chằng

Các dây chằng cung cấp độ vững thụ động cho khớp thái dương hàm. Về cấu tạo dây chằng tương tự như gân, chúng có nguồn cung cấp mạch máu nghèo nàn.

Ba dây chằng chức năng nâng đỡ khớp thái dương hàm là:

Các Dây chằng bên (collateral ligaments)

Còn gọi là dây chằng đĩa (discal ligaments), gắn bờ trong và ngoài của đĩa khớp với lồi cầu. Dây chằng bên trong gắn méo trong của đĩa với cột trong của lồi cầu. Dây chằng bên ngoài gắn mép ngoài của đĩa với cột ngoài của lồi cầu. Đây là những dây chằng thực sự, chia khớp từ trong ra ngoài thành các khoang khớp trên và dưới. Chức năng của chúng là hạn chế vận động của đĩa khỏi lồi cầu và làm cho đĩa di chuyển thụ động với lồi cầu khi nó trượt ra trước và ra sau. Những dây chằng này cho phép đĩa được xoay ra trước và ra sau trên diện khớp của lồi cầu, đảm bảo vận động bản lề của khớp thái dương hàm.

Hình 8: Các dây chằng bên

Dây chằng bao khớp

Toàn bộ khớp thái dương hàm được bao quanh bởi dây chằng bao khớp. Các sợi của dây chằng bao khớp được gắn ở trên với xương thái dương dọc theo bờ của diện khớp (hõm hàm dưới) và gờ khớp. Ở phía dưới, các sợi của dây chằng bao khớp gắn với cổ lồi cầu.

Dây chằng nbao khớp kháng lại các lực trong, ngoài, hoặc dưới để tránh tách trật khớp. Dây chằng bao khớp bao quanh khớp, lưu giữ dịch khớp. Dây chằng bao khớp được phân bố thần kinh và cung cấp phản hồi cảm thụ bản thể về tư thế và vận động của khớp.

Hình 9: Dây chằng bao khớp

Dây chằng thái dương-hàm (temporomandibular ligament)

Dây chằng thái dương hàm là phần bên ngoài của bao khớp dày lên, và có hai phần, một phần chéo bên ngoài và một phần nằm ngang bên trong.

Phần chéo chống lại sa xuống quá mức của lồi cầu và do đó hạn chế mức độ mở miệng. Phần ngang bên trong hạn chế vận động ra sau của lồi cầu và đĩa khớp. Khi một lực tác động lên hàm dưới làm đẩy lệch lồi cầu ra sau, phần dây chằng này sẽ căng và phòng lồi cầu di chuyển ra vùng sau của hõm khớp, bảo vệ mô sau đĩa khỏi chấn thương.

Hình 10: Dây chằng thái dương hàm

Hai dây chằng phụ của khớp thái dương hàm là:

Dây chằng bướm hàm (sphenomandibular ligament):

Dây chằng này chạy từ gai xương bướm đến đến lưỡi xương hàm dưới (lồi xương nhỏ ở mặt trong của ngành hàm dưới). Nó không có tác dụng hạn chế đáng kể lên vận động của hàm.

Dây chằng trâm hàm (stylomandibular ligament):

Dây chằng này chạy từ mỏm trâm, xuống dưới và ra trước đến góc và bờ sau của ngành hàm. Dây chằng này căng khi hàm được đưa ra trước và chùng khi hàm mở. Dây chằng này do đó hạn chế vận động đưa ra trước quá mức của xương hàm.

Hình 11: Dây chằng khớp thái dương hàm nhìn từ ngoài

Các dây chằng tai hàm (oto-mandibular ligaments):

Bao gồm dây chằng đĩa- xương búa (DML, discomalleolar ligament), phát xuất từ xương búa (malleus, một trong các xương nhỏ của tai giữa) và chạy đến bờ trong mô sau đĩa của khớp thái dương hàm, và dây chằng búa trước (AML, anterior malleolar ligament), phát xuất từ xương búa và kết nối với lưỡi của xương hàm dưới qua dây chằng bướm hàm. Các dây chằng tai- hàm dưới có thể liên quan đến chứng ù tai và các triệu chứng khác của tai liên quan đến rối loạn khớp thái dương hàm.

Hình 12: Dây chằng đĩa – xương búa

Vận động khớp

Khớp thái dương hàm có thể có nhiều vận động khác nhau, đó là nâng, hạ hàm, đưa hàm sang bên (xảy ra cả bên phải và trái), đưa hàm ra sau (retrusion) và ra trước (protrusion).

  • Hạ xương hàm (mở hàm) liên quan đến 2 vận động: phần đầu tiên là xoay ra trước của lồi cầu trên đĩa, phần thứ hai liên quan đến trượt của đĩa và lồi cầu ra trước và xuống dưới. Nâng hàm (đóng hàm) là vận động ngược lại, bao gồm trượt của đĩa và lồi cầu ra sau và lên trên, xoay của lồi cầu ra sau trên đĩa. Các vận động này xảy ra trong mặt phẳng đứng dọc.
  • Đưa ra trước và ra sau xảy ra ở mặt phẳng ngang. Không có xoay ở động tác này. Lồi cầu và đĩa hoạt động như một đơn vị lên hõm khớp của xương thái dương.
  • Vận động sang bên cũng xảy ra ở mặt phẳng ngang, bao gồm một lồi cầu xoay trong hõm khớp trong khi lồi cầu bên kia trượt ra trước. Để đưa hàm sang bên trái, lồi cầu trái sẽ xoay và lồi cầu phải trượt ra phía trước. Sự xoay này xảy ra quanh một trục đứng dọc.
Hình 13: Khớp thái dương hàm với hàm đóng, hàm mở nhẹ (vận động bản lề chiếm ưu thế, và mở rộng (vận động trượt và bản lề)
Hình 14: Các vận động khớp thái dương hàm

Nhai và nói đòi hỏi sự kết hợp của các vận động hàm với các hướng khác nhau.

Tầm vận động bình thường: 

  • Há miệng 40 đến 60 mm. 
  • Đưa sang bên: 8 đến 12 mm
  • Đưa ra trước: 8 đến 12 mm
Hình 15: Động tác há miệng (mở hàm)

Tư thế khớp nghỉ và Tư thế khớp khoá (Resting Position and Close-Packed Position)

Tư thế nghỉ của khớp thái dương hàm là miệng hơi mở, môi kề nhau và răng không chạm nhau. Tư thế khớp khoá là nghiến chặt răng. 

XEM VIDEO:

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này